Lực lượng Cảnh sát PCCC từng nhiều lần khuyến cáo, người dân sống tại các nhà ống ở thành thị nên chủ động mở các lối thoát hiểm ở ban công, không nên bịt kín.
Hiện nay, những mẫu nhà ống 3 tầng đến 6,7 tầng khá phổ biến và có số lượng tập trung nhiều tại các khu vực thành phố, khu dân cư đông đúc. Điều này tiềm ẩn 1 nguy cơ vô cùng nghiêm trọng khi xảy ra cháy nổ nếu thiết kế nhà ống không có sự tính toán để tạo ra những lối thoát hiểm dự phòng ra phía sau hoặc đi lên trên…
Cũng chính vì lẽ đó đã có không ít vụ hỏa hoạn thương tâm diễn ra. Mới đây nhất là vụ việc một gia đình 4 người tử vong tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Vụ cháy thương tâm khiến nhiều người bàng hoàng.
Qua điều tra sơ bộ, Ông Lê Tuấn Định - chủ tịch UBND quận Đống Đa, Hà Nội cho biết nguyên nhân vụ cháy ở phố Tôn Đức Thắng làm 4 người chết được xác định do chập điện làm cháy lan ra toàn bộ ngôi nhà (loại nhà hình ống, cao 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt, diện tích mặt sàn mỗi tầng khoảng 60m2, mặt tiền rộng khoảng 3,2m, nhà có lối ra vào duy nhất là cửa chính).
Trước đó, theo các chuyên gia phòng cháy chữa cháy (PCCC), hầu hết những ngôi nhà xây dạng ống luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Nhất là những căn nhà ống kết hợp kinh doanh hoặc cho thuê văn phòng. Vì không gian ở nhà ống đã nhỏ hẹp, nay càng nhỏ hẹp, bí bách hơn khi bị tập trung chứa quá nhiều hàng hóa kinh doanh gây bùng phát hỏa hoạn rất mạnh và chính hàng hóa cũng vô tình chặn luôn cả lối thoát hiểm của những nạn nhân sinh sống trong ngôi nhà.
Đau lòng là trong những vụ cháy khủng khiếp này, nhiều cư dân quanh nhà nạn nhân đã bất lực trước việc cứu người ra khỏi khói lửa bởi cửa chính ngôi nhà bị nhiều lớp cửa khóa chặt, toàn bộ mặt tiền các tầng trên được hàn khung lồng thép kiên cố khiến người ở ngoài không thể nào vào bên trong để cứu người.
Các biện pháp phòng cháy nhà ống
Chủ động thiết kế nhà có nhiều lối thoát hiểm
- Lực lượng Cảnh sát PCCC từng nhiều lần khuyến cáo, người dân sống tại các nhà ống ở thành thị nên chủ động mở các lối thoát hiểm ở ban công, không nên bịt kín. Các gia đình nên lắp đặt các thiết bị báo cháy trong nhà để phát hiện vụ cháy sớm nhất, bởi đa phần các vụ cháy vào ban đêm, người dân chỉ phát hiện ra khi thấy hơi nóng và khói bốc lên phòng ngủ.
- Đại úy Nguyễn Đức Thắng – Phó trưởng Công an Q. Ba Đình (Hà Nội) cũng lưu ý, các nhà dân liền kề nên bàn bạc với nhau để tạo ra các lối thoát hiểm thông thoáng ở ban công từ nhà này sang nhà khác, đề phòng trường hợp xảy ra hỏa hoạn, có thể trợ giúp nhau.
- Với những ngôi nhà ống thì nên có ban công thoát hiểm (lớn hay nhỏ tùy theo điều kiện của mỗi nhà) và lắp cửa chống cháy lối ra ban công để ngăn lửa và khói từ trong nhà ra ban công, có thể cả cửa từ cầu thang vào các phòng cũng lắp cửa chống cháy.
Với những ngôi nhà ống thì nên có ban công thoát hiểm.
- Một giải pháp hữu ích khác áp dụng chung cho một ngôi nhà ống để ở, nhà ống kết hợp kinh doanh hoặc cho thuê văn phòng đó là thiết kế sân thượng và giếng trời vừa tạo không gian mát mẻ, nơi phơi đồ và tự tạo một tiểu cảnh sân thượng cho mình thì nó còn có tác dụng là giải pháp an toàn thoát hiểm hữu hiệu khi bạn gặp sự cố.
Ngoài ra, sân thượng còn có một tác dụng nữa là khi hỏa hoạn xảy ra bạn có thể chạy lên sân thượng nhảy sang nhà hàng xóm để thoát thân đó cũng là một phương án chúng ta đáng quan tâm nếu địa hình thuận lợi.
Giếng trời có tác dụng lớn trong các vụ cháy.
Chủ động chuẩn bị dụng cụ thoát nạn, dụng cụ chữa cháy
Hộp dụng cụ thoát nạn nên để ở vị trí bí mật ngoài ban công. Một số dụng cụ cần thiết như búa, kìm (phá khóa khi cửa không mở được); thang dây bằng thép hoặc vật liệu không cháy.
Chuẩn bị dụng cụ như kính, mặt nạ phòng độc (có thể mua dễ dàng ngoài thị trường) cho các thành viên trong gia đình. Số lượng người tử nạn do hít phải khói độc trong đám cháy nhiều hơn số người bị tử nạn do lửa. Chuẩn bị trước những vật dụng này có thể tăng thêm phần an toàn trong khi gặp nạn.
Dụng cụ thoát hiểm vô cùng quan trọng.
Trang bị bình chữa cháy mini trong nhà để có thể dập tắt những đám cháy nhỏ trước khi chúng kịp lan ra. Lưu ý sử dụng bình chữa cháy thích hợp cho các đám cháy khác nhau và mọi người trong gia đình phải học cách để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy trong nhà.
Các đám cháy lớn thường diễn ra vào ban đêm nên rất khó phát hiện sớm. Khi phát hiện ra thì đã muộn. Vì vậy, các gia đình nên lắp thiết bị báo khói, báo cháy trong nhà để sớm được cảnh báo và bảo vệ an toàn cho cả gia đình.