Dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng giữa cần bổ sung những gì?

Ngày 19/08/2017 09:50 AM (GMT+7)

Dinh dưỡng 3 tháng giữa có vai trò quan trọng giúp mẹ bầu hồi phục sức khỏe sau thời gian ốm nghén không ăn uống được nhiều.

Bước sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi bước vào tuần thai 13-26 là thời điểm để mẹ bầu tập trung bồi bổ dinh dưỡng cho con yêu sau khi đã thích nghi dần với sự thay đổi của các hormone thai kỳ, cảm giác ốm nghén cũng dần qua đi.

Theo các chuyên gia, 3 tháng giữa thai phụ cần tăng thêm trung bình 1,5-2 kg mỗi tháng tương đương với việc bổ sung 300 – 350 calories và 60 gram chất đạm mỗi ngày để đảm bảo sự tăng cân hợp lý cho thai nhi. Muốn vậy, mẹ bầu cần tích cực bổ sung dinh dưỡng 3 tháng giữa cả về chất và lượng.

Những dưỡng chất cần thiết cho mẹ bầu mang thai 3 tháng giữa

Sắt và canxi – viên gạch đặt nền móng giúp bé cao lớn

3 tháng giữa là thời điểm hệ xương, răng của thai nhi phát triển mạnh mẽ. Bổ sung đầy đủ sắt và canxi giúp bé có nền tảng vững chắc trong việc tăng chiều cao, da dẻ hồng hào sáng khỏe sau này. Ngoài ra, cung cấp đủ lượng canxi và sắt  cần thiết cho bà bầu giúp chị em ngăn ngừa tình trạng loãng xương cũng như thiếu máu thường gặp trong thai kỳ.

Đây chính là thời điểm thích hợp để thai phụ uống thêm 1-2 ly sữa bầu hàng ngày. Ngoài ra các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu; trái cây màu đỏ; rau lá xanh đậm; ngũ cốc nguyên cám; các loại đậu là những thức phẩm giàu sắt mẹ bầu nên bổ sung đa dạng trong thực đơn hàng ngày.

Dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng giữa cần bổ sung những gì? - 1

Thịt bò, gan bò đều rất giàu sắt giúp mẹ bầu đề phòng tình trạng thiếu máu trong 3 tháng giữa (Ảnh: Internet)

Kẽm – Đề phòng sinh con nhẹ cân

Kẽm có vai trò quan trọng nhằm tổng hợp protein trong cơ thể, giúp phát triển và tái tạo các tế bào bình thường từ đó đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thai nhi.

Phụ nữ mang thai thiếu kẽm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Cơ thể mẹ bầu luôn trong tình trạng mỏi mệt, uể oải, nhiều chị em sẽ tiếp tục ốm nghén dù bước sang giai đoạn thai kỳ thứ 2. Thai nhi thiếu hụt kẽm sinh ra nhẹ cân, thấp bé, dễ bị dị tật. Do vậy bà bầu 3 tháng giữa cần bổ sung 20 mg kẽm mỗi ngày.

Vitamin A

Thiếu vitamin A trong thời gian mang thai, đặc biệt là 3 tháng giữa gây ra những hệ quả không nhỏ cho sức khỏe của bé ngay khi sinh ra như vàng da, tổn thương giác mạc, mắc các bênh đưỡng hô hấp đặc biệt là hen suyễn. Không chỉ vậy, mẹ bầu bổ sung đủ lượng vitamin A sẽ hỗ trợ rất tốt cho sự phục hồi các mô trong quá trình sau sinh.

Các loại rau củ quả như cà rốt, đậu Hà Lan, đu đủ, khoai lang không chỉ giàu chất xơ mà còn chứa hàm lượng lớn vitamin A cần thiết cho mẹ bầu. Nếu đã bổ sung đủ lượng vitamin A cần thiết cho cơ thể thông qua chế độ ăn mỗi ngày, chị em không cần uống thêm vitamin A để đề phòng quá liều vitamin A.

Dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng giữa cần bổ sung những gì? - 2

Trái cây tươi không chỉ giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng mà còn chứa hàm lượng vitamin A cần thiết cho mẹ và bé (Ảnh: Internet)

DHA tăng cường chất xám cho não bộ thai nhi 

DHA là một loại axit béo Omega-3 có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển trí não của thai nhi. Giai đoạn 3 tháng giữa cũng là thời điểm não bộ của bé yêu đang có sự phát triển vượt bậc, nếu muốn sinh con thông minh mẹ bầu cần tập trung bổ sung DHA trong chế độ dinh dưỡng 3 tháng giữa mỗi ngày.

Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi tuần phụ nữ mang thai cần ăn ít nhất 2 bữa cá sẽ sinh con thông minh, nhanh nhẹn. Các loại hải sản biển chứa lượng lớn DHA như cá thu, cá ngừ, cá hồi. Ngoài ra dưỡng chất quý giá này còn có nhiều trong các loại hạt như hạnh nhân, quả óc chó.

Vitamin D

Vitamin D là dẫn chất giúp cơ thể mẹ và bé hấp thu một cách tốt nhất canxi và photpho, đồng thời giảm nguy cơ sinh con thấp bé, dị dạng xương và chứng tiền sản giật cho mẹ bầu. Trong tam cá nguyệt thứ 2, chị em cần bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày. Người ta nhận thấy thai phụ được cung cấp vitamin D đầy đủ trong thai kỳ sẽ sinh ra những đứa con có khả năng ngôn ngữ phát triển hơn những bé khác, vì vậy chị em đừng quên tắm nắng hàng ngày và ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều vitamin D như ngũ cốc, sò, nấm, dầu gan cá.

Phương Thanh (T/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng thai kỳ