20 tuổi, Son sở hữu đôi chân to bất thường và không ngừng lớn hơn. Trong khi đó, cha và mẹ em cũng mang trong mình rất nhiều bệnh tật.
Đôi chân có một không hai
Tối 10/9, những người có mặt tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) không thể ngó lơ khi nhìn thấy đôi chân to bất thường của Trần Thị Mỹ Son (SN 1995, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ánh mắt cô ứa lệ: “Hai mươi năm trôi qua nhưng mỗi khi có người hiếu kì nhìn đôi chân voi này, em vẫn cảm thấy xót xa”.
Ngồi bên cạnh, bà Huỳnh Thị Dưa (mẹ Son) kể, quê nghèo, sau khi cưới, vợ chồng bà dắt díu nhau vào vùng kinh tế Khe Lời sống với hy vọng có cơ hội đổi đời. Đó là vùng rừng thiêng nước độc. Được một thời gian, bà bị khớp, tim rồi cả thận. Và, vùng đất ấy đã góp phần cho hai đứa con của bà rơi vào bạo bệnh.
Bà từng sinh được một cô con gái kháu khỉnh, dễ thương. Nhưng, từ khi vừa lọt lòng, bé đau ốm liên miên. Bà chua chát khi bác sĩ thông báo, đứa con đầu bị bệnh tim bẩm sinh. Gia đình khó khăn, không có tiền chữa trị, đứa bé trút hơi thở khi vừa tròn 4 tuổi.
Son với đôi chân to hơn cơ thể
Vợ chồng mừng vui khôn tả khi bà mang thai lần thứ hai. Ngày Son ra đời, bà Dưa suýt chết do đôi chân của trẻ sơ sinh quá lớn gây băng huyết. Son cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc người mẹ ngất lịm.
Theo thời gian, đôi chân Son lớn bất thường, rất nặng nề. Cô không thể đi lại. Việc di chuyển dựa vào đôi tay khẳng khiu. “Nó lết mỗi khi di chuyển. Từ giường cách nhà vệ sinh hơn chục mét, thế nhưng, để đến nơi, Son lết hơn 10 phút”, bà nói.
Đôi lần, bà thấy da ở chân con vỡ, máu chảy nên hỏi. Son tìm cách nói lảng. Nhưng, trước sự truy hỏi của mẹ, cô đành nói thật: “Con tập đi”. “Thấy con vậy, tôi xót lắm nhưng không biết phải làm gì. Tôi dặn cháu đừng tập đi nữa nhưng khát khao đi lại bằng đôi chân vẫn khiến cháu cãi lời. Và, mỗi lần như thế, máu lại ứ ra”, người mẹ lau vội dòng nước mắt.
Tròn 10 tuổi, Son bỗng mọc thêm khối u từ bắp chân trái kéo lên trên bụng rất đau. Thấy con đau, lòng cha mẹ xót xa, cầm cố nhà đất, vay mượn khắp nơi đưa đi phẫu thuật ba lần cắt khối u mới mọc với thời gian kéo dài nhiều tháng liền. Phần khối u tuy nhỏ hơn trước nhưng nay tím tái, gây đau đớn vô cùng. Vết thương ấy chưa kịp lành thì đôi chân lại lên cơn đau dữ dội.
Vợ chồng bà Dưa nhiều lần đưa Son đến bệnh viện Trung ương Huế khám. Bác sĩ kết luận, cô bị nhiễm chất độc màu da cam, đôi chân bị u mạch máu. Đến nay, bệnh đã di căn vào xương tủy, ổ bụng.
Đôi chân Son to bự, ngón chân không thể nhúc nhích, đầu ngón ứa máu. Đưa tay chạm nhẹ, phần thịt dày, khá lỏng và không thể thấy xương. Điều đáng nói, hai cẳng chân của cô còn lớn hơn cả phần thân.
Không thể trở thành người vô ích
Nén cơn đau, Son kể, thấy bạn bè đến trường, cô cũng muốn đi học. Cha mẹ ái ngại với đôi chân to bất thường nên khuyên nhủ không nên. Cô năn nỉ: “Đôi chân con đau nhưng đầu con có đau đâu. Con không muốn mình trở thành một người mù chữ”. Người cha rơi nước mắt, bấm bụng đến trường xin cho con gái nhập học.
Mỗi sáng, ông Trần Như Dũng (cha Son, 57 tuổi) lại chở con đến trường. Thấu hiểu khổ cực của bậc sinh thành, cô chăm học. Suốt 5 năm liền, cô là học sinh khá giỏi. Cô từng có mong ước, sau này lớn lên, đôi chân được chữa khỏi, mình sẽ trở thành một giáo viên đứng trên bục giảng.
Chi phí sau mổ, mua máu… là một gánh nặng không nhỏ đối với gia đình bệnh nhân
Ước mơ của Son tan vỡ khi tốt nghiệp cấp một, hai chân ngày càng đau và lớn lên nhanh hơn. “Lúc ấy, chân lớn theo từng ngày, chính em cũng nhận ra. Dù em rất muốn được đi học nhưng tâm trí chống chọi với con đau, không thể dành cho việc học”, đôi mắt cô nhìn xa xăm.
Trong thâm tâm, Son không muốn trở thành người thừa thãi khi đang sống. Cô luôn muốn là người có ích. Do đó, ngồi trên chiếc xe lăn, cô tự tập đan len. Những mũi kim đâm thủng bàn tay nhỏ nhắn nhưng cô vẫn không chịu ngừng. Thời gian trôi, cô đã có thể thành thạo từng đường kim, mũi chỉ.
Cô cười tươi: “Em đan len đẹp lắm! Em muốn, mình đan ra sản phẩm, sẽ bán được, kiếm tiền giúp cha mẹ”. Lời nói vừa dứt, cô lại thở dài: “Nhưng, quê em nghèo lắm! Đó vẫn chỉ là mong ước”.
Chúng tôi hỏi: “Em mong muốn gì nhất?”. Không cần nghĩ ngợi, cô bảo: “Em muốn cha mẹ khỏi bệnh?”. Chúng tôi băn khoăn: “Cha mẹ em bệnh gì?”. Cô buồn so: “Cha em bị bệnh lao phổi, không thể làm việc gì quá nặng. Như lần này, cha cũng không vào TP HCM được. Mẹ em bị khớp, tim và thận. Mới đây, mẹ còn phát hiện bệnh nhiễm trùng máu”.
Gia đình Son mong muốn, một ngày cô được mổ. Khi đó, ít nhất, đôi chân sẽ nhỏ lại và cô có thể tự đi, dù chập chững, để tự chăm sóc cho mình. Nhưng, các bác sĩ thông báo, kinh phí phẫu thuật rất cao nên mong ước ấy khá xa vời.
Bất ngờ, đầu tháng 8/2015, Son nhận được điện thoại từ đại diện của một tổ chức từ thiện ở Mỹ cho biết, cô có thể mổ. Vào những ngày đầu tháng 9, mẹ con cô dắt díu nhau vào bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn với nhiều hy vọng sẽ được mổ.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện tổ chức từ thiện và bệnh viện cho biết, dự kiến, Son sẽ được hội chẩn, nếu sức khỏe đảm bảo, ca mổ sẽ sớm được tiến hành. Mặc dù đây là ca mổ miễn phí, nhưng chi phí sau mổ, mua máu… cũng là một gánh nặng không nhỏ đối với gia đình bệnh nhân này.
Bạn đọc hảo tâm có thể liên hệ với em Trần Thị Mỹ Son (thôn 10, xóm Cống, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) qua số điện thoại: 01288.644.441 |