Rong kinh làm niêm mạc tử cung bị bong tróc liên tục, dẫn đến hiện tượng thụ thai khó xảy ra.
Biểu hiện rong kinh, rong huyết
Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ kéo dài 21-35 ngày. Riêng, hành kinh kéo dài trung bình 5 ngày và tổng lưu lượng máu mất từ 25-80ml. Nếu trong thời gian “đèn đỏ”, chị em mất đi lượng máu trên 80ml thì gọi là hiện tượng rong kinh.
Theo bác sĩ Thân Trọng Thạch (Giảng viên bộ môn Sản, ĐH Y- Dược tp.HCM), rong kinh và rong huyết cùng 1 khái niệm. Rong kinh được xem là nặng nếu thấm ướt cả băng vệ sinh và cần phải thay liên tục mỗi giờ hoặc vài giờ.
Triệu chứng của tình trạng rong kinh nặng bao gồm:
- Chảy máu nhiều vào ban đêm, đòi hỏi phải thay băng vệ sinh.
- Xuất hiện cục máu đông trong máu hành kinh.
- Hành kinh kéo dài hơn 7 ngày.
- Có biểu hiện của tình trạng thiếu máu như mệt mỏi, khó thở và suy nhược.
Rong kinh được xem là nặng nếu thấm ướt cả băng vệ sinh và cần phải thay liên tục mỗi giờ hoặc vài giờ (ảnh minh họa)
Đối tượng và nguyên nhân
Rong kinh thường được thấy trong chu kỳ đầu kinh nguyệt ở tuổi vị thành viên và phụ nữ sắp mãn kinh. “Một số nhà nghiên cứu tin rằng: Rong kinh có thể do 1 chất hóa học mang tên prostaglandin gây ra. Khi đó, các nội mạc tử cung trở nên nhạy cảm hơn với prostaglandin, gây giãn nở các mạch máu, dẫn đến chảy máu nhiều”, bác sĩ Thân Trọng Thạch cho biết.
Bác sĩ Thạch cho biết thêm, chị em phụ nữ bị rong kinh bởi 1 trong 4 nhóm nguyên nhân sau:
- Nguyên nhân tại cơ quan đích: tổn thương hoặc nhiễm trùng các cơ quan phụ khoa như buồng trứng, tử cung,… Nhóm này cũng bao gồm cả rối loạn đông máu.
Rong kinh thường được thấy trong chu kỳ đầu kinh nguyệt ở tuổi vị thành viên và phụ nữ sắp mãn kinh. (Ảnh minh họa)
- Rối loạn nội tiết: ngoài chức năng nội tiết của buồng trứng còn có cả chức năng của tuyến giáp.
- Nguyên nhân giải phẫu bao gồm polyp, u xơ, tăng trưởng bất thường của nội mạc tử cung hoặc do mang thai.
- Do điều trị: do thuốc, dụng cụ tránh thai trong tử cung, …
Có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản?
Bác sĩ Thạch nhấn mạnh, rong kinh gây ảnh hưởng đến việc rụng trứng ở nữ giới. Hơn nữa, rong kinh làm niêm mạc tử cung bị bong tróc liên tục, dẫn dến hiện tượng thụ thai khó xảy ra. Từ đó, chị em phụ nữ rong kinh rất dễ bị vô sinh, hiếm muộn.
Cặp vợ chồng vô sinh do phụ nữ rong kinh cần thăm khám sớm để được bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn điều trị. Bởi, thời gian vô sinh càng kéo dài, hiệu quả của việc điều trị càng kém.
Cách điều trị
Tùy từng nhóm nguyên nhân dẫn đến rong kinh, chúng ta sẽ có hướng điều trị khác nhau. Ở những trường hợp rong kinh với số lượng ít, người bệnh cần phải loại trừ các nguyên nhân ác tính. Sau đó, bổ sung viên sắt và thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt để cải thiện tình trạng thiếu máu sau rong kinh.
Cặp vợ chồng vô sinh do phụ nữ rong kinh cần thăm khám sớm để được bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn điều trị (ảnh minh họa)
“Có những trường hợp, rong kinh phải được điều trị bằng nội tiết tố. Đặc biệt, trong khoảng thời gian mới bắt đầu kinh nguyệt hoặc thời kỳ mãn kinh, phương pháp điều trị này còn có thể giúp ngừa thai. Tuy nhiên, sử dụng nội tiết tố là phương pháp chỉ được áp dụng vài tháng vì tác dụng phụ lên hệ tuần hoàn, huyết học, tiết niệu, thần kinh,…”, bác sĩ Thạch cho hay.
Bên cạnh đó, phụ nữ rong kinh có thể sử dụng thuốc chống viêm NSAID để giảm trung bình 20-46% lưu lượng máu kinh nguyệt. Ngoài ra, để chấm dứt tình trạng rong kinh, chị em nên cắt bỏ hoàn toàn tử cung (hysterectomy). Bác sĩ Thạch cho biết: “Trước kia, thủ thuật này được thực hiện qua mổ hở bụng dưới. Ngày nay, phẫu thuật thực hiện qua nội soi ổ bụng và sẽ lấy tử cung ra đường âm đạo hoặc đường bụng. Phẫu thuật nội soi làm giảm đáng kể nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu và thời gian phục hồi hậu phẫu”.