Khi mới mua điều hòa để sử dụng, không phải ai cũng lắp đặt đúng cách để giúp tiết kiệm chi phí cũng như tối ưu điện năng và công suất sử dụng.
Nhu cầu lắp đặt và sử dụng điều hòa vào mùa hè luôn là điều cần thiết mà mỗi gia đình đều phải thực hiện, khi mà thời tiết ngày càng nắng nóng gay gắt cùng với biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể biết cách để lắp đặt điều hòa sao cho hợp lý, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng.
Những điều sau đây rất cần thiết trong quá trình lắp đặt điều hòa, có thể thợ kỹ thuật chưa từng tiết lộ cho bạn, thế nhưng bạn cũng cần nắm rõ để tránh “ném tiền qua cửa sổ”, lãng phí tiền điện hàng tháng.
1. Chọn công suất điều hòa phải phù hợp với diện tích phòng
Nhiều gia đình có suy nghĩ đơn giản rằng, cứ lựa chọn loại điều hòa công suất lớn thì sẽ làm mát cả căn phòng dễ dàng. Tuy nhiên nếu như diện tích căn phòng nơi đặt điều hòa quá nhỏ so với công suất của điều hòa, điều này sẽ gây ra sự lãng phí điện năng tiêu thụ khi sử dụng. Trong khi nếu lựa chọn đúng loại điều hòa phù hợp ngay từ đầu sẽ giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí.
Để lựa chọn công suất điều hòa tương ứng với diện tích căn phòng sử dụng, bạn có thể tham khảo theo bảng dưới đây:
Diện tích căn phòng (m2) | Công suất điều hòa tối thiểu (BTU) |
Dưới 15 m2 | 9.000 BTU |
Từ 15 - 20m2 | 12.000 BTU |
Từ 20 - 30m2 | 18.000 BTU |
Từ 30 - 40m2 | 24.000 BTU |
2. Đừng nên che chắn dàn nóng quá kỹ
Dàn nóng là thứ luôn được lắp đặt phía bên ngoài ngôi nhà, giúp lưu thông luồng không khí trong phòng, tản nhiệt nóng ra ngoài môi trường để hỗ trợ dàn lạnh làm mát căn phòng tốt hơn. Chính vì hay được đặt ở bên ngoài mà nhiều gia đình thường che chắn dàn nóng khá kỹ nhằm ngăn bị mưa hắt vào hoặc không cho ánh nắng chiếu tới.
Tuy nhiên việc che chắn quá kỹ sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng tản nhiệt ra môi trường của dàn nóng, khiến nó dễ bị giảm tuổi thọ, nhanh hỏng. Chỉ nên che chắn vừa đủ để dàn nóng không bị ánh nắng quá mạnh chiếu tới, còn lại hãy để nó ở nơi khô ráo, thoáng mát nhất có thể.
3. Lắp đặt ống đồng cần chính xác về kích thước
Rất nhiều thợ kỹ thuật điều hòa không có tâm, thường hay tư vấn cho các gia đình lắp đặt ống đồng của điều hòa với chiều dài và kích cỡ ống quá mức so với thực tế, khiến cho chi phí lắp đặt bị tăng vọt. Kích thước của ống đồng cần phải tương xứng với công suất hoạt động của điều hòa thì mới mang lại khả năng làm lạnh tốt và tiết kiệm nhiều điện năng. Nếu ống đồng quá dài, tiết diện ống quá lớn trong khi công suất điều hòa lại quá nhỏ sẽ khiến việc làm mát trở nên rất lâu, gây tốn điện.
4. Xác định rõ vị trí ống thoát nước
Ngoài ống đồng, ống thoát nước thải của điều hòa cũng là thứ cần được lắp đặt đúng cách để tránh tình trạng rò rỉ nước từ dàn lạnh vào trong căn phòng. Thông thường, ống thoát nước điều hòa sẽ được lắp ngay dưới lỗ thoát nước của điều hòa, sau đó được dẫn ra ngoài để xả nước ra môi trường. Điều quan trọng nhất khi lắp đặt ống thoát nước, đó là phải giữ cho ống thật thẳng, hạn chế tối đa những chỗ gấp khúc, uốn lượn nhằm giúp nước có thể thoát ra dễ dàng.
5. Vị trí tốt nhất khi lắp dàn lạnh
Việc lắp dàn lạnh sai vị trí sẽ khiến cho không khí mát mẻ sẽ lưu thông không đều khắp căn phòng, từ đó khiến bạn phải hạ nhiệt độ điều hòa thấp hơn nữa gây tốn điện. Do đó vị trí tốt nhất khi lắp dàn lạnh đó là ở trên cao, nằm ở trung tâm căn phòng để giúp khí lạnh được phân bố đều hơn. Tuy nhiên vị trí lắp đặt dàn lạnh cũng cần phải tránh đặt ở đầu giường, đối diện bàn thờ hoặc những vị trí bị che khuất, không phù hợp phong thủy,...
6. Khoảng cách phù hợp giữa dàn nóng và dàn lạnh
Một sai lầm cơ bản nhưng rất nhiều gia đình thường mắc phải khi mới mua điều hòa, đó là vị trí của dàn nóng và dàn lạnh được đặt khá gần nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng làm mát tối ưu, khiến lãng phí điện năng mà căn phòng mãi vẫn không mát.
Theo như chia sẻ của những thợ kỹ thuật chuyên nghiệp, khoảng cách phù hợp nhất giữa dàn nóng và dàn lạnh nên từ 3 - 7 mét. Trong đó khoảng chênh lệch độ cao giữa dàn nóng và dàn lạnh càng thấp càng có lợi, khoảng nửa mét là tốt nhất. Bởi vì khoảng cách và độ chênh lệch càng xa thì máy nén phải hoạt động liên tục để tạo khí lạnh, làm máy bị nóng và nhanh hỏng. Còn khoảng cách quá thấp thì máy nén dễ xuất hiện tiếng ồn, ảnh hưởng đến tuổi thọ và hàng xóm xung quanh.