Phòng của bạn luôn trong tình trạng nóng bức dù bật quạt cả ngày, hoặc bạn không đủ chi phí sắm điều hòa nhiệt độ giải tỏa cái nóng. Đừng lo vì chỉ với những cách sau đây sẽ giúp căn phòng của bạn luôn được mát mẻ.
1. Tắt các thiết bị điện không cần thiết
Có thể bạn không ngờ rằng, những thiết bị điện khi hoạt động sẽ luôn tỏa ra một lượng nhiệt nhất định. Khi đó căn phòng của bạn sẽ trở nên nóng bức hơn mà kể cả khi bật quạt lớn đến mấy cũng khó mà thấy mát mẻ. Do đó hãy luôn tắt các thiết bị điện không cần thiết vào mùa hè như tivi, máy tính để bàn,... hoặc các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng tương tự nếu không thực sự cần thiết để sử dụng nhé.
2. Trồng cây xanh quanh nhà
Trồng cây xanh xung quanh ngôi nhà của bạn sẽ là giải pháp hữu hiệu để làm mát không khí bên trong các căn phòng. Cây xanh sẽ giúp che chắn, giảm bớt cường độ ánh nắng từ Mặt Trời chiếu đến. Từ đó căn phòng của bạn sẽ trở nên mát mẻ hơn. Tốt nhất bạn nên lựa chọn trồng những loại cây dây leo, có sức phát triển nhanh và mạnh mẽ, hoặc những loại cây cao lớn, có tán lá rậm rạp để tăng hiệu quả che chắn và làm mát.
3. Che chắn căn phòng khỏi bị ánh nắng chiếu đến
Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến căn phòng của bạn luôn nóng bức, đó chính là vị trí của nó luôn bị ánh nắng chiếu tới, nhất là vào mùa hè nóng bức. Chính vì lẽ đó mà căn phòng luôn bị hấp thụ bởi nhiệt, khiến cho nhiệt độ bên trong luôn tăng cao khủng khiếp. Giải pháp hợp lý nhất đó chính là bạn nên che chắn căn phòng khỏi bị ánh nắng chiếu đến bằng các vật liệu phản quang hoặc cách nhiệt tốt. Bên cạnh đó hãy đóng kín cửa sổ hoặc cửa ra vào để ngăn tối đa luồng nhiệt từ môi trường bên ngoài có cơ hội tràn vào trong phòng.
4. Không nấu ăn trong phòng
Việc nấu nướng trong phòng kín sẽ khiến luồng nhiệt bị tích tụ liên tục không có cách nào tiêu tán ra được, nhất là khi nấu ăn vào mùa hè. Do đó bạn đừng nên nấu ăn trong phòng, hãy thực hiện việc nấu nướng ở bên ngoài, tránh để khói và mùi thức ăn bay vào trong phòng nhé.
5. Nằm chiếu trúc thay vì nằm đệm
Vào mùa hè, hãy cất những tấm nệm dày cộp và nóng bức để chuyển sang nằm chiếu trúc cho mát mẻ. Trong trường hợp bạn không thể cất được tấm nệm đi chỗ khác, hãy trải chiếu trúc lên trên và sử dụng như bình thường. Tuy nhiên hiệu quả làm mát sẽ không tốt bằng việc chỉ nằm duy nhất trên chiếu trúc.
6. Không sử dụng đèn sợi đốt
Các bóng đèn sợi đốt không chỉ tiêu tốn nhiều điện năng mà chúng còn tỏa ra lượng nhiệt không hề nhỏ trong quá trình sử dụng. Hãy thay thế chúng bằng các bóng đèn LED tiết kiệm điện hoặc đèn compact công suất nhỏ để tránh sản sinh ra nhiều nhiệt năng cũng như giúp bạn tiết kiệm tiền điện hiệu quả.
7. Lau sàn nhà thường xuyên
Khi mùa hè nóng bức kéo dài dai dẳng, sàn nhà trong căn phòng của bạn sẽ luôn trong tình trạng nóng hầm hập, khó có thể nằm trực tiếp trên đó mà ngủ được vào ban đêm lẫn ban ngày. Giải pháp hiệu quả nhất mà bạn có thể thực hiện, đó chính là thường xuyên lau sàn nhà bằng nước mát. Đặc biệt bạn có thể bỏ thêm đá lạnh vào xô nước lau nhà để tăng thêm hiệu quả làm mát. Chắc chắn căn phòng của bạn sẽ trở nên dễ chịu hơn phần nào.
8. Đặt quạt điện ở vị trí phù hợp
Khi căn phòng của bạn trở nên quá nóng, hãy tránh đặt quạt điện ở những vị trí đầu nguồn nhiệt có thể tràn vào phòng như gần cửa sổ, cửa ra vào,... Bởi khi đó quạt điện sẽ hút những luồng khí nóng từ bên ngoài để lưu thông khắp căn phòng, dẫn tới căn phòng càng lúc càng nóng bức. Tốt nhất hãy đặt quạt điện xuống cuối phòng, hoặc tại những nơi mát mẻ nhất.
9. Sử dụng rèm cách nhiệt
Bên cạnh việc che chắn cho căn phòng của bạn khỏi bị ánh nắng chiếu tới, hãy lắp đặt thêm một số loại rèm cách nhiệt để ngăn cản tối đa lượng nhiệt từ môi trường bên ngoài có thể ảnh hưởng tới nhiệt độ trong phòng.
10. Sử dụng nước đá để làm mát
Một giải pháp khá hữu hiệu để có thể làm mát căn phòng vào mùa hè nếu như bạn không có điều hòa nhiệt độ, đó là sử dụng một chậu nước và rất nhiều viên đá lạnh bên trong, sau đó đặt chúng dưới quạt điện để khiến luồng không khí mát mẻ được quạt thổi khắp căn phòng. Ưu điểm của cách làm này là giúp làm mát căn phòng khá nhanh, lại tiết kiệm chi phí tối ưu. Tuy nhiên cách này sẽ cần khá nhiều đá lạnh để làm mát, sẽ ít hiệu quả trong trường hợp căn phòng quá nóng khiến đá lạnh bị tan quá nhanh.