14 điều cần làm trước khi sinh bé

Ngày 28/02/2013 04:34 AM (GMT+7)

Mẹ bầu có nghĩ mình nên đi xe buýt thay vì hàng ngày đi xe máy tới công sở không?

3 tháng đầu

1.  Mọi chuyện diễn ra tự nhiên

Phụ nữ luôn thích kiểm soát mọi thứ. Chị em muốn lựa chọn tuổi để sinh con, thời điểm công việc thích hợp hoặc sinh con mùa nào thì tốt…Đấy chỉ là suy nghĩ của cá nhân bạn chứ em bé không quan tâm đến những điều đó.

Hãy vứt bỏ những tính toán không cần thiết ra khỏi đầu bạn. Chúng ta không thể dự liệu trước tất cả mọi chuyện sẽ xảy ra trong tương lai. Hãy để chuyện sinh nở được diễn ra một cách tự nhiên và thoái mái.

2.  Đảm bảo sức khỏe của bản thân

Bạn là một người phụ nữ đang trong độ tuổi sinh nở. Bạn sẽ có con trong thời gian tới. Tất cả những điều này sẽ nhắc nhở chị em cần lưu ý đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng của bản thân mình.

Trước thời điểm mang thai, chị em nên từ bỏ những thói quen như hút thuốc lá, dùng rượu bia, thức khuya. Nên bổ sung axit folic ngay từ sớm và có một chế độ ăn uống, điều chỉnh cân nặng phù hợp.

14 điều cần làm trước khi sinh bé - 1

Chú ý giữ sức khỏe và tinh thần thoái mái trong suốt thai kỳ. (Ảnh minh họa)

Bạn cần nhớ rằng trong những tuần đầu tiên mang thai, 80% các cơ quan trong cơ thể của thai nhi đã bắt đầu hình thành. Nếu bạn bỏ quan thời điểm vàng này và không chú ý giữ gìn sức khỏe, em bé của bạn có thể có những kiếm khuyết trong tương lai.

Luôn giữ cho mình thói quen sinh hoạt tích cực là một cách thiết thực để sinh con khỏe mạnh ngay cả khi bạn chưa có bầu.

3. Tìm đến chuyên gia

Trong 3 tháng đầu mang thai. Đặc biệt là từ tuần thứ 8 trở đi, bạn nên đi khám chuyên khoa để kiểm tra tình trạng sức khỏe thai nhi. Các bác sĩ sẽ xác định số lượng bào thai (sinh một hay song sinh), nhịp đập của tim thai, thậm chí là tiến hành các xét nghiệm cần thiết.

Đây cũng chính là cơ hội để mẹ bầu được trao đổi những băn khoăn, thắc mắc đầu tiên của mình về chuyện thai nghén với các bác sĩ sản khoa.

4. Ngủ và ăn uống

Các triệu chứng phổ biến nhất trong giai đoạn đầu mang thai là cơ thể mỏi mệt. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để ngủ, nghỉ. Giai đoạn giữa hoặc gần cuối thai kỳ,  mẹ bầu sẽ thấy khó ngủ hơn đấy.

Mẹ bầu cũng cần có một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý. Bạn hãy nhớ rằng cả bạn và bé cần ăn đủ chất, đủ dinh dưỡng chứ đừng chăm chăm chú ý đến cân nặng khi mang thai.

Trong trường hợp mẹ bầu mệt mỏi hoặc ốm nghén có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng thì cần sự tư vấn của chuyên gia để kịp thời bổ sung.

5. Xem xét vấn đề chăm sóc bé

Không có gì là quá sớm khi nghĩ tới chuyện chăm sóc bé. 9 tháng thai kỳ sẽ trôi qua rất nhanh, mọi chuyện đều cần đến sự sắp xếp và lên kế hoạch trước khi chậm trễ.

Bạn cần quan tâm đến các dịch vụ y tế, chăm sóc bé ngay từ thời gian đầu sau sinh. Có hàng loạt các vấn đề mẹ bầu cần quan tâm như:

-    Bệnh viện sẽ dự sinh. Bạn nên chọn nơi gần nhà, đi lại thuận tiện. Đảm bảo về chuyên môn y khoa.

-    Dịch vụ chăm sóc bé và mẹ trong những ngày đầu sau sinh: tắm bé, vệ sinh cho mẹ…

-    Nếu trong gia đình bạn có người có thể trợ giúp thì cần phân công công việc cụ thể.

14 điều cần làm trước khi sinh bé - 2

Tìm người chăm sóc trẻ ngay từ những tháng đầu không phải là sớm. (Ảnh minh họa)

-  Tìm người trông trẻ sau khi kết thúc thời gian nghỉ thai sản. Đây là một việc phổ biến tại các đô thị nhưng không hề đơn giản và đòi hỏi mất thời gian. Hãy xem xét và nhờ sự giúp đỡ của mọi người để có những thông tin tốt nhất trong việc tìm kiếm và lựa chọn.

Bên cạnh đó, ngoài việc học hỏi, trao đổi các kiến thức mang thai thì việc tìm hiểu các phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh cũng rất cần thiết, đặc biệt là với những người lần đầu làm mẹ.

Ba tháng tiếp theo
 
6. Nói chuyện với sếp


Khá nhiều chị em băn khoăn về vấn đề lựa chọn thời điểm báo cáo với chủ sử dụng lao động hay cấp trên của mình về việc “tôi đang mang thai”. Nhiều người còn cảm thấy lo lắng và căng thẳng. Điều đó có thể hiểu được nếu sếp của bạn là nam giới hoặc công việc của bạn cần tới sự năng động và sức khỏe.

Chị Mai Hoa, nhân viên văn phòng cho biết: “Tôi cũng khá hồi hộp khi phải báo cáo với sếp về chuyện mình đã có bầu 3 tháng. Bạn biết đấy, thời buổi kinh tế khó khăn, mình bầu bí rồi lại nghỉ sinh, sự thiệt thòi là chính mình chứ không cơ quan đâu. Nhưng may mắn là chị trưởng phòng mới chuyển về của tôi rất thông cảm nên suốt thời gian tôi mang bầu và nghỉ sinh đều rất tạo điều kiện cho tôi. Tôi cảm thấy biết ơn chị ấy rất nhiều."

Đa số chị em thường “báo cáo” về tình hình của bản thân khi bước sang tháng thứ 4 của thai kỳ. Ngược lại cũng có không ít người thấy hạnh phúc và không có gì phải giấu giếm chuyện mang bầu với các đồng nghiệp.

Bạn hãy chủ động để lựa chọn thời điểm nói chuyện với cấp trên về chuyện mang thai của mình. Đơn giản là dù muốn hay không thì bạn cũng không che giấu được chuyện này trong những tháng tiếp theo vì cái bầu bụng của mình.

7. Mua quần áo mới

Có hai kiểu phụ nữ:  Một là những người rất thích thời trang bà bầu. Hai là những người tránh phải mặc đồ bầu càng lâu càng tốt.

Khi bước sang tam cá nguyệt thứ hai, hầu hết chị em đều cần mua quần áo bầu vì bụng bầu bắt đầu phát triển. Điều này cũng có khác biệt ở các thai phụ sinh con so và con dạ.

Chị Thái, Hà Nội chia sẻ: “ Lúc mang bầu công chúa lớn nhà tôi bây giờ, đến tháng thứ 5, tôi mới chịu đi mua quần bầu, bầu tôi cũng nhỏ mà, lúc đó mình vẫn trẻ, nhìn đồ bầu thấy khó chịu lắm. Nhưng khi có thai đứa thứ hai thì tôi sắm đồ bầu sớm lắm. Tôi còn thích những chiếc váy bầu nữa chứ."

8. Quan tâm đến đồ em bé

Bước sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, bạn bắt đầu tưởng tượng đến phòng của em bé tương lai với đầy đủ đồ dùng của bé sơ sinh. Bạn chú ý và quan tâm khi thấy các bà mẹ các bàn luận đến các vấn đề xe nôi, bình sữa…

Đây cũng là lúc thích hợp để mẹ bầu quan tâm và xem xét đến các đồ dùng sơ sinh cần thiết. Việc mua sắm cho em bé giống như một nguồn động viên tinh thần giúp các bà mẹ vượt qua những mệt mỏi của thai kỳ.

14 điều cần làm trước khi sinh bé - 3

Nên sắm đồ cho bé một cách tiết kiệm, tránh lãng phí không cần thiết. (Ảnh minh họa)

Điều cần ghi nhớ trong quá trình mua sắm đồ cho bé, mẹ bầu cần lưu ý là không nên mua quá nhiều hoặc tích trữ quá sớm cần đồ dùng không cần thiết. Bạn cũng có thể xin hoặc tận dụng đồ cũ nếu vẫn có thể dùng được. Bé sơ sinh liên tục thay đồ và gia đình còn cần đến nhiều khoản chi cần thiết nữa đó.

9. Sắp xếp lại nhà cửa

Người phụ nữ có bản thân làm mẹ và làm…tổ. Họ luôn biết cách để sắp xếp mọi thứ. Chị em cần tận dụng khoảng thời gian cuối tháng thứ 6 của thai kỳ để sắp xếp lại nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp. Không những thế hãy giải quyết các vấn đề cần thiết cho ngôi nhà, như việc di chuyển đồ đạc, mua sắm đồ mới.

14 điều cần làm trước khi sinh bé - 4

Bước sang thời điểm những tháng cuối của tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu nên sắp xếp lại đồ đạc trong nhà. (Ảnh minh họa)

Đây là lúc cơ thể bạn chưa quá nặng nề để làm các công việc này. Sau khi sinh em bé, sẽ phải mất một thời gian dài để bạn có thể suy tính đến chuyện nhà cửa.

Ba tháng cuối thai kỳ

10. Kiểm tra lại xe cộ

Nếu mẹ bầu sử dụng ô tô là phương tiện di chuyển cần chú ý đến ghế an toàn trên xe. Còn khi bạn vẫn hàng ngày sử dụng xe máy thì cần kiểm tra sự an toàn của xe như phanh, máy, xăng dầu. Nếu đang đi đường mà xe hết xăng thì sẽ rất phiền phức đúng không?

Nếu có thể, mẹ bầu nên hạn chế tự mình điều khiển phương tiện xe cộ khi tham gia giao thông. Những tháng cuối của thai kỳ cần đề cao sự an toàn cho cả mẹ và bé, hãy nhờ đến sự trợ giúp của ông xã hoặc người thân.

Cũng có một lựa chọn khác là dùng phương tiện công cộng. Hãy nhớ là bà bầu luôn có ghế ưu tiên và được mọi người giúp đỡ.

11. Tên của em bé

Một số cặp vợ chồng đã thống nhất về tên của em bé từ rất sớm. Tuy nhiên một số gia đình thì vẫn băn khoăn trước quá nhiều sự lựa chọn, thậm chí khi sinh bé được ít lâu mà vẫn chưa chọn được tên cho em bé.

Trong những tháng cuối cùng, bạn và gia đình cần thảo luận một cách dứt khoát và rõ ràng về họ tên của em bé. Đừng quá cầu kỳ và cầu toàn. Tên gọi không thể nói lên tất cả về con người của em bé sau này đâu mẹ ơi!

12.  Xin nghỉ làm

Hầu hết các thai phụ đều giữ được an toàn đến gần ngày dự sinh. Một số chị em muốn tận dụng hết sức quỹ thời gian nghỉ sinh được có sau này để chăm sóc con nên không muốn nghỉ làm sớm.

Các chuyên gia khuyên rằng, bạn đã biết ngày dự sinh của mình, thì trước đó nên sắp xếp công việc để nghỉ làm từ trước 1 đến 2 tuần. Điều này giúp bạn nghỉ ngơi thật sự và chuẩn bị lại mọi thứ trước khi đến bệnh viện.

13. Đừng quên ông xã!

Khoảng thời gian em bé chào đời không còn bao xa trước. Bạn và ông xã hãy tận dụng quỹ thời gian son rỗi cuối cùng này để được ở bên nhau. Có thể là một buổi tối lãng mạn ở nhà hàng mà cả hai yêu thích, hoặc không gian đầm ấm trong căn phòng thân quen. Dù là ở đâu, thì hãy thật thoái mái trong tình yêu đôi lứa nhé. Cặp vợ chồng son ngày nào sắp có thêm thành viên thứ ba rồi mà!

14 điều cần làm trước khi sinh bé - 5

Trước khi sinh, đừng quên dành thời gian cho ông xã, mẹ bầu nhé! (Ảnh minh họa)

14. Chờ tới lúc sinh

Bạn đã có một khoảng thời gian vất vả nhưng cũng rất nhiều trải nghiệm phải không? Chỉ còn một chút nữa thôi bạn sẽ được gặp con yêu của mình. Bạn sẽ làm tốt mọi việc cả thôi! Và bây giờ bạn sẽ là một bà mẹ thực sự!

Thanh Lê (Theo parent)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuẩn bị đồ và tâm lí