Sau khi tiêu hết số tiền bán một quả thận, những nông dân nghèo lần lượt rời quê. Đến nay, một số vẫn biền biệt tha hương mưu sinh, không rõ tung tích. Số còn lại, bám quê nhưng sức khỏe suy sụp.
Thận mất, tiền tan
Dư luận từng xôn xao về việc hàng chục hộ dân ở huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) rủ nhau đi “hiến” thận (nói “hiến” để hợp thức hóa nhưng thực chất là bán thận) đổi lấy số tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng để trả nợ, tiêu xài.
Chỉ sau vài năm, số tiền hơn 100 triệu đồng mà nhiều nông dân nghèo ở xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ) có được nhờ bán thận cũng đã tiêu hết. Vì mặc cảm nên phần lớn những người bán thận đã bỏ xứ đi biền biệt. Trong khi đó, người ở lại phải đối diện với muôn vàn khó khăn khi sức khỏe của họ dần giảm sút.
Những ngày cuối tháng Tám, PV báo ĐS&PL có mặt tại vùng quê này tìm hiểu ngọn ngành chuyện người dân nơi đây phải bán thận mưu sinh.
Anh Danh Lang cho biết, dù sức khỏe giảm sút nhưng hiện nay anh vẫn cố gắng đi làm thuê để nuôi vợ và 3 con nhỏ. - Ảnh: Thanh Lâm
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Long Hồ, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cho biết, tại xã có 6 trường hợp nông dân nghèo âm thầm rủ nhau đi bán thận. Sau đó, do cuộc sống khó khăn nên những người bán thận lần lượt rời quê, tứ tán đi làm thuê mưu sinh. Trong số nông dân đi bán thận, trường hợp của anh Hồ Văn T. (ngụ ấp 6, xã Thạnh Phú) đáng lưu ý nhất. Sau khi bán đi một quả thận, sức khỏe của anh T. giảm sút đáng kể. Hiện, người này đang trị bệnh và xin làm từ thiện cho một bệnh viện tại TP.HCM. Ở quê, chỉ còn vợ con của anh T. nhưng cuộc sống rất khó khăn.
Là một trong những nông dân nghèo đi bán thận còn bám víu tại quê nhà, anh Danh Lang (36 tuổi, ngụ ấp 7, xã Thạnh Phú) cho biết, anh là trụ cột chính trong gia đình. Dù hiện tại, sau khi bán thận, sức khỏe của anh Danh Lang không còn được như trước nhưng anh vẫn cố gắng đi làm thuê để nuôi vợ cùng 3 đứa con nhỏ nheo nhóc.
Căn nhà xập xệ nơi gia đình anh Danh Lang sinh sống - Ảnh: Thanh Lâm
Sức khỏe suy kiệt
Theo anh Danh Lang, nhà đông người, hoàn cảnh khó khăn, lại không có đất sản xuất nên hơn 4 năm trước, anh đã đồng ý bán đi một quả thận với giá 100 triệu đồng. Hy vọng với số tiền này, gia đình sẽ có vốn liếng làm ăn. Tuy nhiên, sau một năm, gia cảnh nghèo vẫn hoàn nghèo, còn sức khỏe lại giảm sút khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn hơn.
“Lúc bán thận, tôi cũng đã có suy nghĩ về sức khỏe của mình, nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên tôi làm liều. Bán xong một quả thận, tôi được 100 triệu đồng. Sau đó, tôi trở về quê và không còn biết gì về thông tin người môi giới hay người mua thận của mình”, anh Danh Lang ngậm ngùi nói.
Tìm hiểu thêm, được biết, một lần, được người giới thiệu sang Trung Quốc “hiến” thận với giá 100 triệu đồng, anh này đã đồng ý. Sau đó, Danh Danh Lang phải nằm lại bệnh viện điều trị hơn 10 ngày, mới về lại Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó, từ chỗ đang khoẻ mạnh, sức khỏe của anh ngày càng giảm sút...
Được biết, thời điểm đó, để hợp thức hoá việc mua bán thận, các đối tượng “cò mồi”, thậm chí có cả nạn nhân đã từng bị lừa bán thận, tiếp cận dụ dỗ bạn bè, người thân tiếp tục bán thận. Họ “phù phép” bằng cách làm đơn “xin hiến thận” cho người quen mà chưa hề biết mặt khiến nhiều người bán thận để rồi nhận “quả đắng”.
Anh Lang cho biết, vết sẹo đã lành nhưng thi thoảng anh vẫn hay đau - Ảnh: Thanh Lâm.
Chuyện một số nông dân miền Tây “hiến thận” nhận được tiền xảy ra cách đây đã vài năm nhưng hậu quả của nó vẫn còn nặng nề đến tận hôm nay.
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL về tình trạng này, ông Cao Long Hồ, cho biết thêm, trong ngày 21/8, địa phương đã phối hợp với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, cùng các đơn vị liên quan triển khai về việc thành lập “Mô hình hỗ trợ nạn nhân bị bán trở về”. Việc thành lập “Mô hình hỗ trợ nạn nhân bị bán trở về” tại xã Thạnh Phú không chỉ tuyên truyền, vận động phòng ngừa, mà còn hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng và sớm ổn định cuộc sống.