"Nếu không quan tâm đến kỹ năng sống cho thanh niên, cung cấp hành trang trước khi bước vào hôn nhân thì tình trạng này sẽ tiếp diễn"
Cuộc hội thảo "Gia đình từ góc nhìn Ngôi nhà Bình yên", đề cập đến thuật ngữ "làn sóng ly hôn xanh". Có thể tạm hiểu đây là những cuộc hôn nhân của người trẻ tuổi đổ vỡ nhanh chóng sau khi cưới, thậm chí chỉ 1-2 ngày sau khi kết hôn đã ra tòa. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Lê Phương Thúy (Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển - Trung tâm Phụ nữ và Phát triển).
Sau đám cưới 1-2 ngày đã ra tòa
Bà có thể cho biết thông tin cụ thể hơn về “làn sóng ly hôn xanh” ?
"Làn sóng ly hôn xanh" là ly hôn ở những người trẻ tuổi và trong giai đoạn mới kết hôn, thậm chí mới cưới 1-2 ngày đã ra tòa. Một số người đang được bố mẹ cung cấp đầy đủ quần áo, thức ăn, điều kiện sống, sau đám cưới trở thành vợ chồng nhưng không hiểu gì về vai trò, trách nhiệm rất dễ dẫn đến những xung đột.
Nguyên nhân của tình trạng này do đâu? phải chăng một phần do những tình yêu kiểu "fast-food"?
Do các cặp vợ chồng đó không chuẩn bị hành trang khi bước vào hôn nhân, không biết cách tổ chức cuộc sống gia đình, không hiểu rõ vai trò của người chồng hay vợ cũng như cách làm cha mẹ. Khi xảy ra mâu thuẫn cũng không biêt ứng xử phù hợp để dẫn đến sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân khi mới vừa bắt đầu.
Một phần cũng do thời gian tìm hiểu quá ngắn, chưa biết kỹ về đối tượng mà mình kết hôn. Thậm chí, có người cứ nghĩ thích thì cưới, không biết người đó có phù hợp không. Trước đây, các cụ thường dành thời gian khá dài để tìm hiểu còn bây giờ có nhiều cặp đôi không tìm hiểu kỹ càng, thậm chí thích thì đi chơi với nhau chứ không phải là tìm hiểu.
Theo bà Lê Phương Thúy, một phần nguyên nhân của "ly hôn xanh"
là do tìm hiểu không kỹ về người kết hôn
Dường như nhiều cặp đôi ở Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến vấn đề học kiến thức tiền hôn nhân?
Hậu quả của những vụ đổ vỡ hạnh phúc nhanh chóng sau khi cưới thì ai cũng nhìn thấy. Cũng đã có các cơ sở tham vấn, tư vấn về kỹ năng tiền hôn nhân và cũng đã có người tìm đến các cơ sở này. Tuy nhiên, thông thường họ chỉ tìm đến khi đã xảy ra mâu thuẫn. Mặt khác, số nơi cung cấp dịch vụ này chưa nhiều.
Các cơ quan chức năng cũng cần nhận thấy tính chất nghiêm trọng của “làn sóng ly hôn xanh” để cụ thể hóa thành các chính sách đưa vào quy định trong những văn bản luật. Có chính sách nhưng cũng cần các dịch vụ đáp ứng yêu cầu học về tiền hôn nhân. Ngoài ra, cộng đồng xã hội cần ý thức tầm quan trọng của vấn đề này.
Qua nghiên cứu của bà, liệu tình trạng ly hôn xanh đã đến mức đáng lo ngại?
Vấn đề “ly hôn xanh” là nghiêm trọng, vì câu chuyện không chỉ giữa 2 vợ chồng với nhau mà còn có sự tác động của 2 vợ chồng tới 1 đứa con, 2 vợ chồng với 2 gia đình. Tần suất, số lượng những vụ ly hôn xanh tăng nhanh, chuyện cưới nhau tuần trước tới tuần sau ra tòa ly hôn đã có. Điều đó cho thấy sự khủng hoảng về mặt giá trị, mục tiêu của gia đình không đạt được.
Trong khi, gia đình là tế bào của xã hội nên tình trạng “ly hôn xanh” tất nhiên gây ảnh hưởng đến xã hội với các biểu hiện gia đình đổ vỡ, bạo lực gia đình gây ra những tổn phí cho gia đình và xã hội, những đứa trẻ bị xao nhãng và rất có thể trở thành nạn nhân của mua bán người hoặc sa vào các tệ nạn xã hội...
Theo bà, “làn sóng ly hôn xanh” này có tăng lên trong thời gian tới?
Tôi không dự đoán được chiều hướng của “ly hôn xanh” nhưng nếu không kịp thời quan tâm đến việc cung cấp, hỗ trợ kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử , cung cấp hành trang trước khi bước vào hôn nhân cho thanh niên thì tình trạng này sẽ tiếp diễn.
Phải có kỹ năng trước khi bước vào hôn nhân
Vậy, bạo lực gia đình có phải là nguyên nhân của “làn sóng ly hôn xanh” ?
"Ly hôn xanh" không phải do bạo lực gia đình. Vấn đề này liên quan đến việc thanh niên không có tâm thế hay chuẩn bị kỹ càng trước khi bước vào cuộc hôn nhân, để rồi có những mâu thuẫn, bất đồng trong cuộc sống chung, bên cạnh cái tôi quá lớn và không biết cách xử lý mâu thuẫn, xung đột và đẩy mâu thuẫn đến mức bạo lực gia đình. Không có bạo lực gia đình dẫn đến tình trạng ly hôn xanh vì bạo lực gia đình là hệ quả của vấn đề không có kiến thức tiền hôn nhân và kỹ năng giao tiếp ứng xử.
Phải chăng “làn sóng ly hôn xanh” này từng bắt nguồn từ nhiều quốc gia trên thế giới?
Trên thế giới, tại nhiều nước, các cặp đôi chỉ kết hôn khỉ muốn gắn bó lâu dài và họ tìm hiểu rất kỹ. Còn ở Việt Nam, chuyện hôn nhân – gia đình vẫn được đề cao, thậm chí nhiều trường hợp cưới theo kiểu “bác sĩ bảo cưới” do ăn cơm trước kẻng để giữ gìn thể diện. Cho nên, với một số cặp đội, cưới là thủ tục nhưng cuộc sống không chỉ là thủ tục mà là câu chuyện trách nhiệm, vai trò làm vợ, chồng, cha, mẹ và mối quan hệ giữa hai bên nội ngoại.
Vậy theo quan điểm của bà, giải pháp nào là “liều thuốc” cho tình trạng “ly hôn xanh”?
Thực ra khi đã không có tâm thế, hành trang tốt để bước vào hôn nhân thì rất khó để giải quyết tại thời điểm đó. Mâu thuẫn ban đầu ở mức độ nhỏ nhưng sau đó lớn dần, nếu không có can thiệp kip thời thì rất khó giải quyết.
Cách phòng chống tốt nhất là thanh niên được hỗ trợ về tâm thế và hành trang trước khi bước vào hôn nhân, tham gia các khóa học về tiền hôn nhân, cách chăm sóc, nuôi con, ứng xử trong gia đình... Hiện Trung tâm Phụ nữ và Phát triển có phòng tham vấn nhưng thời gian tới mong muốn sẽ thành lập trung tâm Tư vấn tiền hôn nhân và hỗ trợ gia đình để tham gia giải quyết vấn đề này.
Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!