Gần Tết năm nay, bố mẹ chồng vừa sửa lại nhà xong. Đúng hôm hoàn thành, ông bà có việc phải về quê 3 ngày. Là dâu mới, tôi xung phong đến dọn dẹp nhà cửa cho bố mẹ chồng.
Tới thời điểm này, tôi chỉ vừa mới cưới chồng được 2 tháng. Vì thế mọi người vẫn gọi tôi là dâu mới. Tuy nhiên ngay sau đám cưới, tôi được bố mẹ chồng cho ra riêng trong căn nhà nhỏ ở cách đó 1km nên cuộc sống rất thoải mái. Cứ cuối tuần được nghỉ làm, tôi lại về nhà bố mẹ chồng. Khi ấy tôi cùng với anh chị dâu sống bên cạnh nhà bố mẹ lại cùng nấu nướng, ăn uống vui vẻ.
Mẹ chồng tôi quanh năm bán tôm cá ngoài chợ còn bố chồng làm bảo vệ cho một siêu thị điện máy. Bởi thế họ cũng kiếm được tiền nên không cần con nào phải hỗ trợ.
Khi các con dựng vợ gả chồng, bố mẹ đều đứng ra tổ chức đám cưới và cho đất, xây căn nhà nhỏ cho các con ở riêng gần đó. Ở riêng, mẹ chồng cũng chẳng bao giờ soi mói, để các con thoải mái làm việc của mình. Bên cạnh đó, họ cũng đối xử với 2 con dâu rất công bằng, không bao giờ thiên vị.
Dù con dâu bị hiếm muộn, bố mẹ chồng vẫn không 1 lời trách móc. (Ảnh minh họa)
Thậm chí chị dâu tôi cưới đã 6 năm nay nhưng chưa có em bé vì bị u xơ tử cung kích thước lớn. Điều này ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe sinh sản của chị, gây khó thụ thai và mang thai. Bác sĩ nói nếu có bầu cũng có nguy cơ sảy và biến chứng thai cao.
Dù con dâu bị hiếm muộn, bố mẹ chồng vẫn không 1 lời trách móc. Ngược lại bà luôn động viên tinh thần và cả vật chất cho chị dâu. Do anh chồng và chị dâu đều làm công ăn lương nên thu nhập cũng eo hẹp, mẹ chồng thi thoảng còn cho chị dâu tiền đi khám hay mua thuốc thang điều trị. Chị không lấy nhưng bà cứ nhét vào túi chị.
Đến chị dâu còn bảo, mẹ chồng tốt và tâm lý lắm. Do hiếm muộn nên Tết đến chị rất sợ, ám ảnh với mỗi lần đi chúc Tết họ hàng. Bởi khi ấy sẽ nhiều người hỏi vợ chồng chị câu: “Khi nào sẽ sinh con?”, “Sao vẫn chưa có con thế?”, “Năm nay đẻ đi thôi”…
Biết con dâu chạnh lòng, bà thường vừa cười vừa đỡ lời:
“Ôi các cô dì chú bác ơi, con cái đến là cái duyên, muốn hay không muốn cũng chẳng được. Cháu đang cố gắng tìm con nên tâm lý phải thoải mái nhất, mong cả nhà đừng hỏi các cháu những câu đầy tổn thương”.
Nghe bà nói vậy nên sau đó chị dâu bảo Tết đến ít phải nghe những câu hỏi han vô duyên của họ hàng hẳn.
Gần Tết năm nay, bố mẹ chồng vừa sửa lại nhà xong. Đúng hôm hoàn thành, ông bà có việc phải về quê 3 ngày. Là dâu mới, tôi xung phong đến dọn dẹp nhà cửa cho bố mẹ chồng. Hôm đó, tôi cũng mua thêm 1 số vật dụng để trang trí nhà cửa đón Tết để khi họ về thêm bất ngờ.
Khi dọn đến phòng ngủ của ông bà, tôi thấy ở dưới gối của mẹ chồng để 2 phong bì chưa dán và mỗi phong bì ghi rõ dòng chữ “Cho con dâu Thủy”, “Cho con dâu Minh (tên tôi)”. Tôi tò mò quá nhưng không dám mở ra xem. Về nhà tôi có chuyện với chồng nhưng anh cũng bảo không biết bí mật này của bố mẹ.
Hôm qua, sau khi ăn tối xong bố mẹ gọi điện bảo các con tạt về nhà có chút việc. Nào ngờ khi vợ chồng tôi và vợ chồng anh chồng vừa đến thì mẹ chồng rút ra 2 phong bì bảo:
“Còn hơn tuần nữa là Tết rồi, đây là phần thưởng bố mẹ cho 2 con dâu. Trong mỗi phong bì có số tiền khác nhau, không phải vì bố mẹ thiên vị mà vì xét theo hoàn cảnh của từng con dâu. Ví như chị dâu hiếm muộn nên mẹ thưởng nhiều hơn”.
Và quả đúng như thế, phong bì của tôi có 10 triệu đồng với lời nhắn: “2 đứa sớm có tin vui nhé!”. Còn phong bì của chị dâu là 30 triệu đồng kèm dòng chữ: “Cứ thoải mái trong hành trình tìm con, rồi con yêu sẽ về thôi”.
Thì ra năm nào Tết đến mẹ chồng cũng có 1 phần thưởng bằng tiền cho con dâu. Và chị dâu hiếm muộn của tôi rất bất ngờ với những lời chúc ấm lòng của mẹ chồng. Chị bảo nhờ có bà động viên nên tâm lý chị thoải mái hơn trong hành trình chạy chữa tìm con.
Hiếm muộn ảnh hưởng thế nào với các chị em?
Tác động tâm lý: Đa phần mọi người khi bước vào mối quan hệ hôn nhân đều muốn có con và nếu giấc mơ đó không thành hiện thực, nó có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo lắng, tuyệt vọng và căng thẳng tinh thần cũng như cảm giác phẫn nộ, cô độc, hối hận, đau buồn và ghen tuông.
Việc khó khăn để mang thai và đối phó với áp lực từ gia đình và xã hội cũng mang lại rất nhiều nỗi đau cho người phụ nữ. Đặc biệt khi nguyên nhân chính gây hiếm muộn là các chị em.
Tác động của mối quan hệ: Sự bất ổn trong hôn nhân là một trong những thách thức phổ biến nhất đi kèm với hiếm muộn. Đổ lỗi cho nhau, thiếu hỗ trợ và thiếu chấp nhận ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân, điều này có thể tàn phá mối quan hệ tình cảm của những cặp đôi hiếm muộn.
Không chỉ vậy, hiếm muộn cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ khác bởi đôi khi người bệnh sẽ tự cô lập mình với mọi người để tránh các tình huống gợi nhắc nỗi đau về con cái của họ.
Ảnh hưởng đến sự gần gũi về thể chất: Sự căng thẳng và lo lắng gây ra bởi tình trạng hiếm muộn có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ và thậm chí cả trải nghiệm tình dục, khiến việc thụ thai tự nhiên trở nên khó khăn hơn và đồng thời có thể khiến chất lượng điều trị hiếm muộn kém hiệu quả hơn.
Các vấn đề xã hội: Sự thiếu nhận thức của những người xung quanh có thể ảnh hưởng đến cách một người đón nhận tin tức này. Có nhiều trường hợp, chẩn đoán hiếm muộn có thể khơi mào cho những bất hòa với bố mẹ chồng, bị đe dọa bỏ rơi, kỳ thị, phân biệt đối xử và thậm chí bị bạo lực thể chất lẫn tinh thần.