Theo dự báo, tháng 9 chỉ là khởi điểm, tháng 10 và 11 mới là đỉnh điểm của bệnh tay chân miệng nên trong thời gian tới, số trẻ mắc bệnh sẽ còn tăng.
Chăm con ốm ở hành lang bệnh viện
Trong khoảng thời gian này, người dân lo lắng khi sốt xuất huyết đang có nguy cơ thành dịch. Thế nhưng tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM một căn bệnh khác ở trẻ cũng đang có số trường hợp mắc tăng đột biến là tay chân miệng.
Ghi nhận tại bệnh viện Nhi Đồng 1 lẫn Nhi Đồng 2, số giường bệnh không đủ đáp ứng nên nhiều trẻ phải nằm ở hành lang. Chị Nguyễn Thị Lành chia sẻ: “Giường bệnh hết chỗ, con lại đang ốm nên ông xã khuyên ra ngoài này nằm. Ban đầu, tôi không đồng ý vì sợ gió. Tuy nhiên, lúc ra đây rồi mới thấy là quyết định đúng. Hành lang thoáng hơn nhiều so với trong phòng chen chúc”.
Trẻ nhập viện vì tay chân miệng ở TP.HCM tăng đột biến
Chồng chị Lành cho biết, mấy ngày trước, con trai hơn 1 tuổi bị nổi bọng nước ở tay và chân. Cháu cứ khóc ré liên tục. Kiểm tra, anh hốt hoảng phát hiện ở miệng con xuất hiện nhiều vết lở loét. Ngay lập tức, vợ chồng anh đưa con vào viện khám và được yêu cầu ở lại điều trị.
Còn chị Trần Thị Ngọc chia sẻ, cách đây 4 ngày, con gái 3 tuổi của chị bị sốt nhẹ. Chị cứ nghĩ con bị sốt bình thường nên ra quầy thuốc tây mua miếng dán hạ sốt. Khi dán, cháu đỡ hơn nhưng sau đó nóng trở lại. Đến ngày thứ ba, chị thấy nhiều bọng nước phát hiện trên tay và chân con. Biết cháu đã bị nhiễm tay chân miệng nên chị cùng chồng cho con nhập viện.
Theo ghi nhận, trên địa bàn TP.HCM, số lượng trẻ nhập viện vì tay chân miệng nhiều ở các quận Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn… Ngoài ra, một số trẻ ở các tỉnh cũng được chuyển lên hai bệnh viện này chữa trị.
Một số trẻ khi nhập viện chỉ mới xuất hiện các vết bọng nước ở tay, chân và miệng. Tuy nhiên, một số trẻ khác lại nhập viện khi đã trở nặng với tình trạng bị nôn ói, sốt cao…
Hàng trăm trẻ nhập viện mỗi tuần
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượng trẻ nhập viện bị tay chân miệng hơn 1.250 ca. Trong vòng một tháng trở lại đây, số lượng trẻ mắc tay chân miệng tăng nhiều so với các tháng trước đó.
Vào tháng 7, số ca nhập viện vì tay chân miệng là 126 ca. Đến tháng 8, ca bệnh tăng lên 242. Đặc biệt, chỉ 10 ngày đầu tháng 9, số trẻ nhập viện đã gần 150.
Trong ngày 11/9, tại bệnh viện Nhi Đồng 2 có hơn 50 bệnh nhi mắc tay chân miệng được điều trị. Trong khi đó, tại bệnh viện Nhi Đồng 1, số ca bệnh này điều trị gần 60.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết, trong các tháng trước, số trẻ nhập viện vì tay chân miệng khoảng 30 đến 40 ca. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, con số này tăng lên đáng kể. Đặc biệt, mấy ngày gần đây, mỗi ngày, có khoảng 80 trẻ đến khám vì bệnh này. Mỗi ngày, có khoảng 2 đến 3 trẻ bị nặng, phải hỗ trợ điều trị tích cực.
Bác sĩ Khanh cho rằng, số ca nhập viện tăng vì tay chân miệng là do trẻ tựu trường, thời tiết thuận lợi cho virut phát triển. Tháng 9 chỉ là khởi điểm, tháng 10 và 11 mới là đỉnh điểm nên trong thời gian tới, số trẻ mắc tay chân miệng sẽ còn tăng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng Bệnh tay chân miệng thông thường rất dễ phát hiện, dấu hiệu là những bóng nước có kích thước 2-10 mm, màu xám. Các bóng nước ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân thường ấn vào không thấy đau. Trẻ bị tay chân miệng còn có bóng nước hoặc vết loét đỏ ở niêm mạc miệng, lưỡi, nướu gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú và chảy nước miếng. Khi trẻ bị nổi bóng nước có thể kèm theo sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ ăn do đau miệng. Sau 5 – 7 ngày, bóng nước sẽ tự khỏi. Tuy bệnh dễ phát hiện, điều trị cũng không khó, nhưng khi biến chứng nặng lại rất khó nhận ra. |