Ít ai biết trồng loại cỏ lan chi trong nhà có rất nhiều lợi ích.
Từ trước đến nay không gian xanh luôn được mọi người chú trọng trong ngôi nhà của mình. Chính vì vậy mọi người thường quan tâm lựa chọn những cây cảnh không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà mà còn có tác dụng bảo vệ gia đình, làm không khí gia đình thanh sạch hơn hoặc có khả năng hút độc tốt. Những loại cây cảnh được lựa chọn hiện nay như cây lan ý, cây đa búp đỏ, cây kim ngân,… đặc biệt cây cỏ lan chi là một loại cây cảnh không thể không nhắc tới. Nó được ví như “chiếc máy hút bụi thần kỳ” giúp nhà luôn sạch bóng.
Cỏ lan chi là một trong những loài cây cảnh nhỏ bé với dáng vẻ mềm mại, đẹp mắt và có nhiều lợi ích cho lá phổi được rất nhiều người lựa chọn để trồng trong nhà.
Cây lan chi có nhiều tên gọi khác nhau như cỏ lan chi, cây lục thảo trổ, cây mẫu tử, cây điếu lan, cây lan móc, cây cỏ lan hay cây dây nhện cũng là một trong số những tên gọi khác của cây này. Lan chi thuộc giống cây thân thảo, thường mọc thành bụi nhỏ với chiều cao trung bình từ 40-50cm. Điểm đặc biệt của loài cây này là chỉ có 1 thân rễ ngắn, rễ phát triển thành củ thịt dần phình to, dễ dàng tách ra khỏi thân cỏ.
Cây lan chi có 2 loại cơ bản: Lan chi lá dài và lan chi lá sọc. Lan chi lá dài nhìn giống lá hẹ và không bắt mắt bằng lan chi lá sọc, vì thế mà lan chi lá sọc được ưa thích trong cây cảnh hơn. Lá lan chi mọc sát đất, dạng hình giáo, kéo dài ở đầu, màu xanh bóng nổi rõ hai dải màu trắng dọc theo mép lá. Hoa lan chi khá nhỏ, mọc thành cụm. Cỏ lan chi có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, là loại cây ưa bóng râm, rất dễ bị héo, khô, mất màu nếu sống ở nhiệt độ, cường độ ánh sáng cao.
Đây là một loại cây sống lâu năm, xuất xứ ở Nam Phi. Sau nhiều năm, loài cây này đã lan rộng ra đến những miền đất nhiệt đới ở Phi Châu, Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Bắc Úc đại lục.
Cỏ lan chi có vai trò lọc sạch không khí hiệu quả.
Cỏ lan chi là một trong hơn 200 loại cây thuộc họ Chlorophytum. Không chỉ là loại cây cảnh có tác dụng cho không gian nhà ở và các cảnh quan khác mà cỏ lan chi còn được người Ấn Độ sử dụng phần rễ củ để chữa trị tiêu chảy vô cùng hiệu quả.
Đặc biệt, một lý do quan trọng thôi thúc nhiều người trồng cỏ lan chi trong nhà là khả năng lọc sạch không khí của nó. Theo các nghiên cứu đã công bố, tác dụng lọc không khí của cỏ lan chi đã khiến loài cây bé nhỏ này được mệnh danh như "chiếc máy hút bụi thần kì".
Theo các nhà khoa học, lan chi có khả năng thanh lọc không khí cực đỉnh, có thể hấp thụ tới 95% cacbonic, "tiêu thụ" hết các khí độc như CO, NO3 do các lò than, thiết bị điện, chế phẩm nhựa thải ra, biến chất khí gây ung thư trong không khí như Aldehyde formic thành đường và amoni acid. Ngoài ra, cây lan chi có thể hấp thu lượng lớn khí formadehyde. Ở trong phòng 8 – 10 m2, nếu đặt một bồn cỏ lan chi thì hiệu quả lọc sạch không khí tương đương với đặt một chiếc máy lọc không khí. Sự xuất hiện của loài cây này trong 24 giờ làm giảm đi 80% chất độc hại trong phòng.
Đặc biệt, cây lan chi còn có khả năng hấp thu khí benzen - một chất gây ung tthư và hấp thu chất nicotin độc hạintrong khói thuốc lá. Người ta ước tính rằng chỉ với 70 cây dây nhện có thể lọc sạch lượng khí formaldehyde được sản sinh trung bình bởi một tòa nhà rộng 160m2.
Cây có sức sống bền bỉ nên rất dễ trồng.
Không chỉ vậy, cỏ lan chi đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người, chữa trị các bệnh về hệ tiêu hóa như tiêu chảy. kiết lị, khó tiêu,… nhờ phần rễ “độc nhất vô nhị” của cây. Thân lan chi có thể dùng làm thuốc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm nhuận phổi, tiêu sưng tán viêm. Dùng thân cây giã nát, đắp ngoài vết thương có tác dụng làm lành vết thương.
Vì thế, trồng cây lan chi trong nhà là một trong những cách thông minh và tiết kiệm nhất để bảo vệ lá phổi nói riêng và sức khỏe nói chung của gia đình bạn.
Ngoài ra, theo dân gian, cây lan chi là biểu tượng cho sức sống dẻo dai, kiên cường, bền bỉ theo năm tháng. Sức sống bền bỉ của cỏ lan chi cũng là một điểm cộng lớn khiến những người bận rộn với công việc không ngần ngại trồng loại cây này trong nhà. Hiếm khi có sâu bệnh hại, không yêu cầu quá cao về độ ẩm và ánh sáng nên cây cỏ lan chi phát triển rất tốt trong môi trường nhà ở. Chính vì vậy, còn chần chừ gì nữa, bạn hãy trồng ngay chậu cỏ lan chi để trên bệ cửa sổ, trên bàn hoặc treo trên góc tường, ban công... vừa làm đẹp ngôi nhà lại vừa giúp không gian thêm sạch hơn.