Nhiều hộ dân từ miền Tây di cư tới một cánh đồng cỏ bỏ hoang ở khu Vĩnh Lộc, quận Bình Tân (TP.HCM) để làm nghề chạy dây kiếm sống. Sau 10 năm nơi đây đã thành làng nghề độc đáo.
Những mảnh đất trống, bằng phẳng tại khu Vĩnh Lộc là nơi lý tưởng để nhiều gia đình từ các tỉnh miền Tây như An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ... tìm đến dựng các căn nhà tạm và cuộn dây thành sản phẩm để kiếm sống.
Gọi là đất bỏ hoang nhưng không vô chủ nên một mảnh dài hàng trăm mét, rộng gần 4 m họphải trả tiền thuê 500.000 đồng/tháng.
Họ nhận các cuộn dây nylon từ nhiều công ty đem về gia công, cuộn thành từng sợi đủ các kích cỡ. Chạy xong sẽ đóng gói, cân thành ký chờ các công ty tới lấy rồi nhận tiền công. 100 kg dây thành phẩm thu được 400.000 - 450.000 đồng.
Các loại dây lớn nhỏ được giăng dày đặc, dài hàng trăm mét.
Trong khi một người đặt cuộn dây nylon trên chiếc máy kéo thì một người luồn từng múi dây qua khe chiếc cào (thanh gỗ có những móc sắt tạo thành từng khe như chiếc lược), rồi kéo cây cào đến cuối cánh đồng gắn vào móc.
Sau đó, các sợ dây sẽ gắn vào chiếc máy kéo sa.
Chiếc máy này chạy bằng mô tơ sẽ cuộn các sợi dây lại với nhau thành từng sợi lớn.
Người thợ phải để ý các sợi dây khi đang cuộn, nếu gặp trục trặc nó có thể thể bị đứt. Ông Võ Văn Của (65 tuổi, quê An Giang) cho biết làm nghề này đòi hỏi phải kiên nhẫn, khi dây kéo ra bị dính nhau, nếu không để ý gỡ thì sẽ bỏ cả cuộn.
Gia đình ông Phan Công Hùng (66 tuổi, quê Sóc Trăng) là một trong số ít các hộ nhận chạy dây loại lớn. Trong thửa đất mướn dài hơn 100 m, rộng gần 4 m bằng phẳng, ông cho chạy cả máy kéo sa cuộn dây từ đầu đến cuối cánh đồng.
Ngồi cuộn các sợi dây thành phẩm, ông Của chia sẻ: "Nghề này, dù trời nắng hay nước ngập đồng cỏ mọi người cũng phải làm, chạy càng nhanh thì có được nhiều dây. Nhiều hôm phải tranh thủ làm từ sáng sớm để kịp giao cho công ty".
Sau khi cuộn xong, từng sợi dây dài được đóng gói thành từng cuộn lớn để các công ty đến lấy hàng. Theo ông Của, 3 người trong gia đình ông có thể làm được gần 100 kg sản phẩm/ngày, thu hơn 400.000 đồng.
Chị Võ Thị Lẹ (36 tuổi, quê An Giang), một thợ chạy dây lâu năm, cho biết tại khu Vĩnh Lộc, các hộ gia đình từ miền Tây lên đây đều nghèo. "Theo nghề này cũng bấp bênh, không biết chủ sẽ lấy lại đất bán lúc nào, khi đó cả xóm lại dắt nhau đi tìm nơi mới. Tuy vất vả nhưng thu nhập cũng đủ sống, còn hơn đi làm công nhân gò bó thời gian", chị Lẹ nói.