Những ngày gần đây, một trường mầm non và Sở GD&ĐT TPHCM đã phát đi thông báo không nhận quà vào Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Thay vào đó, các đơn vị này xin được nhận email hoặc thiệp chúc mừng.
Nhiều bạn đọc ủng hộ chủ trương này nhưng cũng không ít người cho rằng, đó chỉ là hình thức, bởi quà sẽ đi “cửa sau”.
Lãnh đạo Trường mầm non Duy An tặng quà học sinh. (Ảnh từ website nhà trường)
Ám ảnh 50.000 đồng hay 100.000 đồng?
Ngay sau khi bức ảnh Trường mầm non tư thục Duy An (quận Gò Vấp, TPHCM) từ chối nhận quà tặng nhân ngày 20/11 được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã rất phấn khởi và đồng tình. Một số người cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn, cần được Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện ở tất cả các trường.
Phụ huynh Dương Quốc Sáu (TPHCM) chia sẻ: “Tôi có con nhỏ học lớp 2, sắp đến ngày 20/11 là tôi lo lắm. Đưa 50.000 đồng biếu cô thì ít mà đưa 100.000 đồng thì ngày đó cả nhà sẽ không có thức ăn. Ngày xưa, đến ngày này, cả lớp tôi góp tiền vào mới mua được bó hoa hồng tặng thầy cô nhưng rất vui và ý nghĩa, vì đó là tấm lòng tri ân các thầy cô. Như hiện tại, mức luơng công nhân của tôi chỉ 3 triệu đồng/tháng, cố gắng lắm chúng tôi cũng khó có điều kiện để bỏ phong bì. Vì thế, cá nhân tôi thấy rất hoan nghênh Trường Duy An đã có chủ trương đúng và tôi thực sự xúc động nếu họ làm được như vậy”.
Anh Võ Đức Hoàng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng nhận xét: “Trường Duy An làm thế rất tốt, tất cả các trường trong cả nước cần noi theo. Tôi thấy học sinh bây giờ khổ quá. Cứ gần đến ngày lễ tết, bố mẹ lại phải phong bì phong bao cho các thầy cô. Nếu không, lại nơm nớp lo âu thầy cô không hài lòng rồi con không được yêu quý. Tuy nhiên, lập trường của những đơn vị dám đăng tin không nhận quà như trên có vững không mới là quan trọng. Hy vọng họ thực hiện được. Nếu không, lại là cơ hội để quà đi… “cổng sau” mà thôi”, anh Hoàng cho biết.
Nói về điều này, cô giáo Phan Anh (giáo viên Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chủ yếu biến tướng của việc tặng quà thường xảy ra ở môi trường phổ thông và mầm non. Ở môi trường đại học, không bao giờ đặt ra vấn đề đấy. “Cũng có thể do tôi ít giao tiếp với bên ngoài nhưng nhìn chung, việc quà cáp ngày lễ tết ở môi trường đại học ít khi xảy ra”, cô giáo Phan Anh nói.
Nhà trường lên tiếng
Thông báo không nhận quà của Trường mầm non Duy An. Ảnh: Tùng Sơn
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH ngày 13/11, lãnh đạo Trường mầm non tư thục Duy An cho biết: “Mấy hôm nay chúng tôi có đọc thấy thông tin trên mạng. Sự việc bắt đầu do một phụ huynh đăng ảnh lên Facebook cá nhân chứ không phải trường quảng bá gì. Khi đưa chủ trương này ra, chúng tôi đã được sự đồng ý của tập thể giáo viên nhà trường chứ không phải ý kiến riêng của Ban giám hiệu. Chúng tôi không nghĩ, việc xin phép không tặng quà là làm mất truyền thống tôn sư trọng đạo. Trước đến nay, phụ huynh vẫn thường mua quà cáp cho con mang đến tặng các thầy cô, trong khi các con đâu đã tự làm ra tiền để mua được những món quà ấy? Vì thế, việc tặng quà vừa làm phiền phụ huynh, vừa không giúp các con hiểu được ý nghĩa của ngày lễ ấy”.
Lãnh đạo nhà trường còn cho biết thêm, để học sinh có những món quà ý nghĩa, nhà trường tổ chức ngày 20/11 với các trò chơi tạo hình, vẽ tranh, làm các tấm thiệp và bông hoa… Hiện Trường mầm non Duy An có 50 người, bao gồm cả giáo viên và cấp dưỡng (đều là các sơ). Trong ngày 20/11 tới, tất cả mọi ngươi trong trường đều được nhận một tấm thiệp do chính tay các học sinh tự làm.
Công văn xin được chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam qua thư điện tử của Sở GD&ĐT TPHCM.
Trước câu hỏi “Liệu việc từ chối nhận quà có thực sự là mong muốn của nhà trường hay chỉ là hình thức “làm khó” phụ huynh?”, lãnh đạo nhà trường cho biết: “Chúng tôi đã cấm tất cả các giáo viên nhận quà dưới bất cứ hình thức nào. Điều này nằm trong kỉ luật giới của các sơ và họ tự nguyện thực hiện”.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhận xét: “Hiện nay người ta đang cố gắng để việc tặng quà thực sự trong sáng. Các cụ xưa từng nói “Hữu hồ hởi không hữu bằng tâm”, làm thế nào để thể hiện được tấm lòng của mình ấy mới quan trọng. Nếu quà tặng là một bông hoa, một tấm thiệp thì cũng không thành vấn đề. Nhưng nếu làm quá đi và biến những việc tốt đẹp ấy thành hàng hóa thì hơi quá và không được hay lắm. Với các nhà quản lý, tôi nghĩ họ đang cố gắng để hình thức tặng quà trở nên minh bạch hơn nhưng thực chất bên trong, họ thực hiện thế nào mới là quan trọng”.
Công văn được phát đi cách đây ít hôm của Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị: “Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, chắc chắn Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục được đón nhận những tình cảm của quý cơ quan, đơn vị, xin được nhận những tình cảm tốt đẹp đó bằng thiệp chúc mừng điện tử qua địa chỉ: Vanphong.sotphochiminh@moet.edu.vn ”. |