Anh ấy có quyền tha thứ, nhưng cũng có quyền được biết sự thật. Bạn chỉ xứng đáng được bỏ qua khi mà bạn thành thật với chồng chứ không phải là giấu nhẹm chuyện đó đi.
Đôi khi những lời nói dối là cần thiết, là cách giảm đi những tổn thương… Đó là cách nghĩ của nhiều người trong một số trường hợp. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, việc chúng ta nói dối trong hôn nhân cũng đang làm tổn thương chính bạn và người mà bạn yêu. Dưới đây là 5 lí do vì sao phụ nữ lựa chọn cách nói dối chồng nhưng đôi khi nó không hẳn đúng:
“Anh ấy không biết sẽ tránh được những tổn thương”
Khi bạn quyết định che giấu một điều gì đó, bạn xuất phát điểm với ý tốt rằng: “Nếu như chồng mình không biết, anh ấy sẽ không phải buồn, không phải đau khổ”. Nhưng bạn có dám chắc rằng, điều đó mãi mãi là bí mật? Và sẽ thế nào khi một ngày nào đó chồng bạn phát hiện ra sự thật?
Khi ấy, sẽ có 2 lí do để anh ấy bị tổn thương: Lí do thứ nhất là vì sai lầm của bạn, lí do thứ 2 là vì bạn đã che giấu sai lầm đó. Người đàn ông sẽ cảm thấy rất tồi tệ nếu như không được nghe lời thú nhận từ chính vợ mình, cứ ngơ ngơ như thế để rồi một ngày bị người khác công khai trong sự ngỡ ngàng và giận dữ.
“Anh ấy chắc chắn sẽ tha thứ cho tôi, vì thế nói ra cũng chẳng có ích gì”
Trong một số tình huống, với những lỗi lầm nho nhỏ, hiểu tích cách của chồng, bạn có thể đoán được việc anh ấy sẽ bỏ qua cho mình. Và rồi, phụ nữ đã hành động với quan điểm: “Đằng nào anh ấy cũng tha thứ, thế nên chẳng cần phải nói” mà không biết rằng đấy là suy nghĩ cực kì sai lầm.
Anh ấy có quyền tha thứ, nhưng cũng có quyền được biết sự thật. Bạn chỉ xứng đáng được bỏ qua khi mà bạn thành thật với chồng chứ không phải là giấu nhẹm chuyện đó đi. Vì thế, nếu bạn sẵn sàng đối diện với chồng, công khai thừa nhận, anh ấy có thể xem như chưa từng có chuyện đó. Nhưng nếu bạn nói dối, tội lỗi của bạn sẽ lớn hơn nhiều.
“Tôi nói dối là đang bảo vệ tình cảm của vợ chồng mình”
Đây là một cách nói cho thấy bạn không đủ sự tin tưởng với chồng mình và không có niềm tin vào tình cảm của hai người trước những biến cố. Bạn đang nghĩ rằng chồng không thể tự xử lí được nếu biết sự thật này và bạn không chế cảm xúc cũng như quyết định của anh ấy bằng cách che giấu đi sự thật và tự mình định liệu.
Có thể bạn bắt nguồn từ một ý định tốt là không muốn họ bị tổn thương nhưng điều này vẫn gây tổn hại cho hôn nhân của bạn. Anh ấy cần và xứng đáng được biết sự thật, để có thể đưa ra cho mình những quyết định mang tính độc lập.
“Chuyện này nhỏ, không tính là nói dối”
Bạn có thể nghĩ rằng việc này quá nhỏ và không nhất thiết phải tính là nói dối, vì thế bạn im lặng che đậy. Nhưng bạn có biết rằng, chính từ những điều nhỏ mà làm mất niềm tin lớn. Khi chồng bạn phát hiện từ việc nhỏ bạn cũng giấu anh ấy, những thứ lớn hơn anh ấy sẽ không còn tin bạn nữa. Một lần bất tín, vạn lần bất tin là như vậy.
“Sẽ không phải là nói dối nếu như anh ấy không hỏi”
Bạn cho rằng, việc anh ấy không hỏi, bạn không nói có nghĩa là bạn không nói dối. Nhưng, nó chính xác là bạn đang che đậy đi sự thật. Nếu bạn đã muốn chia sẻ, thì dù anh ấy không hỏi bạn cũng cần phải nói. Im lặng cũng đồng nghĩa là nói dối.
Có nhiều lí do để vợ nói dối chồng, chồng nói dối vợ như sợ bị từ chối, sợ cãi nhau, sợ niềm tự hào của người ấy về bạn biến mất… Nhưng cuối cùng, nếu như sự thật bị phơi bày mà không phải từ bạn thú nhận, vấn đề còn rắc rối hơn gấp bội. Nói dối không giải quyết đượ vấn đề mà chỉ làm cho mọi chuyện thêm tồi tệ. Thậm chí, lâu dần, nó trở thành một thói quen khó bỏ của bạn và điều này thực sự nguy hiểm cho hôn nhân.