Người phụ nữ không trực tiếp chăm sóc con sẽ rất thiệt khi tranh chấp quyền nuôi con với chồng.
Chị khao khát được nuôi con, được ở gần con, ôm ấp con, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho con nhưng chẳng thể được. Lá thư của đứa trẻ có nguyện vọng ở với cha làm chị lặng thinh. Khóc nức nở trước tòa nhưng chị phải tôn trọng quyết định của con.
Con không muốn gặp mẹ
Đó là trường hợp của chị HTBN (quận1) trong vụ kiện tranh chấp quyền nuôi con với chồng là anh LĐN vừa diễn ra trong tháng 9 này tại phiên phúc thẩm của TAND TP.HCM. Kết quả cuối cùng là tòa tiếp tục trao quyền nuôi con cho người chồng, như án sơ thẩm đã quyết trước đó.
Năm 2005, anh chị nên nghĩa vợ chồng và có một con chung (con trai, chín tuổi). Chị đã thật hạnh phúc khi lấy được người chồng thành đạt, thu nhập cao và thương yêu vợ con. Nhưng rồi anh ngoại tình. Cô gái ấy rất trẻ, biết chia sẻ, lắng nghe, thủ thỉ với anh lúc buồn vui. Chị thì ngược lại, những lo toan trong công việc, cuộc sống rồi chuyện chồng con làm chị hay cáu gắt chồng. Cả hai không tìm được tiếng nói chung. Anh đánh vợ. Chị xách valy bỏ nhà đi, để lại phía sau tiếng khóc nức nở gọi mẹ của con thơ.
Sau hai năm vợ bỏ đi, anh làm đơn ly hôn, chị đồng ý nhưng cả hai đều giành quyền nuôi con. Chị tố anh luôn tìm cách ngăn cách hai mẹ con chị. Mỗi lần chị qua thăm phải xin phép trước, được anh đồng ý chị mới được qua thăm con. Anh còn lập ra một biên bản, yêu cầu chị mỗi lần thăm con là phải ký vào để xác minh.
Anh nói: “Hai năm trước, lúc cô ấy bỏ đi, thằng bé cứ đợi mẹ về mà chẳng thấy, nó đã nghĩ mẹ đã bỏ mình, không thương mình nữa. Tâm lý của nó bị ảnh hưởng rất nhiều. Mỗi lần nhìn thấy cô ấy là nó lại gào khóc, thu mình lại. Chính thằng bé không muốn gặp mẹ chứ tôi không ngăn cấm”. Bé trai con của anh chị có nguyện vọng ở với cha, vì thế anh được quyền nuôi.
Đắng cay, suy sụp và thất vọng về mình. Chị chỉ ước thời gian quay lại để được bên con nhưng muộn mất rồi. Đứa con chị đã mang nặng đẻ đau, quay quắt nhớ… mỗi lần nhìn thấy chị là quay mặt đi, bảo mẹ không phải là người tốt. Ngồi tại sân tòa, ôm bộ hồ sơ trên tay, chị chỉ biết thở dài.
Thắt lòng vì không thể gần con
Là mẹ của ba đứa con nhưng không chịu được những lời chì chiết, miệt thị, xét nét của cha mẹ chồng, chị NTTH (quận 4) đã dọn về nhà cha mẹ mình sống. Anh NDT phải một mình nuôi con. Trong bản án ly hôn của TAND quận 4, chị được nuôi đứa nhỏ, anh được nuôi hai đứa lớn. Tòa yêu cầu hai người phải tạo điều kiện để thăm nuôi, chăm sóc các con. Các con phải có thời gian bên nhau để tình cảm không bị sứt mẻ. Vậy nhưng những lần đi thăm con, chị H. gặp rất nhiều khó khăn. Hai đứa con của chị chẳng muốn gặp mẹ, nói với mẹ bằng những lời không hay.
Điều mà chị H. băn khoăn là con gái (chín tuổi) của anh chị hằng tháng phải vào bệnh viện chạy thận. Chị muốn con ở với mình để chữa bệnh, chăm sóc, chỉ bảo cho con những điều thầm kín của con gái nhưng không được, tòa đã quyết để con gái cho anh nuôi vì chính con gái cũng có nguyện vọng được ở với cha.
Phải tôn trọng quyết định của con mà lòng chị thắt lại. Lau nước mắt giữa sân tòa, chị nói: “Nhìn con chống chọi với bệnh, lòng tôi héo hắt mà chẳng làm gì giúp được con mình cả. Tôi đau lòng lắm, nhớ con, muốn gặp con, chăm con mà chẳng được. Thương con mà chỉ biết nín lặng. Là mẹ, tôi đã sai khi bỏ nhà đi, để con trẻ bơ vơ trong tiếng khóc gọi mẹ…”.
Từ thực tế xét xử, một thẩm phán của TAND quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết hiện nay án ly hôn rất nhiều, chiếm 30% các án mà các tòa đang thụ lý. Tất nhiên, khi ly hôn kèm theo đó là tranh chấp về tài sản, nhất là tranh chấp quyền nuôi con. Khi xử, các thẩm phán sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế, quá trình chăm sóc, trong đó còn căn cứ vào nguyện vọng của trẻ muốn ở với ai. Chính vì thế, người phụ nữ khi đã bỏ nhà ra đi trong một thời gian dài, không trực tiếp chăm sóc con sẽ gây ra những suy nghĩ tiêu cực trong tiềm thức của trẻ nên sẽ rất thiệt khi tranh chấp quyền nuôi con với chồng.
Giận chồng, vợ bỏ đi, con nhỏ vắng mẹ ắt sẽ phải sống với cha. Mà người cha thì thường chẳng thể có thời gian chăm con trọn vẹn nên gửi cho ông bà, cô chú… bên nội nuôi. Chính trong thời gian đó, những lời không hay về mẹ, dư luận xã hội không tốt về việc mẹ bỏ con… sẽ lọt vào tai bọn trẻ. Dù trước đó mẹ là người chăm sóc con rất chu đáo, yêu thương con vẹn toàn nhưng cuộc sống gia đình muôn màu muôn vẻ, nhìn góc này thấy đúng, nhìn góc kia sẽ thấy sai. Nói chung, trong nhiều trường hợp vợ chồng có mâu thuẫn, người vợ bỏ nhà ra đi là thiệt đủ đường. Chị PHẠM THỊ CHUNG, hòa giải viên phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM |