Chị Huyền và anh Anne Simonse kết hôn vào năm 2012 sau hơn 1 năm anh theo đuổi “trồng cây si” ở lớp học của chị.
8 năm làm dâu Hà Lan, chị Ngô Thị Huyền (Hải Phòng) cảm thấy mình may mắn vì với tính cách và sự vụng về, lần đầu tiên về nhà chồng đã khiến nồi cháy khói bốc nghi ngút, nếu ở Việt Nam có khi bị đuổi về nhà mẹ đẻ sớm. Vậy mà 8 năm qua, gia đình chồng vẫn dành biết bao nhiêu sự yêu thương cho chị, giúp chị nhanh chóng hòa nhập được với cuộc sống mới và có công việc ổn định tại đây.
Gia đình chị Huyền.
Chị Huyền và anh Anne Simonse kết hôn vào năm 2012 sau hơn 1 năm anh theo đuổi “trồng cây si” ở lớp học của chị. Trước đó, vào dịp Giáng sinh anh đã dẫn chị về ra mắt gia đình sau khi chính thức cầu hôn.
Chia sẻ về lần ra mắt đầu tiên của mình, chị Huyền cười cho biết, ở Việt Nam các cô gái được bạn trai đưa về ra mắt thường rất đảm đang, khéo léo nhưng chị thì ngược lại. Ngay khi vừa đặt chân đến nhà chồng chị đã lăn ra ngủ vì hành trình bay dài mãi đến 10h30 sáng hôm sau mới bình mình. Khi tỉnh dậy chị đã thấy bố chồng làm sẵn đồ ăn sáng còn mẹ chồng niềm nở giục ăn rồi dẫn chị đi mua quần áo. Không chỉ vậy, chị còn khiến khói nghi ngút khắp nhà vì nấu món chè đậu xanh quên không tắt bếp.
“Mình sang Hà Lan lần đầu tiên giữa mùa hè nên chỉ mang quần áo mùa hè. Thế nhưng ra khỏi sân bay mình bị sốc vì lạnh. Chiều hôm ấy mình ra mắt nấu món chè đậu xanh thì quên không tắt bếp để bốc khói nghi ngút làm cả nhà được một trận cười, kỉ niệm này chắc mình không bao giờ quên. Vậy nên từ hôm đó mình cũng không phải vào bếp nữa”, chị Huyền cười.
Mẹ chồng chị giỏi 5 thứ tiếng vô cùng hiện đại.
Chị Huyền cảm thấy mình may mắn có bố chồng là kỹ sư điện đã về hưu, mẹ chồng từng giảng dạy Y khoa biết 5 ngoại ngữ văn minh, hiện đại nên chị không hề gặp áp lực nhiều. Thậm chí, chị không phải vào bếp vì có bố chồng nấu ăn rất ngon. Khi bố chồng mất vì căn bệnh ung thư quái ác, chị cũng không phải vào bếp mỗi lần Lễ, Tết về thăm mẹ mà chỉ làm chân lon ton phụ vặt.
“Mẹ chồng và con dâu như người bạn với nhau. Mẹ chồng mình hiện đại lắm, có khi con dâu không theo kịp. Bà thành thạo 5 thứ tiếng đã công tác tại bệnh viện và giảng dạy về ngành y nên có rất nhiều các mối quan hệ. Bà còn tham gia các câu lạc bộ về hội họa, tranh của bà cũng có mặt tại các triển lãm.
Hồi bố chồng mình còn sống, rảnh là mẹ chồng lại bảo bố chồng và chồng mình rằng “Hai bố con ông ở nhà, hai phụ nữ chúng tôi đi shopping. Sau khi kết hôn, vợ chồng mình không sống gần mẹ, mỗi lần Giáng sinh về thăm mẹ là cả nhà đều ra tận sân bay đón” , chị Huyền chia sẻ về mẹ chồng.
Chị Huyền tâm sự, nhiều bạn bè của chị nói rằng chị sướng vì với tính cách và sự vụng về ấy ở Việt Nam có khi bị đuổi về nhà mẹ đẻ sớm nhưng chị thì vẫn được mọi người yêu thương. Và chị vẫn thường trêu lại các bạn rằng “ở đây yêu thương không hết thời gian đâu mà ghét đuổi về” bởi 8 năm qua chị chưa từng cảm thấy có khoảng cách trong mối quan hệ với mẹ chồng. Chị với mẹ chồng cứ như 2 người bạn thân thiết của nhau.
Chị và mẹ chồng như 2 người bạn thân thiết.
Ở phương Tây nói chung và ở Hà Lan nói riêng, mọi người không can thiệp vào chuyện riêng của nhau, giữa mẹ chồng nàng dâu cũng vậy nên chị không hề căng thẳng hay áp lực. Thậm chí, có dịp chị và mẹ chồng lại hẹn nhau đi uống cà phê, ăn tối vui vẻ nhưng tuyệt nhiên không ai phán xét về chuyện riêng của nhau.
Tuy nhiên dù ở phương Tây bình đẳng, độc lập nhưng chị vẫn có quan niệm “bố mẹ chồng không sinh ra mình nhưng công sinh dưỡng, nuôi nấng chồng trưởng thành cũng vất vả như bố mẹ mình nuôi mình khôn lớn. Mình yêu con nâng niu chúng thế nào thì bố mẹ cũng từng yêu chồng như thế đó”. Chính vì vậy, sau khi nghe tin mẹ chồng bị bệnh tim và bác sĩ nói sẽ cần có người quan tâm chăm sóc, chị đã bảo chồng về ở gần mẹ, từ bỏ cuộc sống ở gần trung tâm thành phố, gần với trung tâm thương mai đi lại thuận tiện để về nơi yên tĩnh chăm mẹ. Điều đó làm mẹ chồng và chồng chị vô cùng cảm động.
Dẫu thay đổi môi trường sống không hề dễ dàng vì nơi mẹ chồng sống là một nơi khá bình yên nhưng chị Huyền rất vui khi con cháu được gần bà và mẹ chồng chị cũng rất cảm động trước việc làm của chị.
“Mình thường hay tình nguyện trong viện dưỡng lão và nhiều lần mình rơi nước mắt khi nhìn thấy mọi người ở đó. Biết rằng mẹ có thể sẽ phải vào khu trại dưỡng lão dành cho người già vì ở đây điều đó là bình thường nhưng mình biết tuổi già thường muốn gần con cháu nên đã nói với chồng như vậy”, chị Huyền chia sẻ.
Gia đình chị chuyển về nơi yên bình sinh sống gần mẹ chồng.
Chị Huyền thổ lộ, khi còn ở Việt Nam, chị được sống gần bà nội và học được rất nhiều điều, được bà yêu thương chăm sóc từ tấm bé những lúc bố mẹ đi làm, vì vậy việc quyết định ở gần mẹ chồng cũng giúp cho các con chị được gần bà nhiều hơn, đỡ thiệt thòi vì không có gia đình bà ngoại bên cạnh. Hơn nữa, chị hiểu tuổi già thường muốn gần con cháu nên cuối tuần nào chị cũng cho các con sang nhà bà uống cà phê và mời bà qua nhà ăn cơm tối cho tình cảm.
“Gia đình chồng neo người nên thật lòng mình rất thương mẹ chồng. Có nấu món gì ngon mình cũng bảo chồng mang sang biếu bà.
Hồi bé bố mẹ mình cũng luôn biếu bà nội những món ngon, nhiều khi cũng chỉ là bát canh cua cà pháo thôi nhưng tấm lòng hiếu thảo là đáng quý rồi. Bà nội mình ăn cơm sớm hơn thì mẹ tranh thủ nấu sớm để mình và em trai mang kịp sang biếu bà. Gần như chiều tối nào cũng vậy, giờ bà nội mình mất rồi nhưng mình lại học lại bố mẹ, bảo chồng con mang sang biếu mẹ chồng.
Chồng mình và mẹ chồng rất nể cách ứng xử của mình. Vậy nên có việc gì cần tư vấn, chồng và mẹ chồng đều hỏi ý kiến của mình”, chị Huyền mỉm cười.
Mẹ chồng chị thường mời bố mẹ chị đi du lịch.
Bà dạy các con chị rất nhiều điều.
Ngược lại, mẹ chồng chị cũng vô cùng hiểu biết, mỗi năm bà đều mời cả nhà chị và gia đình anh chồng chị đi du lịch cả tuần ở những địa điểm nổi tiếng khác nhau. Khi bố mẹ chị sang Hà Lan chơi, chị bận đi làm, bà lại mang ô tô sang đón thông gia đi tham quan, mời đi ăn nhà hàng để làm quen cac món ăn phương Tây. Dẫu ngôn ngữ chỉ là “body language” nhưng ai nấy cũng vui vẻ khiến cho chị yêu, kính trọng mẹ chồng nhiều hơn.
Đối với chị, gia đình đúng là một trường học thiết thực nhất đối với tâm hổi mỗi đứa trẻ. 2 con trai chị học được rất nhiều từ bà nội vô cùng tâm lý, hiểu biết. Chúng được bà dạy học, được bà đọc sách và có nhiều kỷ niệm đẹp bên bà giống như chị những ngày còn nhỏ. Chị hy vọng, việc quyết định về sống gần mẹ chồng sẽ giúp sau này con lớn lên, chúng sẽ luôn có những tình cảm và kỷ niệm tốt đẹp cho bà nội giống như chính bản thân chị.