Sau mưa ngập, nhà tôi dính đầy bùn đất, mùi hôi… Xin chuyên gia tư vấn cách dọn dẹp nhà cửa như thế nào để bớt vất vả và khử trùng nhanh.
Sau mưa ngập, tường và sàn nhà thường dễ dính bùn đất. Trước khi dọn dẹp bạn nên bê gọn các vật dụng vào một góc hoặc mang ra ngoài. Dùng xẻng xúc bùn đất ra khỏi nhà khi nước đã được thoát cạn hoặc đã được bơm ra hết để cho sàn nhà và tường được khô. Nếu những vết bùn vẫn còn dính ở trên tường, bạn dùng bàn chải cứng với xà bông gia dụng cọ từ trên xuống dưới, xả thường xuyên bằng nước sạch. Mở hết cửa sổ và cửa ra vào để hơi ẩm bay ra ngoài. Dùng quạt hoặc máy chống ẩm để hong khô nhanh hơn.
Để nhà hết mùi hôi, bạn có thể pha dung dịch để khử trùng nhà cửa bằng cách pha 500g thuốc tẩy bột (chlorinated lime) trong 25 - 40 lít nước hoặc dùng thuốc tẩy giặt quần áo trong nhà cọ rửa nhà, những vật dụng bị ngâm trong nước lụt. Khi cọ rửa cần đeo bao tay bảo vệ, kính che mắt và giày cao cổ. Để mùi ẩm mốc tan nhanh, bạn có thể đặt 1 bát giấm ăn, trà khô hay bột cà phê vào các góc phòng.
- Vệ sinh đồ nội thất:
Dọn đồ nội thấy đã ngập nước ra ngoài để dưới ánh nắng mặt trời khử trùng. Với đồ đạc bọc nệm như ghế sofa nên mang ra những trung tâm làm sạch chuyên nghiệp. Chăn, đệm… bị ngâm trong nước lụt thì tốt nhất bạn nên bỏ đi vì khó làm sạch hết vi khuẩn.
- Quần áo:
Trước tiên phân loại quần áo, với quần áo dính nhiều bùn đất dùng vòi xịt cố gắng rửa càng nhiều bùn đất dính vào càng tốt. Tuyệt đối, bạn không được cho quần áo dính bùn đất vào máy giặt vì lượng bùn đất lớn có thể gây tắc ống thoát nước của máy. Nước giặt quần áo nên để ở nhiệt độ cao nhất cho phép với các loại vải sợi. Ngoài ra, để khử trùng, hãy thêm vào một nắp chlorine trong quá trình giặt đồ trắng. Bạn cũng cần khử trùng máy giặt với dung dịch khử trùng nếu như trước đó nước lũ đã tràn vào máy.
- Đồ điện gia dụng:
Sau mưa, ngập, cần kiểm tra các đầu mối dây điện, ổ cắm xem tình trạng nước và hơi ẩm có ảnh hưởng đến các vị trí này hay không. Nếu có phải sấy hoặc làm khô rồi mới đóng cầu dao để sử dụng điện. Tốt nhất với đồ điện gia dụng bị ngâm trong nước bạn nên nhờ tới các thợ điện lành nghề để tháo và sấy từng chi tiết máy móc. Khi sử dụng các đồ điện như nồi cơm điện, bàn là, lò vi sóng, quạt điện... đảm bảo thiết bị khô ráo, hoạt động tốt và chân tay phải khô ráo.
Tất cả các dụng cụ nấu ăn như dao muỗng, chén đĩa… bạn nên lưu ý rửa bằng nước xà bông ấm rồi luộc lại và cọ rửa bằng nước nóng cùng nước rửa bát với các bề mặt tiếp xúc với thực phẩm bị ô nhiễm như ngăn kéo, kệ, thớt và mặt quầy. Thực hiện ăn chín, uống sôi để tránh nhiễm bệnh.
- Xử lý nước ăn:
Nếu nước lũ bẩn đã ngập vào bể ngầm hãy tháo toàn bộ nước ra và khử trùng bể ngầm bằng cloramin B. Nếu không có nguồn nước thay thế, bắt buộc phải khử khuẩn nguồn nước có sẵn để sinh hoạt có thể sử dụng một miếng phèn chua khoảng nửa đốt ngón tay, hòa tan phèn vào một gáo nước rồi đổ gáo nước vừa hòa tan phèn vào xô đựng nước khoảng 20-25 lít và khuấy đều. Sau khoảng 30 phút khi cặn đã lắng xuống đáy gạn lấy nước trong để khử khuẩn.
Khử khuẩn nước bằng viên cloramin B: Viên cloramin B 0,25g cho vào một gáo nước, đổ gáo nước đó vào xô nước (25 lít) đã được làm trong và khuấy đều. Khoảng 30 phút sau mới sử dụng nước. Với cloramin B dạng bột cứ 1/3 thìa canh bột cloramin B dùng để khử khuẩn lượng nước là 300 lít. Nước đã khử khuẩn cũng phải đun sôi mới được uống. Bạn cũng có thể gọi thợ thau rửa chuyên nghiệp để được xử lý đúng cách.