Vì cuộc sống quá nghèo khó mà không có đám cưới, ông bà đến với nhau vì tình cảm chân thành.
Ở phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) ai cũng biết đến câu chuyện cảm động về vợ chồng ông Phan Hợi (80 tuổi) và bà Lương Thị Liên (82 tuổi). Khi còn trẻ, hai người yêu thương nhau rồi cùng về ở trọ chung sống đã 40 năm. Dù hiện tại tuổi đã cao nhưng vì người vợ đang bị bệnh, ông Hợi vẫn bươn chải mưu sinh để có tiền lo thuốc thang cho vợ và chăm lo cuộc sống hằng ngày.
40 năm ở trọ chung sống với nhau
Chúng tôi tìm về nơi hai vợ chồng ông Hợi sinh sống. Hỏi thăm người dân ai cũng đã quá quen thuộc với sự có mặt của hai vợ chồng già cực khổ vẫn bên cạnh nhau yêu thương tuổi xế chiều. Bà Trần Thị Mến (56 tuổi), là hàng xóm cho biết: "Ở đây ai cũng thương hai vợ ông lão bán kẹo kéo nuôi vợ. Mặc dù tuổi cao nhưng không thấy con cháu chăm sóc, hai vợ chồng thuê trọ ở sống ở đây cũng đã được mấy chục năm ròng".
Được sự chỉ dẫn tận tình, chúng tôi cũng đã tìm được đến chỗ ở của hai vợ chồng ông bà. Đó là một căn phòng trọ đã cũ, rộng khoảng 15m2, liền kề trong dãy nhà 3 phòng cho sinh viên thuê. Nhìn khắp xung quanh bốn bức tường đã bong tróc sơn, không có để thứ gì quý giá, vỏn vẹn chiếc giường rộng vừa đủ cho bà Liên nằm, vài bộ đồ treo ở cuối giường để mặc, bên cạnh là chiếc bếp ga cũ và vài thứ đồ lỉnh kỉnh.
Ông Phan Hợi (80 tuổi) làm nghề bán kẹo kéo
Thấy có khách, ông Hợi đang nằm trên chiếc chiếu trải dưới đất lụi cụi dậy đỡ bà Liên ngồi cùng chúng tôi. Khi được hỏi thăm về cuộc sống hiện tại, ông Hợi chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi sống ở căn phòng trọ này cũng được ba năm rưỡi rồi. Lúc trước thì thuê trọ cũng xung quanh đây, từ năm 1976 tới giờ. Tiền thuê phòng này hiện tại mỗi tháng 700 ngàn đồng. Tôi quê ở phường Cẩm Nam, thành phố Hội An còn bà nhà quê ở xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.”
Đôi mắt nhìn ra ngoài cửa, ông Hợi kể tiếp, ông sống ở quê đến năm 14 tuổi do chiến tranh nên tìm ra đây mưu sinh (lúc đó là tỉnh Quảng Đà, sau này mới tách ra là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng). Ông Hợi tìm tới một xưởng bán kẹo kéo để làm thuê. Nhiều lần chứng kiến công nhân làm kẹo, ông học lỏm được. Mỗi tối, khi tan ca ông lại về phòng trọ mua nguyên liệu rồi tự mày mò làm theo thử.
Số tiền làm công nhân không được mấy đồng đủ mua gạo nhưng ông Hợi vẫn lấy tiền để thử làm kẹo kéo mong đổi đời từ nghề này. Sau một thời gian kiên trì làm ông Hợi cũng thành công với mẻ kẹo kéo tự tay làm ra. Làm được kẹo, ông Hợi nghỉ làm công thuê rồi một mình rong ruổi mỗi ngày để đi bán kiếm tiền sinh sống. Trong những lần lang thang bán kẹo kéo, ông Hợi gặp được bà Liên cũng mưu sinh bằng nghề bán tăm tre. Cả hai người cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống rồi yêu thương nhau.
“Sau thời gian đi bán cùng nhau, tôi ngỏ lời với bà ấy (bà Liên – PV), em có thương anh thì về mình cùng chung sống chia ngọt sẻ bùi. Có cơm mình ăn cơm, có cháo mình ăn cháo. Thế rồi bà ấy cũng nhận lời. Chúng tôi tìm thuê một căn phòng trọ rồi dọn về sống chung với nhau xem như là vợ chồng. Vì cuộc sống quá nghèo khó mà không có đám cưới hỏi gì, đến với nhau vì tình cảm chân thành đồng cảnh ngộ khó khăn. Đến nay đã tròn 40 năm ở trọ thuê, sống chung được 65 năm.
Khi đó, hằng ngày tôi đi bán kẹo kéo, còn bà ấy đi bán tăm tre, sau này bán vé số. Cuộc sống chật vật, khó khăn nhưng yêu thương nhau, chưa bao giờ tôi to tiếng với bà ấy cả. Cả hai vợ chồng động viên nhau cố gắng làm lụng để có được căn nhà nhỏ sinh sống nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được.” – Ông Hợi chia sẻ.
Hai vợ chồng ông bà sống rồi có với nhau được 5 người con. Dù cuộc sống còn nghèo khó nhưng hai vợ chồng đều cố gắng nuôi các con trưởng thành. Khi được hỏi về các con của mình, ông Hợi cho biết, có được 5 người con thì chỉ còn lại có 4 người. Đứa con gái đầu tiên hai vợ chồng sinh ra rất cưng chiều, chẳng may trong một lần dẫn đi bán kẹo kéo chung thì để lạc mất. Hai vợ chồng chạy đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không có tin tức gì.
Vợ chồng ông Hợi và bà Liên
“Khi đó tôi và bà ấy bỏ cả việc đi bán tìm con về nhưng tìm mãi hết những con đường, ngóc ngách vẫn không thấy. Thương con ở đâu đói rét mà mỗi đêm nước mắt cứ chảy dài. Tôi đau một thì vợ đau mười. Cho đến bây giờ tôi vẫn mong một ngày nào đó được gặp con mình.” – Ông Hợi nói.
Sau khi để lạc đứa con đầu, ông Hợi và bà Liên có với nhau thêm 4 người con. Tất cả đều được cho ăn học rồi đến năm 1976 thì ra ngoài sinh sống, tự tìm công việc mưu sinh.
Chúng tôi hỏi, sau chiến tranh, cuộc sống đã thay đổi, hai vợ chồng ông bà không về lại quê nhà để ở? Ông Hợi nói, cũng trong một lần đi bán kẹo kéo, chẳng may bị rơt ví nên mất hết giấy tờ tùy thân. Hai vợ chồng không có chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hay bất cứ giấy tờ gì cả. Thế là hơn mấy chục năm qua, hai ông bà không về lại quê nhà mà sống trọ luôn ở ngoài Đà Nẵng để mưu sinh.
"Giờ về quê cũng chẳng còn nhớ nữa, thay đổi quá nhiều. Các con giờ cũng sống xa, hai vợ chừng tuổi này không mong mỏi gì nhiều. Chỉ mong mỗi ngày bán được kẹo kéo mà có tiền thuốc thang cho bả, mua vài kí gạo ăn mà sống qua ngày…" - Ông Hợi tâm sự.
Chăm sóc nhau tuổi xế chiều
Bỏ dở câu chuyện với chúng tôi, ông Hợi đến bên đỡ bà Liên nằm xuống giường. Ông chia sẻ tiếp: “Lúc còn khỏe, hằng ngày sau khi dậy sớm lo cơm nước, hai vợ chồng lại cùng đi làm. Bà ấy đi bán vé số, bán tăm tre, còn tôi đi bán kẹo kéo. Tiền lời kiếm được nuôi các con ăn học, dù đôi lúc thiếu thốn nhưng gia đình được cái vui vẻ, hạnh phúc.
Hơn 20 năm bán vé số, giờ bà ấy tuổi đã cao rồi nên đôi chân trái gió trở trời đau nhức khó đi lại. Chứng đau cột sống lại hành hạ nên bà ấy chỉ ở nhà, một mình tôi đi bán kẹo kéo để có tiền nuôi hai vợ chồng.”
Hằng ngày, ông Hợi dậy 4 giờ sáng để làm kẹo kéo. Sau khoảng 2 giờ làm xong, ông gọi bà Liên dậy để lo vệ sinh rồi mua đồ ăn sáng. Khi đã yên tâm việc nhà, ông dắt xe kẹo kéo đi bán trước trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng hết buổi sáng thì về lại nhà đi chợ mua thức ăn nấu cho hai vợ chồng ăn trưa. Mỗi buổi chiều hằng ngày, lo cơm nước ăn xong, ông Hợi lại xoa bóp cho bà Liên khỏe hơn. Sau đó, ông đi mua đồ để bắt đầu ngày mai lại làm kẹo kéo đi bán.
Một góc căn phòng trọ hai vợ chồng ông Hợi thuê hiện tại
Ông Hợi nói: “Nếu may mắn bán hết thì mỗi ngày kiếm được cũng hơn 100 ngàn đồng, còn ngày nào mưa gió, ít có khách mua thì được lời mấy chục. Không có tiền thì đi mượn lo cơm nước cho bà ấy ăn, còn tôi sao cũng được. Làm ra tiền lại trả cho mọi người. Mới đó, ngoảnh đi ngoảnh lại, thời gian xoay vần đã 65 năm tôi gắn bó với nghề bán kẹo kéo, cũng từng đó thời gian hai vợ chồng sống với nhau chia ngọt sẻ bùi.”
Khi được hỏi về niềm mong mỏi tuổi xế chiều, ông Hợi bảo trời thương cho mình còn sức khỏe để đi làm kiếm sống, chứ ốm yếu đi rồi không biết dựa vào ai. Cầm đôi tay gầy guộc, nhăn nheo của bà Liên, ông Hợi tâm sự: “Đã sống với nhau tròn 65 năm, chỉ mong bà ấy còn sống bên tôi lâu hơn nữa. Bao giờ tôi còn sức khỏe, còn chở gánh kẹo kéo đi bán được thì ngày đó tôi còn nuôi bà ấy bên mình.”
Nghe những lời từ người chồng mình nói ra như vậy, bà Liên bùi ngùi không giấu nổi xúc động. Còn với chúng tôi, tình yêu tuổi xế chiều của ông lão U80 bán kẹo kéo với vợ mình thật đáng ngưỡng mộ, yêu quý.
Ông Kiều Đình Dũng, tổ trưởng tổ 26, phường Phước Mỹ, Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng cho biết: Vợ chồng ông Phan Hợi và bà Lương Thị Liên sống trọ ở địa phương đã lâu. Mặc dù ông Hợi tuổi đã cao lại mang bệnh trong người nhưng hằng ngày vẫn mưu sinh bằng nghề bán kẹo kéo nuôi vợ khiến mọi người rất thương và quý trọng. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, hỗ trợ cho hai vợ chồng. |