Chỉ còn ít ngày nữa là đến Giáng Sinh, học ngay cách cắm thông tươi để mang không khí lễ hội vào nhà
Hình ảnh những cây thông lộng lẫy trong ánh đèn nhấp nháy, thân treo đầy quả châu và những món quà luôn gợi lên cảm giác an lành, ấm áp, vui tươi. Dưới gốc thông, nhiều cặp vợ chồng tất bật chuẩn bị nhà cửa cho mùa lễ hội, bọn trẻ háo hức khui quà Giáng Sinh, gửi gắm nhiều ước mơ bí mật. Có lẽ vì vậy mà, cứ đến dịp cuối năm, nhà nhà người người lại nô nức trang trí cây thông đủ sắc màu.
Thông thường, người ta sẽ sử dụng cây thông nhựa, lắp đặt mỗi dịp Giáng Sinh và tháo rời ra cất vào tủ trước thềm năm mới. Tuy nhiên thời gian gần đây, trào lưu cắm thông tươi nở rộ. Tuy không thể tái sử dụng như thông nhựa nhưng thông tươi có nhiều ưu điểm như hương thơm, mang đến vẻ đẹp chân thực mộc mạc. Một cây thông tươi nhỏ xinh có giá thành không quá đắt và có thể đổi mới hàng năm.
Thông tươi nhà chị Nguyễn Mai Sinh (Hà Nội).
Hiện tại, thông Đan Mạch vẫn chiếm thế thượng phong trên thị trường thông tươi những ngày cận kề Giáng Sinh. Ưu điểm của thông Đan Mạch là hương thơm dễ chịu, cành mềm mại dễ tạo hình, đẹp mắt. Chị Nguyễn Mai Sinh (Sarah Nguyễn) là giảng viên ở Hà Nội. Vốn yêu thích cắm cây và hoa tươi nên chị đã chọn cắm thông Đan Mạch trang trí nhà dịp này.
Cận cảnh cành thông Đan Mạch xinh đẹp và mềm mại.
Cây thông nhà chị Sinh cao 70cm, tán rộng 60cm, cắm 3 mặt hết khoảng 1,5kg thông và có giá khoảng 450 nghìn đồng không kể các đồ trang trí. "Mình lên ý tưởng tuỳ vào không gian nhà, sở thích và tất nhiên cả ngân sách nữa. Nhà mình là chung cư, phòng khách hẹp nên chỉ muốn có 1 cây bé xinh để bàn. Vì có sẵn xô sứ và giỏ gỗ nên mình lên ý tưởng cắm 1 cây thông kiểu đặc trưng và 1 giỏ kiểu freestyle để trang hoàng nhà nhân dịp Noel", chị Sinh cho biết.
Cây thông Đan Mạch do chị Sinh tự cắm và trang trí.
Giỏ thông được cắm và trang trí freestyle độc lạ, đẹp mắt.
Giảng viên Hà Nội cũng có những hướng dẫn chi tiết để cắm thông Đan Mạch đẹp, phù hợp với không gian nhà ở. Để làm cây thông từ thông tươi Đan Mạch, chị Sinh chuẩn bị 4-5 cành thông cho 1 cây thông cao tầm 70cm tán rộng 60cm. Chị cắt tỉa cành thông thành những nhánh dài ngắn khác nhau, sau đó ngâm 3 miếng xốp no nước thật kỹ rồi tiến hành tạo hình.
Chị Sinh chồng xốp lên nhau và xiên cố định lại. Độ cao của xốp chính là độ cao của cây thông. Cắm một cành trên đỉnh để làm mốc.
Lần lượt cắm các cành xung quanh theo quy tắc cành ngắn dần lên trên thành hình chóp.
Sau khi cắm phủ kín xốp thì tỉa lại một chút cho cân đối. Cuối cùng là treo đồ trang trí lên.
Với thông Đan Mạch, chị Sinh cho biết chỉ cần tỉa lá ra cấm vào xốp ngâm no nước. Cách 2-3 ngày đổ thêm nước vào xốp để giữ ẩm là có thể chơi rất bền.
Chị Hoàng Yến (Hà Nội) là mẹ bỉm sữa của một nhóc tỳ 19 tháng tuổi, đã quyết định lựa chọn thông tươi Việt Nam để trang trí nhà cửa vào dịp Giáng Sinh năm nay. Chị chia sẻ: "Noel này, mình cùng anh xã đã đi tham khảo nhiều nơi bán các mặt hàng trang trí Giáng Sinh và thấy những cây thông nhựa tuy rất đẹp, rất lung linh nhưng giá thành khá cao. Từ vài triệu đến hàng chục triệu cho một cây thông. Mà chủ yếu là sau mùa Noel này, mình không biết sẽ cất đi đâu. Vậy là mình lựa chọn thông tươi, một phần cũng vì thích hoa tươi. Cây cối thật sẽ sinh động và có mùi thơm hơn so với việc sử dụng đồ nhựa. Tuy vậy thông Đan Mạch siêu đẹp nhưng giá thành khá cao tương đương và hơn cả cây nhựa nên gia đình mình chọn thông Việt Nam để trang trí dịp này. Đặc biệt cành thông còn có cả quả".
Chồng chị Yến "vác" thông về nhà, mỗi bó cao khoảng 2m.
Một bó thông Việt Nam có giá khoảng 75 nghìn đồng và với 2 bó khoảng 150 nghìn đồng là mẹ đảm Hà Nội đã có thể cắm được một bình thông tươm tất. So với thông Đan Mạch, thông Việt Nam có lợi thế về giá nhưng thiếu đi độ mềm mại, dáng rủ, cứng và gai góc hơn. Thế nên chị Yến cũng mất kha khá thời gian "xử lý" trước khi cắm. Chị Yến chọn ngả cây ra, dùng dao và cưa chặt nhỏ cành để dễ tạo hình hơn. Sau đó, chị dựng cây bằng xốp cắm hoa, tuỳ ý điều chỉnh cây theo ý thích. Chị Yến cho biết thông thường một cây thông tươi sẽ trưng bền khoảng 1 tháng, cần lưu ý thông Việt Nam cần ngâm nước thật kĩ phần xốp trước khi cắm và chăm sóc thêm hàng ngày để cây tươi lâu hơn.
Chị Yến bộc bạch: "Mình cũng đã vất vả mới cắm được bình thông cho nhóc con ở nhà. Phải tự tay cưa chặt, mặc dù đeo bao tay vẫn cảm giác khá đau và nhựa thông có thể làm bẩn trang phục. Tuy nhiên nhìn thành quả nên hình hài, nhất là sau khi mua và tự tay gắn lên các đồ trang trí. Với chi phí tổng chỉ 350 nghìn đồng, mình đã có 1 cây thông ú nu xinh xắn. Con mình về tới nhà thì thích mê nên mẹ quên hết mệt mỏi".
Cây thông "ú nu" siêu cưng.
Chị Quỳnh Trang (sinh năm 1986) cũng chọn giống cây Việt Nam, cụ thể hơn là cành sơn tùng phối thêm hoa phăng đỏ để tô điểm thêm không khí mùa lễ hội. Bà mẹ 2 con cho biết: "Mình rất thích cắm hoa và trang hoàng nhà cửa mỗi dịp lễ Tết. Mọi năm mình cũng hay cắm cành thông tươi nhưng năm nay để thay đổi mình chọn cắm bình hoa hình cây thông để tạo không khí ấm cúng với tông màu đỏ của hoa phăng và cành sơn tùng. Chỉ với chút decor cùng bình hoa này mà cho ra đời bao bức ảnh đẹp của mình và các bạn nhỏ trong gia đình".
Sơn tùng là cây thân gỗ nên trưng được khá bền, mỗi ngày chỉ cần tưới nước vào xốp 2 - 3 lần là đã có bình thông tươi chơi hết dịp Giáng Sinh.
Vẫn là dáng hình cây thông quen thuộc với những cành cứng cáp màu xanh, được chị Trang điểm tô thêm hoa đỏ trông vừa mới lạ, vừa căng tràn sức sống.