“Chúng ta hãy kết hôn nhanh lên, mẹ anh đang giục anh cưới vợ”, người phụ nữ chưa bao giờ nghĩ rằng, mình là gái một đời chồng mà lại bị thúc giục kết hôn gấp thế này.
Người ta nói, hôn nhân của người phụ nữ là một canh bạc lớn, canh bạc đúng sẽ mang lại hạnh phúc, canh bạc sai sẽ mang đến bài học. Và cuộc hôn nhân đầu tiên của chị Linda (sống ở Trung Quốc) là một bài học đau đớn.
Chị cho biết, với người chồng đầu tiên, vì còn trẻ và chưa biết nhiều về hôn nhân nên chị kết hôn theo sự sắp đặt của bố mẹ. Sau khi con trai chào đời, chị nhận ra hai người không hợp nhau nên đã ly hôn.
Mặc dù là gái một con nhưng sau khi ly hôn chị Linda vẫn được rất nhiều anh chàng săn đón. Tuy nhiên vì độc lập về tài chính, vì “bóng ma” từ cuộc hôn nhân đổ vỡ nên chị không dễ mở lòng, cứ thế một mình nuôi con suốt 6 năm.
Chị Linda.
Khi mất hi vọng về hôn nhân, hạnh phúc lại bắt đầu len lỏi vào trái tim
Một hôm, chị Linda được mời đến dự một bữa tiệc và được chủ tịch công ty giới thiệu cho một anh chàng người Hà Lan đang làm việc tại Trung Quốc.
Chị không nói được tiếng Anh, cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc kết bạn với người nước ngoài chứ đừng nói đến việc lấy chồng ngoại quốc, nên khi được giới thiệu chị không nghĩ nhiều. Tuy nhiên, số phận thật trớ trêu, chị chẳng có cảm giác gì cả nhưng anh lại yêu chị ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Sau bữa tiệc, anh chàng người Hà Lan ấy đã chủ động liên lạc với chị, thậm chí thi thoảng còn tặng quà, dạy con trai chị học tiếng Anh. “Anh ấy chăm sóc con trai tôi còn tốt hơn bố ruột của nó, thậm chí còn tỉ mỉ và chu đáo hơn tôi. Vì thế mỗi lần đi đâu, con trai đều hỏi tôi: ‘Chú ấy có đi cùng không?’
Con trai tôi đã quen với sự bầu bạn của anh, chính anh đã mang lại sự ấm áp và niềm vui cho cuộc sống của tôi và con trai. Là một người mẹ đơn thân, yêu cầu đầu tiên của tôi khi tái hôn là đối phương phải chấp nhận con tôi, đối xử với thằng bé như con ruột và anh ấy làm tốt hơn tôi tưởng tượng, nhưng tôi vẫn không đồng ý hẹn hò với anh ấy. Bởi tôi nghĩ người nước ngoài không có trách nhiệm cao với gia đình, không đáng tin cậy”, chị Linda bày tỏ.
Chị Linda đã gặp chồng người Hà Lan trong một bữa tiệc.
Hơn nữa, chị không nói được tiếng Anh nên cả hai giao tiếp với nhau không được suôn sẻ. Nhưng mưa dầm thấm lâu, cuối cùng chị đã cảm động trước tình cảm chân thành của anh. Tuy nhiên, bố mẹ chị lại không đồng ý vì suy nghĩ của họ giống như chị nghĩ trước đấy. Bố mẹ chị cảm thấy người nước ngoài đối với hôn nhân rất tùy tiện, chị lại là phụ nữ một đời chồng và có một đứa con, nhỡ lấy chồng nước ngoài rồi đến lúc bị tổn thương ai sẽ bên cạnh chị.
“Tôi hiểu nỗi lo lắng của bố mẹ và đây cũng là mối quan tâm của tôi. Mặc dù tôi đồng ý ở bên anh nhưng tôi không đồng ý lấy anh. Tôi sợ khi yêu thì hoàn hảo, ngọt ngào nhưng bản chất thật sẽ lộ ra sau khi kết hôn. Xung quanh tôi có quá nhiều ví dụ và tôi không đủ can đảm để chấp nhận rủi ro.
Hôn nhân không phải là tất cả trong cuộc sống, người phụ nữ muốn sống một cuộc sống tốt đẹp thì thứ cô ấy cần không phải là chồng mà là chính mình. Vì vậy, từ khi quen nhau, tôi chưa bao giờ vội vàng trong việc kết hôn”, mẹ đơn thân nói.
Tuy nhiên, bạn trai người Hà Lan của chị lại liên tục thúc giục chuyện kết hôn. Anh tìm đủ mọi cách để thuyết phục chị. Rồi chị có thai ngoài ý muốn, anh đã dùng đứa con trong bụng chị để “ép buộc” kết hôn bằng nhiều cách khác nhau. Cảm động trước sự chân thành của anh, chị Linda quyết định gác lại lo lắng và quay lại “đánh bạc”.
Khi sắp đến ngày dự sinh, cả hai đã nhận được giấy đăng ký kết hôn.
Chị và chồng Hà Lan.
Sau khi kết hôn, chị Linda mới thấy những lo lắng của mình là hoàn toàn không cần thiết. Vì công việc nên chị không có nhiều thời gian cho gia đình, nhưng chồng lại là một người đàn ông của gia đình, không những chăm sóc con riêng chu đáo mà ngay cả con gái nhỏ anh cũng chăm rất khéo.
“Phụ nữ ở Hà Lan không phải ra ngoài làm việc, nhưng tôi lại đi làm nên chồng tôi nghĩ rằng, khi về nhà tôi xứng đáng được tận hưởng niềm hạnh phúc, được vui vẻ. Ở nhà, tôi rất ít vào bếp. Trước có người giúp việc nhưng khi sinh con gái, chị không yên tâm giao con cho giúp việc nên tôi đã chuyển sang làm bán thời gian, mọi việc còn lại chồng tôi lo.
Người ta thường nói, trái tim của một người theo thời gian sẽ bộc lộ. Bên nhau lâu dài, chồng tôi quả thực đã ‘lộ rõ bản chất thật’, nhưng không phải là kiểu người vô trách nhiệm với gia đình như tôi từng nghĩ mà anh càng chu đáo và ‘khó tính’ hơn, khiến tôi thay đổi. Trước đây tôi rất chăm chỉ, thường xuyên bận rộn với công việc và không biết tận hưởng cuộc sống nhưng giờ đây, dưới sự tác động của chồng, tôi ngày càng biết tận hưởng cuộc sống hơn”, chị Linda hạnh phúc kể.
Người phụ nữ cho biết thêm, ngay cả khi đã có con, chồng vẫn luôn ngọt ngào và thường xuyên tặng quà, tạo những bất ngờ nho nhỏ cho chị vào những ngày đặc biệt.
Tổ ấm hạnh phúc của chị.
Nàng dâu Trung Quốc được mẹ chồng Hà Lan đối xử khác biệt
Sau khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc, chị Linda lần đầu tiên theo chồng về Hà Lan. Lần đầu tiên gặp bố mẹ chồng, chị hơi bất an, lo lắng. Nhưng khi xuống máy bay, chị đã bị sốc. Bởi bố chồng cùng người thân đã đến đón gia đình chị ở sân bay.
Bố chồng còn in ảnh gia đình chị ra để chào đón ở sân bay khiến nàng dâu Trung Quốc cảm nhận được sự chân thành và tôn trọng. Mẹ chồng bị tai nạn gãy chân nên không thể đón chị ở sân bay được, nhưng về nhà bà liên tục nói lời xin lỗi.
Làm dâu nơi xứ người, chị Linda cảm thấy vô cùng thoải mái. Mẹ chồng không cho chị làm gì cả. “Một cuối tuần, tôi vào bếp làm tiệc mời mọi người. Cả nhà ăn rất vui vẻ và liên tục cảm ơn tôi, nhưng họ lại bảo lần sau đừng nấu nữa, muốn ăn thì ra ngoài ăn thôi, không cần nấu ở nhà cho vất vả. Tôi nghĩ, con dâu về nhà chồng nấu một bữa cho nhà chồng là chuyện đương nhiên, nhưng ở Hà Lan, họ cho rằng việc đó quá vất vả, xót tôi.
Ngay cả khi tôi lau nhà, mẹ chồng cũng không cho tôi làm. Bà nói: ‘Con đến đây để nghỉ dưỡng. Đó là kỳ nghỉ của con. Con ở đây để chơi chứ không phải để làm việc nhà’. Những cử chỉ đó tuy nhỏ nhưng khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc và ấm áp”, chị Linda chia sẻ.
Chị Linda và mẹ chồng.
Mặc dù các gia đình Hà Lan coi trọng mối quan hệ gia đình cũng giống như các gia đình Trung Quốc, nhưng mẹ chồng của chị Linda lại hơi khác một chút. Nàng dâu cho biết, mẹ chồng của chị rất yêu bản thân mình, bà trang điểm hàng ngày và thường chăm sóc da, làm móng tay. Bà không muốn bị coi là người lớn tuổi nên bảo nàng dâu không cần gọi bà là mẹ mà bảo chị gọi mình bằng tên.
Điều chị biết ơn nhất đối với bố mẹ chồng là họ rất tôn trọng chị và không can thiệp quá nhiều vào việc giáo dục con cái của chị.
Mẹ chồng còn nói rằng, nếu gia đình chị Linda sống ở Hà Lan, bà sẽ cho một căn nhà và giúp vợ chồng chị chăm sóc con cái, làm việc nhà mà không cần đưa khoản tiền nào. “Nhiều người cho rằng bố mẹ nước ngoài sẽ không giúp con cái làm việc nhà, trông cháu nhưng mẹ chồng tôi là ngoại lệ. Tôi không ngờ bố mẹ chồng lại có suy nghĩ như vậy, khá bất ngờ. Tôi thật may mắn khi gặp được một người mẹ chồng tốt”, chị Linda nói.
Tuy nhiên, cả hai không sống ở Hà Lan mà sau đó đã về Ninh Ba, Trung Quốc. Đến nay, vợ chồng chị Linda đã bên nhau hơn 5 năm nhưng tình cảm vẫn rất ngọt ngào.
Bây giờ chị Linda là chủ một viện thẩm mỹ rộng 300m2. Người chồng Hà Lan rất ủng hộ công việc của chị. Mỗi khi chị đi công tác, anh đều đích thân sắp xếp mọi thứ cho chị từ phương tiện di chuyển đến vé máy bay, khách sạn, từng chi tiết đều được xem xét tỉ mỉ và chu đáo. Chồng cũng thường xuyên nhắc nhở chị, bận rộn công việc nhưng vẫn phải yêu bản thân, tận hưởng cuộc sống.
Theo chị Linda, dù là lấy chồng nước ngoài hay cùng quốc tịch thì muốn hôn nhân hạnh phúc quan trọng nhất là 3 điều: tính cách của hai người tương đồng với nhau, cả hai tôn trọng nhau, hai vợ chồng hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
“Tôi nghĩ cuộc sống không có gì khác ngoài 2 việc, một là kiếm sống và hai là tìm kiếm tình yêu. Nhưng tôi tin rằng, trước khi tìm kiếm tình yêu, trước tiên bạn phải kiếm sống, chỉ có tự lập bạn mới không còn sợ hãi trong tình yêu. Khi kiếm tìm tình yêu, đừng đánh mất phẩm giá của mình”, chị Linda bày tỏ.