Nhiều cặp đôi cho biết cảm xúc khi đón cái Tết đầu tiên bên nhau rất lãng mạn và hạnh phúc.
Vì nhiều lí do: công việc gia đình, tuổi tác hai bên, xem ngày giờ đẹp hay phát sinh công việc nên cưới…chạy Tết..v.v.. khá nhiều cặp đôi tổ chức đám cưới khi ngày Tết Nguyên đán đã gần kề. Nhiều nàng dâu loay hoay với lịch tổ chức cỗ bàn nhà trai nhà gái xong xuôi, chưa kịp quen biết hết họ hàng hôm sau đã làm cơm cúng ông Công ông Táo, nhiều chàng rể chưa kịp nhớ mặt anh em nhà vợ đã phải đón cái Tết dân gian với loạt thủ tục phép tắc họ hàng… rất nhiều những câu chuyện dở khóc dở cười của các cặp vợ chồng kết hôn gần ngày Tết. Vậy liệu kết hôn gần sát ngày tháng cuối năm có phải chỉ là thiệt thòi hay không? Cảm xúc của họ như thế nào? Dưới đây là tổng hợp ý kiến tiêu biểu của một số cặp đôi đã trải qua hoàn cảnh đó.
Sự bỡ ngỡ
Như đã đề cập ở trên, thay vì có thời gian làm quen với gia đình họ hàng nhà đối phương như các cặp cưới từ đầu hoặc giữa năm, nhưng tân lang, tân nương trong các đám cưới tháng Chạp thường bị thiệt thòi do chưa kịp làm quen với cuộc sống gia đình mới đã phải lo một cái Tết truyền thống trước mắt.
Điều này thường gây khó khăn hơn đối với các nàng dâu. Nguyên nhân bởi vị trí con dâu/cháu dâu trong gia đình những ngày Tết từ xưa đến nay luôn luôn được đề cao và coi trọng. Các nàng dâu sẽ phải phụ giúp gia đình chồng, nhất là mẹ chồng hay các chị em bên nhà chồng chuẩn bị cơm nước, đối đãi họ hàng sao cho phải đạo. Những sự khác biệt trong nền nếp sinh hoạt, ăn uống, việc chưa kịp làm quen và ghi nhớ vai vế, thứ tự cũng như mặt mũi, tên tuổi họ hàng đôi khi khiến các nàng dâu mới lâm vào tình thế khó xử.
Vậy là nhìn chung cả chàng cả nàng cùng thiệt thòi vì sự bỡ ngỡ năm đầu về làm dâu/làm rể đã được đón một năm mới cận kề. (Ảnh minh họa)
Cùng cảnh ngộ với các cô dâu mới, các chàng rể quý trong các đám cưới cuối năm cũng không tránh khỏi phút ngại ngùng khi đón năm mới với nhiều quy tắc và thủ tục mới bên nhà vợ. Nào là bánh quà biếu Tết, mừng tuổi ông bà bố mẹ đôi bên, quà cho trẻ nhỏ, cơm ngày Tất niên, thu xếp ngày về ngoại… bao thủ tục chất chồng. Đó còn chưa kể dân gian ta có câu “Dâu là con, rể là khách”, chàng rể mới dù sao cũng phải giữ ý tứ ban đầu cộng thêm những phép tắc kiêng kị dịp đầu năm càng khiến các anh chàng loay hoay đến toát mồ hôi.
Vậy là nhìn chung cả chàng cả nàng cùng thiệt thòi vì sự bỡ ngỡ năm đầu về làm dâu/làm rể đã được đón một năm mới cận kề.
Hy sinh tuần trăng mật
Nhiều cặp đôi có thời điểm cưới đầu tháng 12 hoặc công việc không quá bận rộn vẫn có thể thu xếp cùng nhau đi tận hưởng tuần trăng mật hay đi nghỉ dưỡng ngắn ngày. Trái lại, có những cặp đôi thực hiện xong thủ tục cưới xin cũng là ngày tiễn ông Táo về Trời báo cáo Ngọc Hoàng, bao dự định trăng mật lãng mạn đành phải hủy bỏ để tiếp tục đi làm cũng như lo lắng việc gia đình.
Tuy nhiên, với nhiều người, khái niệm này cũng có thể mở rộng ra, tuần trăng mật không cần phải đi du lịch nghỉ dưỡng xa xôi, chỉ cần dành thời gian rảnh bên nhau hạnh phúc, đó cũng là thời điểm trăng mật lãng mạn nhất cho lứa đôi mà không cần tốn kém nhiều về kinh tế cũng như công sức di chuyển.
Sự mệt mỏi
Quãng thời gian chuẩn bị, lo lắng cho đám cưới đã lấy đi của các cặp vợ chồng không ít tâm trí và sức lực. Những ngày chạy ngược xuôi lo công việc, cỗ mời khách, rượu bia có thể khiến các đấng mày râu cũng như các chị em phát ốm. Những tưởng có thời gian nghỉ ngơi lại sức thì nay, những cặp vợ chồng này lại loay hoay chuẩn bị công việc mua sắm, dọn dẹp đón Tết.
Tâm lý những nàng dâu, chàng rể mới luôn luôn muốn thể hiện một cái Tết đầu tiên ở nhà chồng, nhà vợ thật ấm cúng, đầy đủ, nên công cuộc chuẩn bị mọi thứ tiêu tốn không ít thời gian và công sức. Từ dọn dẹp lại nhà cửa, mua sắm cây cảnh, vật nuôi, lựa chọn thực phẩm và danh sách quà biếu Tết đều phải được quan tâm chu đáo. Bất kể cặp vợ chồng nào cũng vậy, không riêng gì những trường hợp mới cưới nhau, từng chi tiết nhỏ cũng thể hiện sự quan tâm, khéo léo và mong ước một năm mới nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình.
Không hẳn là tất cả, nhưng thường xu hướng những cặp đôi cưới cận Tết hay gặp áp lực tài chính nhiều hơn. (Ảnh minh họa)
Vấn đề tài chính
Không hẳn là tất cả, nhưng thường xu hướng những cặp đôi cưới cận Tết hay gặp áp lực tài chính nhiều hơn. Nguyên do bởi cưới xin trước nay vốn là việc trọng đại cả đời người, cả gia đình cô dâu chú rể đều phải đầu tư một cách tương đối. Bên cạnh đó, quan niệm dân gian “cả năm mới có ngày Tết” nên chi phí cho dịp cuối năm cũng là một khoản không nhỏ cho các cặp vợ chồng mới kết hôn. Hai sự kiện lớn gần kề nhau khiến nhiều cặp đôi đôi khi phải đau đầu tính toán chi tiêu sao cho hợp lý để không mang tiếng ăn Tết hẹp hòi mà vẫn phù hợp với khả năng của vợ chồng son trẻ.
Gặp mặt đông đủ họ hàng
Nhiều cặp vợ chồng tâm sự ưu điểm của các cặp vợ chồng son đón Tết đó chính là dễ dàng gặp mặt, làm quen với họ hàng trong gia đình. Tết là ngày nhà nhà nô nức vui sum họp, dù công việc bận rộn đến mấy, ai ai cũng mong muốn và cố gắng về đoàn tụ với gia đình trong mấy ngày cuối năm. Vậy là các cặp tân lang tân lương có thể gặp gỡ những họ hàng thân thích mà bình thường có lẽ cả năm mới tiếp đón một lần. Những bữa cơm sum họp, những buổi nói chuyện thân mật gia đình cũng giúp cho những chàng rể, nàng dâu mới dễ hòa nhập và ghi nhớ các thành viên hơn những ngày thường.
Cảm giác đặc biệt
Nhiều cặp đôi cho biết cảm xúc khi đón cái Tết đầu tiên bên nhau rất lãng mạn và hạnh phúc. Những e ấp, ngại ngùng của vợ chồng son có thể bị xóa nhòa bởi phút giây chồng lau nhà, vợ dọn bếp, cùng nhau đi mua sắm đồ nấu cỗ Tất niên. Hay giây phút nắm tay nhau cùng xem những đợt pháo hoa rực rõ trên bầu trời, thì thầm vào tai nhau những tiếng yêu thương có lẽ sẽ là khoảnh khắc lãng mạn nhất mà sau này, khi cuộc sống gia đình có viên mãn đủ đầy đến đâu họ cũng không bao giờ quên được. Suy cho cùng, tình yêu đích thực chỉ cần có nhau thôi đã là hạnh phúc, đâu cần so bì thời điểm nào và sẽ ở nơi đâu.