Mối nguy của những cô gái 16 tuổi chưa từng biết đến kinh nguyệt

Ngày 08/08/2016 19:01 PM (GMT+7)

Trong trường hợp nữ giới sau 16 tuổi chưa có kinh nguyệt cần đi khám chuyên khoa Sản vì có thể rơi vào nhóm vô kinh.

Kinh nguyệt là dấu hiệu chứng minh các bé gái đã chính thức trở thành phụ nữ về mặt sinh học. Tuy nhiên, độ tuổi xuất hiện kinh nguyệt ở nữ giới lại không giống nhau.  Một số trường hợp còn đang học tiểu học đã thấy "đèn đỏ", nhưng ngược lại, có một số cô gái dù đã bước vào tuổi thiếu nữ vẫn chưa biết đến chuyện "hàng tháng".

Vậy, ở độ tuổi nào xuất hiện chu kì kinh nguyệt là bình thường? Việc đến quá sớm hoặc chậm trễ của chu kì kinh nguyệt như thế nào là bất thường?

Mối nguy của những cô gái 16 tuổi chưa từng biết đến kinh nguyệt - 1

Kinh nguyệt là dấu hiệu chứng minh các bé gái đã chính thức trở thành phụ nữ về mặt sinh học. Tuy nhiên, độ tuổi xuất hiện kinh nguyệt ở nữ giới lại không giống nhau. (Ảnh minh họa)

10 tuổi đã... bắt đầu chu kì kinh nguyệt

Chị Hoàng Khánh ( Gò Vấp - Tp. HCM) hoang mang và lo lắng kể về câu chuyện cô con gái của mình  khi thấy bé Ngọc Anh (10 tuổi) xuất hiện máu hồng ở quần lót. Chị kể: “Trước giờ, mình bận buôn bán nên ít quan tâm đến con cái. Mọi chuyện sinh hoạt của cháu, mình phó thác cho người giúp việc. Vài ngày trước, mình hoảng sợ khi thấy dưới đáy quần chip của cháu xuất hiện màu hồng. Hỏi con, cháu bảo không biết vì sao như vậy!”.

Không rõ nguyên nhân con ra máu hồng, chị Khánh đã hỏi bác giúp việc. Nói chuyện xong, chị mới tá hỏa ra rằng: Con gái chị đã đến tuổi dậy thì và bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Dù vậy, chị vẫn không yên tâm hoàn toàn. Chị cho hay, trẻ có kinh thường ở độ tuổi 12-13. Con gái chị 10 tuổi có kinh là quá sớm, sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh lý sau này.          

Mối nguy của những cô gái 16 tuổi chưa từng biết đến kinh nguyệt - 2

Ở độ tuổi nào xuất hiện chu kì kinh nguyệt là bình thường? Việc đến quá sớm hoặc chậm trễ của chu kì kinh nguyệt như thế nào là bất thường? (Ảnh minh họa)

Ngược với trường hợp chị Khánh, cô gái trẻ đến từ Quận 1 - Tp. HCM đau đầu và sợ hãi khi gần 19 tuổi nhưng vẫn chưa có kinh. Cô gái trẻ này cho biết “Ngày xưa, mẹ mình học lớp 11 mới có kinh nguyệt. Bởi vậy, tôi vẫn nghĩ cơ địa  mình giống mẹ, kinh sẽ tới muộn. Nào ngờ, học xong cấp III  vẫn chưa thấy xuất hiện máu kinh, mặc dù ngực và chiều cao phát triển đều nên mình rất lo lắng”.

Thấy tình trạng không có kinh kéo dài, cô gái này đã đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên ngành Sản khoa để thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán, cô bị vô kinh và cần phải điều trị gấp.

Trẻ có kinh ở độ tuổi từ 12 - 16 là bình thường

Theo bác sĩ Thân Trọng Thạch (Giảng viên Bộ môn Sản, ĐH Y- Dược Tp. HCM), kỳ kinh nguyệt đầu tiên của nữ giới thường xuất hiện sau 2-3 năm phát triển cơ quan sinh dục thứ phát (vú, lông vùng kín,…). Vì vậy, các bé gái sẽ bắt đầu kinh nguyệt ở độ tuổi từ 10 - 16, tuổi trung bình là 12.

Trẻ có kinh ở độ tuổi 11-12 là bình thường chứ không phải quá sớm. Khi trẻ  9-10 tuổi,  bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý sớm cho trẻ để bé không bị “sốc” với sự thay đổi của cơ thể. Đồng thời, trẻ có đủ hành trang để khám phá “thế giới” mới của bản thân”, bác sĩ Thân Trọng Thạch đưa ra lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh.

Mối nguy của những cô gái 16 tuổi chưa từng biết đến kinh nguyệt - 3

Trong trường hợp, nữ giới sau 16 tuổi chưa có kinh nguyệt cần đi khám chuyên khoa Sản vì có thể rơi vào nhóm vô kinh. (Ảnh minh họa)

Vấn đề nữ giới sau 16 tuổi không có kinh

Trong trường hợp, nữ giới sau 16 tuổi chưa có kinh nguyệt cần đi khám chuyên khoa Sản vì có thể rơi vào nhóm vô kinh. Theo Y học, có 2 nhóm nữ giới Vô kinh, đó là:

- 14 tuổi chưa có kinh nguyệt và không có sự phát triển cơ quan sinh dục thứ phát.

- 16 tuổi chưa có kinh nhưng có sự phát triển cơ quan sinh dục thứ phát.

“Đối với 2 trường hợp vô kinh trên, nữ giới cần được thăm khám sớm để bác sĩ đánh giá có phải do bất thường về phóng noãn (rụng trứng) hay không (?). Nếu không có bất thường về chức năng phóng noãn, cần phải xem xét có bất thường về nhiễm sắc thể hoặc cấu trúc giải phẫu”, bác sĩ Thạch cho hay.

Bác sĩ Thân Trọng Thạch cho biết thêm, thời gian chữa trị Vô kinh tùy thuộc vào từng nguyên nhân. Nữ giới bị vô kinh do cấu trục giải phẫu có thể phẫu thuật tạo hình. Sau 1 thời gian, chu kì kinh nguyệt sẽ xuất hiện. Riêng, vô kinh do nhiễm sắc thể thì không thể tiến hành bất cứ cuộc phẫu thuật nào. Trong trường hợp này, nữa giới sẽ không thể có kinh nguyệt.

Ngoài ra, khi kinh nguyệt đến quá chậm so với bình thường, nữ giới cũng nên xem xét đến khả năng có thai hay không. Trên thực tế, ở độ tuổi dậy thì, nhiều bạn gái đã có sự gần gũi với người khác giới dẫn đến việc có thai mà không hề hay biết. Tất nhiên, khi đó chu kì kinh nguyệt không xuất hiện và khiến họ hoang mang nghĩ rằng mình gặp vấn đề về sức khỏe.

"Nữ giới xuất hiện kinh nguyệt muộn hoặc quá sớm sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Do vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi những bất thường trong thời kỳ con dậy thì để có phương pháp cứu chữa kịp thời", bác sĩ Thạch khuyến cáo.

Vân Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe phụ nữ