Phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc quá độ tuổi tiêm phòng vẫn có thể chích vaccine ngừa ung thư cổ tử cung (HPV) nhưng hiệu quả sẽ giảm.
Theo số liệu thống kê của Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình phối hợp với Quỹ Ung thư CTC Australia, mỗi ngày Việt Nam có 9 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung. Ước tính, cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc ưng thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong. Thủ phạm gây bệnh chính là HPV, loại virus có hàng trăm type khác nhau nhưng có 4 type gây nguy hiểm hơn cả: HPV số 6,11,16 và 18. Trong đó, type 16,18 là thủ phạm chính gây ung thư.
(Ảnh minh họa)
Một trong những cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả đó là chích ngừa vaccine HPV, quan hệ tình dục an toàn và khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng. Sau đây, bác sĩ CK1 sản phụ khoa Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, hiện đang làm việc tại Phòng khám Sản phụ khoa Song Hà) sẽ giúp chị em phụ nữ hiểu hơn về chích ngừa HPV.
Độ tuổi tiêm ngừa HPV
Bác sĩ Song Hà cho biết: “Trên thế giới, có khoảng 55 quốc gia tiêm vaccine HPV cho phụ nữ đến 45 tuổi. Ở Việt Nam, độ tuổi chích ngừa vaccine HPV được chia thành 2 nhóm tuổi, tùy thuộc vào loại vaccine bạn chọn để chích ngừa. Hiện, có 2 loại vaccine: Ceravix và Gardasil.
Vaccine Ceravix khuyến cáo tiêm cho phụ nữ từ 10-25 tuổi ngừa HPV số 16,18.
Gardasil khuyến cáo tiêm cho phụ nữ từ 9-26 tuổi ngừa HPV số 6,11,16,18.”
Đối với phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc quá độ tuổi tiêm phòng vẫn có thể chích thể chích vaccine ngừa ung thư cổ tử cung nhưng hiệu quả sẽ giảm.
Phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc quá độ tuổi tiêm phòng vẫn có thể chích vaccine ngừa ung thư cổ tử cung (ảnh minh họa)
Điều kiện, tác dụng phụ khi chích vaccine HPV
Điều kiện
Theo bác sĩ Song Hà, nữ giới muốn chích ngừa HPV hiệu quả cần phải đáp ứng những yêu cầu sau:
- Là người khỏe mạnh.
- Cơ thể chưa bị phơi nhiễm virus HPV.
- Trước đó không chích vaccine nào trong 4 tuần và không sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như như corticoid, thuốc chống thải ghép…
- Không cần làm xét nghiệm Pap trước khi chích.
Tác dụng phụ
“Vaccine ngừa HPV có tác dụng phụ tại chỗ như sưng, nóng, đỏ, đau ở vết chích. Ngoài ra, có trường hợp xuất hiện triệu chứng nổi mẩn hay ngứa, nhưng chúng sẽ giảm dần và mất hẳn. Sau khi chích, chị em cần theo dõi tại địa điểm tiêm trong 30 phút và tiếp tục theo dõi các ngày sau đó tại nhà”, bác sĩ Song Hà cho hay.
Trường hợp chống chỉ định tiêm ngừa HPV
- Đang mắc các bệnh cấp tính nặng.
- Đang mang thai hoặc dự tính sẽ có thai trong vòng 6 tháng sắp tới.
- Phụ nữ có tiền căn quá nhạy cảm với nấm men hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc chích ngừa.
- Phụ nữ tiêm 1 liều thuốc ngừa nhưng lỡ mang thai thì không nên chích mũi thứ 2. Sau sinh, người đó có thể tiếp tục chích những mũi còn lại.
Vaccine ngừa HPV có tác dụng phụ tại chỗ như sưng, nóng, đỏ, đau ở vết chích (ảnh minh họa)
Số lượng mũi chích HPV theo lịch tiêm ngừa
- Gardasil 0-2-6
- Ceravix 0-1-6
“Khi chích ngừa HPV, chị em phụ nữ cần hoàn thành 3 mũi chích. Mũi chích thứ 2 nên sau mũi thứ nhất từ 1-2 tháng. Riêng mũi thứ 3 nên là 6 tháng sau mũi chích đầu. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, mọi người không tuân thủ đúng lịch chích trên vaccine ngừa ung thư cổ tử cung vẫn đạt hiệu quả”, bác sĩ Song Hà chỉ rõ.
Hiệu quả đạt được của vaccine HPV
- Phòng ngừa được sự lây nhiễm của các type có trong vaccine
- Hiệu quả ngừa ung thư cổ tử cung cho 2 type HPV 16,18 của Gardasil là 98%
(Ảnh minh họa)
- Ngừa bệnh mồng gà sinh dục do 2 type HPV 6,11 là 99%
Vaccine HPV sẽ có hiệu quả rất cao đối với nhóm phụ nữ chưa từng bị nhiễm HPV và chưa quan hệ tình dục. “Vaccin ngừa HPV sẽ có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa được các tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung, âm hộ, âm đạo. Ngoài ra, nó cũng phòng ngừa được các u nhú sinh dục khác. Tuy nhiên chúng ta nên lưu ý sau khi hoàn thành các mũi chích ngừa bạn vẫn nên khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm tầm soát ung thư như những người bình thường khác vì vaccin chỉ ngừa những chủng HPV mà chúng ta đã chích chứ không ngừa tất cả các chủng còn lại khác của HPV”, bác sĩ Song Hà khẳng định.