Trong khi dịch sởi đang hoành hành dữ dội, các bác sỹ khuyến cáo thủy đậu cũng là bệnh truyền nhiễm cần lưu tâm.
Mầm bệnh thủy đậu đang lưu hành trong cộng đồng, ngoài đối tượng chính là trẻ em, thủy đậu tấn công, khiến nhiều người lớn phải nhập viện.
Người dân lo ngại... “dịch kép”
Theo thống kê của trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, tính đến tháng 4/2014, đã có 369 trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu, tăng 220% so với cùng kỳ năm 2013 (115 ca). Khoảng 90% trường hợp mắc bệnh là trẻ em, điều trị chủ yếu tại bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2. Như vậy là mầm bệnh thủy đậu đang lưu hành trong cộng đồng, ngoài đối tượng chính là trẻ em, thủy đậu cũng tấn công, khiến nhiều người lớn phải nhập viện. Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tính đến ngày 21/4 bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 261 bệnh nhân mắc thủy đậu (bao gồm bệnh nhân tại TP.HCM và các tỉnh lân cận), tăng 185% so với cùng kỳ năm ngoái (141 ca). Tính riêng trong ngày 21/4 có 13 trường hợp bệnh nhân là người lớn mắc thủy đậu đang điều trị nội trú.
Một bệnh nhân bị thuỷ đậu.
Tại Hà Nội, bệnh sởi và thủy đậu đang tiếp tục gia tăng ở trẻ em và cả người lớn. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện Da liễu Hà Nội đón khoảng 5 - 6 trường hợp đến khám thủy đậu. Bệnh nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau, đa số chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh. Thủy đậu bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi tuần cũng có khoảng 10 bé bị thủy đậu đến khám. Đa phần số bé bị thủy đậu đến khám là trường hợp nhẹ, chưa có biến chứng.
Trao đổi qua điện thoại, BS.Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết: “Vắc-xin ngừa bệnh thuỷ đậu “cháy hàng” từ cuối năm 2013. Cuộc chiến phòng chống thủy đậu đang gặp khó khăn. Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn đã phải nhập viện vì bị thủy đậu tấn công. Điển hình, tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhi gặp biến chứng vì mắc thủy đậu bẩm sinh. Bệnh nhi là bé Nguyễn Trần Gia H. (15 ngày tuổi, ngụ tại Gò Dầu, Tây Ninh). Hai ngày sau sinh, mẹ cháu bé có biểu hiện sốt, nổi bọng nước và bác sỹ kết luận mắc thủy đậu. Đến ngày thứ 12 sau khi chào đời, bé H. có biểu hiện sốt, bỏ bú, phát ban trên người. Bệnh diễn tiến cấp tính bởi chỉ hơn một ngày cơ thể cháu đã nổi đầy bọng nước. Bác sỹ xác định, bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi nên tiến hành hỗ trợ hô hấp và điều trị tích cực. Khai thác bệnh sử từ người nhà bệnh nhi ghi nhận, trước khi mang thai, người mẹ đã không được chích vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu.
Trước nỗi lo thủy đậu vào mùa dịch, nhiều phụ huynh đã tá hoả đưa con đi tiêm phòng, tuy nhiên, theo phản ánh của chị Đoàn Thu Trang (891 đường Giải Phóng) và một số phụ huynh khác, khi đi tiêm ngừa thủy đậu cho con gái tại các cơ sở y tế đều được nhân viên y tế thông báo đã hết vắc-xin thủy đậu và chưa biết khi nào mới có?! “Nhân viên y tế còn khuyến cáo, nếu tình trạng khan hiếm vắc-xin thủy đậu kéo dài thì bệnh này có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới. Để nhận biết bệnh thủy đậu, các bậc phụ huynh cần lưu ý khi thấy trẻ sốt cao, đau nhức, rồi sau đó trên da xuất hiện bọng nước cần đưa đến cơ sở y tế khám ngay”, chị Trang cho hay.
Biện pháp hữu hiệu dùng vắc-xin chủng ngừa
Đem thắc mắc về nỗi lo “dịch kép” sẽ hoành hành đến các chuyên gia dịch tễ, PV báo Đời sống và Pháp luật nhận được câu trả lời, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh thủy đậu là sử dụng vắc-xin chủng ngừa. Tuy nhiên, trên thực tế khoảng một năm qua, loại vắc-xin này đã khan hiếm và “cháy hàng” nên cả người dân và ngành Y tế Dự phòng rơi vào tình thế “tay không phòng bệnh”. Vắc-xin ngừa thủy đậu không được cung cấp liên tục đang tiếp tay cho bệnh thủy đậu quay trở lại và gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Thủy đậu đang sát cánh cùng dịch sởi đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa bệnh thủy đậu và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Bác sỹ CKII Nguyễn Minh Quang- bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, thuỷ đậu là một bệnh ngoài da do virus varicella-zoster gây ra, bệnh xảy ra nhiều nhất vào tháng Ba, tháng Tư hàng năm. Bệnh thủy đậu có thể gặp ở tất cả mọi người nhưng thường là ở trẻ từ 5-9 tuổi và nặng nhất xảy ra ở người lớn tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh lây lan qua việc tiếp xúc với chất dịch của người bệnh qua da, quần áo, hay lây lan bệnh qua việc tiếp xúc với nước bọt của người bệnh qua đường không khí khi giao tiếp, nói chuyện với người bệnh thủy đậu. Kể từ khi bị nhiễm virus gây bệnh thủy đậu do tiếp xúc với người bệnh, sống chung môi trường với người bị thủy đậu mà hệ miễn dịch bị tổn thương cho đến khi bệnh bắt đầu có triệu chứng biểu hiện trên cơ thể trung bình là 14 ngày, có người bị sớm hơn 10-12 ngày và có người trên 20 ngày mới bị phát bệnh.
Khi bệnh thủy đậu mới phát sinh, trên cơ thể người bệnh sẽ nổi những mụn nước có màu hồng nhạt ở mặt, chân, tay và nhanh chóng lan ra trên toàn thân trong vòng 24 giờ. Người bệnh có thể bị từ vài nốt mụn đến hơn 500 mụn nước trên cơ thể tùy theo bị nhiễm bệnh nặng nhẹ và cơ địa, sức đề kháng từng người khác nhau.
BS. Quang khuyến cáo, nếu là trẻ em bị nhiễm bệnh, bé có thể kèm theo triệu chứng sốt nhẹ từ 37-38oC, biếng ăn, cơ thể bé khó chịu nên hay chướng tính, hay khóc, ho ít, nước mũi loãng trong. Nếu là người lớn bị nhiễm bệnh, thường kèm theo triệu chứng sốt cao có thể trên 40oC, đau đầu, đau họng, các cơ đau nhức, toàn thân mệt mỏi, rã rời, buồn nôn và nôn nhiều. Ở những vùng bị nổi mụn nước bạn có cảm giác nóng ran, ngứa rất nhiều, nếu bạn càng gãi, mụn nước bị vỡ ra thì bệnh càng nặng và nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng càng nghiêm trọng hơn.
Nếu mẹ mắc thủy đậu từ năm ngày trước đến hai ngày sau khi sinh thì trẻ sẽ dễ bị nhiễm bệnh, nặng là dẫn đến tử vong cao, nếu trên một tuần diễn biến lành tính thì trẻ sẽ nhận được kháng thể IgG từ mẹ nên không nguy hiểm lắm, nếu trong ba tháng đầu của thai kỳ thì đứa trẻ dễ bị các khuyết tật bẩm sinh.
BS. Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương lưu ý: “Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) nên tiêm vắc-xin thủy đậu trước khi mang thai ba tháng. Khi gia đình có người bị bệnh thủy đậu, nhằm tránh lây lan cho các thành viên trong gia đình, người bệnh cần được chăm sóc và cách ly trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời. Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm. Người bệnh nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng. ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả. Dùõng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt bọng nước đã vỡ. Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh... Tuyệt đối không được dùng thuốc Aspirin để hạ sốt”.
Cũng theo bác sỹ Hà, cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Vệ sinh phòng ở của người bệnh: Lau sàn phòng, bàn ghế, tủ giường, đồ chơi của người bệnh hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Những biến chứng đe dọa đến tính mạng BS.Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo: “Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh như: Nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, viêm màng não. Đối với người lớn khi bị biến chứng gây viêm não, tỉ lệ tử vong cao nếu qua khỏi thì dễ để lại di chứng. Những người có tình trạng suy giảm miễn dịch, nếu mắc thủy đậu nguy cơ biến chứng càng tăng cao; phụ nữ mang thai mắc thủy đậu có thể khiến thai nhi bị dị tật hoặc gây bệnh thủy đậu bẩm sinh cho trẻ”. |