“Hoảng sợ” chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hàng tuần

Ngày 17/07/2016 19:45 PM (GMT+7)

Để hạn chế tình trạng mất máu kéo dài trong chu kỳ kinh nguyệt, chị em phụ nữ cần bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và chất sắt mỗi ngày.

Lo lắng kinh nguyệt kéo dài 5-7 ngày

Đến tuổi dậy thì, con gái chị Hoàng Ly (38 tuổi- Tp. Hồ Chí Minh) bắt đầu ra máu hành kinh. 2 tháng trở lại đây, kinh nguyệt của bé kéo dài từ 5-7 ngày với lượng máu nhiều khiến chị không khỏi lo lắng cho sức khỏe của con.

Chị Ly tâm sự: “2 tiếng đồng hồ, con gái tôi vào nhà vệ sinh thay băng 1 lần. Mỗi lần như thế, lượng máu thấm hết cả băng và tràn ra ngoài. Kèm theo đó, cháu có biểu hiện của mất máu như chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi,…Thương con vất vả trong ngày “đèn đỏ”, tôi đã đưa cháu đi khám được bổ sung viên sắt và chế độ ăn uống giàu vitamin. Tuy vậy, tôi vẫn thấy hoang mang”.

Trước kia, hành kinh của bạn Ngọc Anh  (21 tuổi- Hà Nội) ra khá đều đặn. Vài năm trở lại đây, chu kỳ kinh nguyệt thay đổi, thường kéo dài 3-7 ngày. Thấy hiện tượng bất thường, Ngọc Anh đã đến bệnh viện khám và nhờ sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn.

Sau thời gian uống viên sắt và thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học, Ngọc Anh đã điều trị dứt điểm chu kỳ kinh nguyệt kéo dài. Hiện tại, kỳ kinh của Ngọc Anh chỉ xuất hiện trong 3-4 ngày với lượng máu từ 25-80ml.

“Hoảng sợ” chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hàng tuần - 1

Nhiều chị em phụ nữ “hoảng sợ” khi chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hàng tuần (ảnh minh họa)

Nguyên nhân kinh nguyệt kéo dài

Khi bước vào độ tuổi dậy thì, cơ thể các bạn nữ bắt đầu thay đổi để hoàn thiện chức năng sinh sản. Bác sĩ Thân Trọng Thạch ( Phòng Khám Sản- Phụ khoa- Hiếm muộn Mẹ& Bé, Tp. Hồ Chí Minh) cho biết: “Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ kéo dài từ 21-35 ngày. Riêng, hành kinh kéo dài trung bình 5 ngày và tổng lưu lượng máu mất từ 25-80ml. Do vậy, câu chuyện hành kinh xuất hiện trong 5 ngày không hề có vấn đề hay ảnh hưởng gì tới sức khỏe”.

Tuy nhiên, nhiều chị em phụ nữ xuất hiện tình trạng kinh nguyệt kéo dài hơn 5 ngày. Khi đó, chị em cần cảnh giác vì đây có thể là dấu hiệu của rong kinh, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này.

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ:

- Nguyên nhân cơ năng: Xuất phát từ sự bất thường hoặc rối loạn nội tiết của cơ thể. Thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi bắt đầu dậy thì hoặc giai đoạn tiền mãn kinh.

- Nguyên nhân thực thể:  Xuất phát từ các bệnh lý như u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung,…

Biểu hiện và nguy cơ kinh nguyệt kéo dài

Biểu hiện                                   

Theo bác sĩ Thân Trọng Thạch, kinh nguyệt kéo dài có những biểu hiện nhận biết sau:

- Lượng máu kinh trong mỗi lần mất đi nhiều hơn.

- Xuất hiện máu đông vón cục hoặc đau dữ dội vùng bụng dưới.

- Cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt,… của tình trạng thiếu máu.

“Hoảng sợ” chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hàng tuần - 2

Mỗi ngày, chị em cần bổ sung 1 ly nước sắt để khắc phục tình trạng thiếu máu, giảm đau đầu chóng mặt,… (ảnh minh họa)

Nguy cơ

- Tình trạng kinh nguyệt kéo dài, không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ.

- Thiếu máu có thể khiến cơ thể suy nhược, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ở các cơ quan sinh dục. Khi đó, vi khuẩn có thể xâm nhập sâu vào bên trong âm đạo, lan rộng sang cổ tử cung, lên buồng trứng, ảnh hưởng đến khả năng mang thai của chị em.

Cần vệ sinh sạch sẽ

- Kinh nguyệt kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, nhưng chị em không nên lười tắm rửa. Khi tắm, chị em cần dùng nước sạch và tắm ở nơi kín gió, đặc biệt không nên ngâm mình trong bồn tắm, ao hồ,…

- Thay băng vệ sinh 3-6 lần/ ngày. Bác sĩ Thân Trọng Thạch cho hay, mỗi lần thay băng vệ sinh, chị em nên dùng nước sạch để rửa. Không nên sử dụng xà phòng tắm để vệ sinh vì nó có chứa chất kiềm làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

- Dùng nước rửa vệ sinh phụ nữ có thành phần diệt khuẩn, chiết xuất từ thảo dược, giúp giữ cân bằng độ pH.

- Khi rửa vùng kín, đưa tay từ phía trước về phía sau. Không đưa tay thụt rửa hay làm cho nước vệ sinh chảy sâu vào âm đạo.

- Dùng khăn bông khô sạch thấm nhẹ nhàng sau khi vệ sinh.

Bổ sung sắt mỗi ngày                                  

Để hạn chế tình trạng mất máu kéo dài trong chu kỳ kinh nguyệt, chị em phụ nữ cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học và hợp lý. Bác sĩ Thân Trọng Thạch khuyến cáo: “Mỗi ngày, chị em cần bổ sung viên sắt để khắc phục tình trạng thiếu máu, giảm đau đầu chóng mặt,… Trong thực đơn ăn uống, phụ nữ cần chọn loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, vitamin C và các loại thực phẩm giàu sắt như men bia, mầm lúa mì,…’.

Vân Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe phụ nữ