Phụ nữ có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu cao do ống niệu đạo ngắn, vi khuẩn dễ thâm nhập và di chuyển vào bên trong.
Câu hỏi:
Năm nay, cháu 24 tuổi và chưa lập gia đình. Gần đây, cháu thường xuyên có cảm giác đau buốt khi đi tiểu. Thấy nước tiểu màu đỏ, cháu đã đi khám và được chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu. Sau 3 ngày dùng thuốc uống, cháu đi tiểu vẫn đau buốt. Thưa bác sĩ, bệnh này có nguy hiểm? Cháu cần phòng tránh nó như thế nào?
Cháu xin cảm ơn!
Đỗ Ngọc Bích (24 tuổi, Quận 1)
Trả lời:
Nguyên nhân nhiễm trùng đường tiểu
Bác sĩ CK1 sản phụ khoa Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, hiện đang làm việc tại Phòng khám Sản phụ khoa Song Hà) cho biết: “Hơn 90% phụ nữ viêm bàng quang là do Escherichia coli- loài vi khuẩn thấy ở đường tiêu hóa gây ra. Vi khuẩn này thường trú bên trong khu vực đại tràng và xâm nhập tới niệu đạo thông qua đường hậu môn”.
Thông thường, hệ tiết niệu có thiết kế giải phẫu không có phép vi khuẩn xâm nhập, nước tiểu có đặc tính kháng khuẩn, ức chế sự tăng sinh của vi khuẩn. Tuy nhiên, có một số yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập, gây ra bệnh nhiễm trùng tiểu như sỏi, bướu, dị tật bẩm sinh, đa sản, sa sinh dục, bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phụ nữ mãn kinh,…
“Phụ nữ có thai có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu bởi sức đề kháng giảm, tâm lý sợ đi tiểu nhiều và uống ít nước”, bác sĩ Song Hà cho hay.
Biểu hiện nhiễm trùng đường tiểu ở phụ nữ
Không phải tất cả phụ nữ nhiễm trùng đường tiết niệu đều có triệu chứng nhưng có vài biểu hiện khiến chị em cảm thấy không thoải mái. Đó là:
- Cảm giác tiểu nhiều, lắt nhắt, khó tiểu, tiểu buốt và đau rát vùng bàng quang hoặc niệu đạo trong khi tiểu.
- Bụng nặng và khó chịu dưới xương mu.
- Khi tiểu, nước trắng đục hoặc lợn cợn, thậm chí có màu đỏ của máu.
“Trường hợp nữ giới bị sốt hay đau ở hai bên thắt lưng hoặc hai bên mạn sườn thì có nghĩa nhiễm trùng đã lên tới thận. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng viêm đài bể thận, suy thận nguy hiểm cho tính mạng”, bác sĩ Song Hà nhấn mạnh.
Không phải tất cả phụ nữ nhiễm trùng đường tiết niệu đều có triệu chứng nhưng có vài biểu hiện khiến chị em cảm thấy không thoải mái (ảnh minh họa)
Cần phải làm gì khi bị nhiễm trùng đường tiểu
Khi có những biểu hiện nhiễm trùng đường tiểu, chị em cần bổ sung các loại nước chứa nhiều vitamin C như nước cam, chanh, bưởi,…Nếu bệnh không giảm đỡ, người bệnh nên tới các cơ sở y tế để thăm khám, nhất là có dấu hiệu sốt.
Theo bác sĩ Song Hà, chẩn đoán nhiễm trùng tiểu không khó. Người bệnh sẽ được bác sĩ khám, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu hoặc siêu âm để tìm ra một số nguyên nhân, bệnh lý phối hợp khác khiến chị em mắc bệnh này.
Cách phòng tránh nhiễm trùng đường tiểu
- Khi đi tiểu, chị em phụ nữ nên lau rửa từ trước ra sau. Tuyệt đối không nên vệ sinh hay lau rửa từ sau ra trước vì vi nấm hay vi trùng nằm ở hậu môn dễ xâm nhập vào âm đạo, niệu đạo.
- Tắm đứng thay vì tắm trong bồn tắm.
- Không nên quan hệ với nhiều bạn tình để hạn chế khả năng mắc bệnh. Nên đi tiểu và vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Uống thật nhiều nước mỗi ngày: uống ít nhất trên 2 lít/ngày.
- Không nên nhịn tiểu.
- Đi tiểu ngay khi cảm thấy mắc tiểu.