Suốt 16 năm qua, cuộc sống của chú Lâm đều dựa vào chiếc ròng rọc tự chế và bàn tay chăm sóc của bà Chín.
Người dân quanh khu vực phường 4 - TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đã quen với hình ảnh cụ bà 81 tuổi ngày đêm chăm sóc đứa cháu trai tội nghiệp bị liệt tứ chi. Đó là bà Chín, hiện đang sống cùng chú Lâm (42 tuổi, con của anh trai bà) trong căn nhà tình nghĩa được mọi người xây tặng. Dù tuổi già sức yếu lại ốm đau liên tục nhưng chưa khi nào bà cho phép mình được nghỉ ngơi bởi thương đứa cháu trai tội nghiệp.
Người đàn ông có nghị lực sống phi thường
Được biết, chú Lâm từng tốt nghiệp đại học ngành y, khi tương lai còn đang rộng mở thì bất ngờ tai nạn ập đến khiến chú phải nằm liệt giường. Ba mẹ chia tay từ khi 3 tuổi, chú Lâm ở với ba và cô ruột là bà Chín. Chồng bà Chín mất từ năm 1969, bà một tay nuôi hai con, cộng thêm cả anh trai và cháu.
Ba chú Lâm mắc bệnh thần kinh, không làm ra tiền nên mọi việc trong nhà đều do một mình bà Chín lo liệu. Tất cả đều trông cậy vào số tiền mà hàng ngày bà Chín đi bán gạo, bán rau có được. Cũng có khi gia đình bà được những người hàng xóm tốt bụng hay mạnh thường quân giúp đỡ rau mắm qua ngày.
Về phần chú Lâm, tuy bị liệt tứ chi nhưng đầu óc chú vẫn hoàn toàn tỉnh táo và có thể nói chuyện bình thường. Chú không đầu hàng số phận mà luôn cố gắng giành lấy sự sống. Vì thực hiện trị liệu tại bệnh viện rất tốn kém nên chú đã nghĩ ra cách “chế” một thiết bị tập luyện thông minh qua hệ thống ròng rọc. Dựa vào kinh phí 3 triệu đồng được các nhà hảo tâm giúp đỡ, chú nhờ ba thực hiện hệ thống ròng rọc ngay trên chiếc giường của mình và hàng ngày trị liệu để có thể sống khỏe mạnh hơn.
Hệ thống máy tập gồm mười hai ròng rọc nhỏ và một ròng ròng lớn chịu lực, phía dưới là một chiếc mô tơ chạy bằng điện.
“Đối với những người khuyết tật, nếu không được tập luyện thì cơ thể sẽ bị hao mòn trong đau đớn. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để tập luyện hay có người giúp đỡ để tập. Tôi không chấp nhận việc cơ thể đang dần suy yếu nên đã tự nghĩ ra hệ thống ròng rọc này và nó đã góp phần cứu sống tôi. Cô Chín cũng không còn quá vất vả trong việc chăm sóc tôi hàng ngày nữa”, chú Lâm chia sẻ.
Hệ thống ròng rọc ra đời thành công đã giúp chú Lâm tập luyện các phần cơ tay, chân, vai, phần lưng và tập bụng. Chú Lâm cũng cảm thấy sức khỏe khá hơn nên đã xin phép gia đình đi bán vé số kiếm thêm thu nhập. Hàng ngày, chú Lâm vực dậy nhờ hệ thống ròng rọc và ngồi trên chiếc xe lăn để ra đường bán vé số.
“Sợ tôi mất rồi không ai lo cho cháu…”
Vài năm sau tai nạn, ba chú Lâm cũng mất. Hai người con của bà Chín cũng có cuộc sống riêng, còn lại mình bà và người đứa cháu trai tội nghiệp. Cuộc sống trở nên vất vả hơn khi bà Chín ngày càng già yếu và không thể lao động. Công việc bán vé số của chú Lâm cũng dừng lại bởi chú gặp quá nhiều sự cố trên đường.
“Nhà giờ chỉ còn hai cô cháu. Chục năm nay sức khỏe tôi đã giảm rõ rệt, cũng chỉ có thể chăm sóc, tắm giặt, cơm nước cho Lâm, chứ sức tôi thì không thể đỡ người hay giúp nó tập luyện được. Cũng may là cháu rất thông minh, đã nghĩ ra máy này, tôi chỉ việc đặt dây vòng qua vai, chân, tay là cháu tự tập luyện được”, bà Chín chia sẻ.
Giờ đây, nguồn sống của 2 cô cháu chỉ trông chờ vào các nhà hảo tâm và bà con hàng xóm giúp đỡ. “Người có rau cho rau, có gạo cho gạo, đôi lúc cho thức ăn mặn để hai cô cháu nấu cơm ăn. Bây giờ tôi chẳng còn biết mình sống được bao lâu để lo cho cháu nữa…”, nói đoạn, bà Chín nghẹn ngào đưa tay lau nước mắt.
Có lẽ những ngày cuối đời, bà Chín chỉ mong sao 2 cô cháu đủ cơm ngày 3 bữa, được khoẻ mạnh để còn lo cho đứa cháu tật nguyền. Bà chỉ sợ một ngày bà mất đi, đứa cháu sẽ không ai chăm sóc...
Nguồn: Bùi Hồ TV