Thai nhi gò cứng bụng có nguy hiểm không?

Ngày 20/08/2017 10:18 AM (GMT+7)

Bước vào giai đoạn cuối thai kỳ, mẹ bầu thường băn khoăn thai nhi gò cứng bụng có nguy hiểm không và vì sao lại có những cơn gò cứng bụng như vậy?

Cơn gò cứng bụng thường xuất hiện khi nào?

Hiện tượng thai nhi gò cứng bụng thường xuất hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ, tuy nhiên một số mẹ bầu cũng có dấu hiệu thai nhi gò cứng bụng ngay từ tháng thứ 6, thứ 7. Cảm giác gò cứng bụng là do các cơ tử cung gò cứng hoặc cuộn lại khiến bụng mẹ bầu có cảm giác căng tức trong khoảng 30-60 giây, mỗi ngày có thể xuất hiện vài lần hoặc vài ngày mới có. Sản khoa gọi dấu hiệu này là cơn co chuyển dạ Braxton Hicks – chuyển dạ giả vì nó không làm giãn mở cổ tử cung, không khiến mẹ bầu có cảm giác đau đớn.

Hiện nay vẫn còn có sự tranh luận về tác dụng của những cơn gò sinh lý kiểu này. Một số người cho rằng cơn gò chuyển dạ giả giống như một “cuộc tập dượt” cho thấy tử cung đã sẵn sàng khi cơn chuyển dạ thật sự đến. Một số khác thì phản đối ý kiến này cho rằng chúng không liên quan đến nhau.

Thực tế cho thấy không quá khó để phân biệt giữa cơn gò chuyển dạ giả và cơn gò chuyển dạ thật. Khi có cơn gò sinh lý, mẹ bầu chỉ cần thay đổi tư thế nằm, ngồi hoặc nghỉ ngơi sẽ hết. Các cơn gò này xuất hiện với tần suất không đều. Còn cơn gò chuyển dạ thật sẽ khiến mẹ bầu vô cùng đau đớn, có cảm giác xé ruột, cơn đau diễn ra từng nhịp; nếu đi kèm với dấu hiệu vỡ ối, ra máu báo thì chứng tỏ em bé sẽ ra gặp mẹ trong ít giờ chứ không còn bao lâu.

Thai nhi gò cứng bụng có nguy hiểm không? - 1

Thai nhi gò cứng bụng mẹ thường xuất hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ (Ảnh minh họa: Internet)

Vì sao thai nhi gò cứng bụng mẹ?

Dưới đây là những nguyên nhân khiến bụng bầu co cứng trong thai kỳ:

Các chuyên gia sản khoa đã nghiên cứu và tìm ra một số nguyên nhân khiến mẹ bầu bị gò cứng bụng:

- Tâm lý của mẹ bầu: Những cảm xúc vui, buồn, căng thẳng, giận dữ của mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của thai nhi và gây ra hiện tượng thai nhi gò cứng bụng. Điều này giống như cách bé “chia sẻ” tâm trạng cùng mẹ. Để bé phát triển tốt nhất mẹ bầu cần học cách sống lạc quan, thư gidajpkh

- Áp lực lên tử cung quá lớn: Bắt đầu từ giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2, thai nhi bắt đầu lớn lên nhanh chóng, tử cung bị chèn giữa khoang chậu, bàng quang, trực tràng. Bản thân tử cung cũng phình to và tạo áp lực lên các bộ phận khác nên thỉnh thoảng mẹ sẽ nhận thấy hiện tượng gò cứng bụng

- Hệ xương của thai nhi phát triển: Bé đang thực sự lớn dần lên bắt đầu từ tháng thứ 4, bộ khung xương phát triển và dài ra. Khi bé xoay chuyển người sẽ tạo nên những cơn gò nhẹ trên bụng mẹ.

- Mẹ bầu bị táo bón nặng: Những cơn gò cứng bụng cũng thường xảy ra ở mẹ bầu hay bị táo bón thai kỳ “hành hạ”. Do vậy, chị em cần lựa chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu chất xơ tránh cho hệ tiêu hóa phải làm việc căng thẳng và ảnh hưởng đến tử cung của mẹ.

- Những vết rạn da: Các vết rạn xuất hiện do mẹ bầu tăng cân nhanh chóng, bụng bầu lớn lên trong khi làn da chưa đủ thời gian để thích nghi với sự thay đổi này từ đó cũng gây ra hiện tượng gò cứng bụng.

Thai nhi gò cứng bụng có nguy hiểm không?

Thai nhi gò cứng bụng có nguy hiểm không? - 2

Những cơn gò sinh lý không nguy hiểm như nhiều mẹ bầu lo lắng (Ảnh minh họa: Internet)

Nhiều mẹ bầu lo lắng thai nhi gò cứng bụng có nguy hiểm không nhưng như đã nói ở trên mẹ bầu sẽ chỉ cảm thấy khó chịu thoáng qua khi bé gò bụng mẹ chứ không đau đớn gì. Cơn gò sinh lý này chỉ thực sự nguy hiểm khi bụng bầu bị gò cứng hoặc lệch hẳn sang một bên trong thời gian dài. Mẹ có cảm giác bụng như bị nhồi lên nhồi xuống liên tục, cứng đau. Đặc biệt cơn gò cứng bụng đi kèm với triệu chứng đau lưng, chuột rút, xuất huyết âm đạo, lúc này mẹ cần đi khám để được bác sĩ thăm khám, theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân.

Làm gì khi thai nhi gò cứng bụng mẹ?

Những cơn gò sinh lý thường xuất hiện trong thời gian ngắn, không quá nguy hiểm và lặp lại thường xuyên nhưng càng gần cuối thai kỳ thai nhi sẽ gò mạnh hơn khiến mẹ bầu có cảm giác đau rõ rệt hơn, cứng bụng nên rất khó chịu.

Các chuyên gia khuyên rằng, khi cơn gò xảy ra chị em có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:

- Nghỉ ngơi: Cơn gò xuất hiện đôi khi báo hiệu rằng mẹ đang làm việc căng thẳng và vất vả. Vì vậy mẹ hãy dành thời gian nghỉ ngơi, đứng lên đi lại nhẹ nhàng, thay đổi tư thế ngồi làm việc.

- Chườm ấm: Mẹ có thể tắm nước ấm dưới vòi sen hoặc ngâm mình trong bồn tắm để thư giãn hoặc đơn giản là dùng một chiếc khăn mềm giặt qua nước ấm rồi chườm lên bụng.

- Tập yoga: Những mẹ bầu có tập yoga khi mang thai thường ít bị những cơn gò cứng bụng hoặc khi cơn gò xuất hiện cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai.

Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến chủ đề này gửi về địa chỉ babau@eva.vn  để được sẻ chia, tư vấn từ chuyên gia. 

Phương Thanh (T/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dấu hiệu sắp sinh