Hà Nội - Bé trai 2 tuổi sang nhà hàng xóm chơi, không may ngã xuống hồ nuôi cá koi sâu 1,2 m.
Sau khoảng 8 phút ngã xuống hồ cá, bé mới được phát hiện và đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Nhân viên trạm y tế đến sơ cấp cứu, 10 phút sau tim đập trở lại, bé được đưa đến bệnh viện huyện cách đó 5 km.
Lúc này, trẻ có nhịp tim, nhịp thở nhưng không tỉnh, lơ mơ. Các bác sĩ đặt nội khí quản kiểm soát đường hô hấp và chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn.
Hiện, sau 4 ngày điều trị, tình trạng bé vẫn nặng, được hạ thân nhiệt bảo vệ não, kiểm soát chức năng cơ quan. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tỉnh, chức năng thần kinh toàn diện khi trẻ qua giai đoạn nặng.
Đây là một trong 3 em bé bị đuối nước được Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận trong tuần qua. Hai trường hợp còn lại là bé gái 12 tuổi ở Hà Nội và bé trai 11 tuổi ở Mộc Châu. Hai cháu này đi tắm ao, suối cùng các bạn thì bị đuối nước, ngừng tim, ngừng thở, được cơ sở y tế địa phương xử trí ban đầu và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng đồng tử giãn, hôn mê sâu.
Ngày 26/4, bác sĩ Lê Nhật Cường, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh nhi đuối nước thường gặp hai tình trạng là suy đa cơ quan sau ngừng tim hoặc tổn thương phổi nặng - hội chứng suy hô hấp cấp do tổn thương hít. Cả ba bệnh nhi trên đều suy đa tạng, hồi phục vẫn có thể gặp các di chứng thần kinh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm. Bệnh viện Nhi Trung ương những năm qua tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi nặng, nguy kịch vì tai nạn này.
Đuối nước thường xảy ra vào các tháng mùa hè do thời tiết nắng nóng, trẻ được nghỉ hè đi bơi hoặc du lịch biển, tắm sông, suối, ao hồ. Trẻ bị đuối nước có thể do không biết bơi vô tình ngã xuống nước hoặc bị chuột rút khi bơi, nô đùa gây thương tích...