Ra dịch nhầy cổ tử cung là một trong những dấu hiệu sớm báo hiệu mẹ bầu sắp tới ngày “vỡ chum”. Nhưng chính xác ra dịch nhầy bao lâu thì sinh thì không phải mẹ nào cũng nắm rõ.
Dịch nhầy cổ tử cung là gì?
Dịch nhầy cổ tử cung, hay còn gọi là nút nhầy cổ tử cung, là ống chất nhầy được tạo thành bởi các niêm mạc tử cung, tồn tại ở cổ tử cung để ngăn chặn vi khuẩn có hại xâm nhập làm ảnh hưởng tới thai nhi trong quá trình mang thai.
Chất nhầy này trong như nước mũi hoặc tinh dịch, đôi khi có lẫn tia máu hoặc ngả màu nâu. Dịch nhầy cổ tử cung chính là chất nhầy vẫn tiết ra khi chị em sắp đến hoặc vừa qua kỳ kinh nguyệt.
Là một trong những dấu hiệu báo hiệu cơn sinh, việc ra dịch nhầy khiến nhiều chị em thắc mắc rằng ra dịch nhầy bao lâu thì sinh con. Bài viết này sẽ giải đáp cho câu hỏi của các mẹ bầu.
Tác dụng của dịch nhầy cổ tử cung?
Khi chưa có thai, chất nhầy này có tác dụng giữ độ ẩm và độ pH cho cửa mình. Với trường hợp những cặp vợ chồng đang muốn có con, chất nhầy này lại có vai trò giúp tinh trùng có thể di chuyển và “trú ngụ” trong tử cung, ảnh hưởng trực tiếp tới sự thành công của quá trình thụ thai. Nhưng khi phụ nữ có bầu, chất nhầy có tác dụng như một “nút” chặn ở cổ tử cung để ngăn chặn vi khuẩn tiếp cận thai nhi.
Ra dịch nhầy cổ tử cung là hiện tượng sinh lý bình thường ở mẹ bầu.
Trong quá trình mang thai, nút nhầy có thể vẫn tiết dịch sau khi mẹ bầu đi khám phụ khoa hoặc sau khi quan hệ tình dục trong thai kỳ, thậm chí có thể lẫn cả máu. Nếu dịch nhầy lẫn máu, đặc biệt là sau khi quan hệ vợ chồng những tháng cuối thai kỳ, chị em có thể đi khám để đảm bảo rằng thai nhi vẫn an toàn.
Ra dịch nhầy là dấu hiệu sắp sinh?
Đến tháng cuối thai kỳ, nút nhầy cổ tử cung bắt đầu bong ra và thoát dần ra ngoài theo đường âm đạo mẹ. Thời điểm này, cổ tử cung bắt đầu co giãn mở rộng để chuẩn bị đường cho em bé ra ngoài, vì vậy, đúng là việc ra dịch nhầy là một dấu hiệu báo hiệu cơ thể mẹ bầu đang thay đổi. Nhưng ra dịch nhầy không có nghĩa là mẹ bầu sẽ chuyển dạ sinh con ngay.
Nhiều người cũng thắc mắc, sau khi dịch nhầy thoát ra ngoài thì liệu có vi khuẩn xâm nhập vào thai nhi nếu chưa sinh ngay. Thực tế, kể cả khi dịch nhầy đã thoát ra ngoài hay đã vỡ ối, thai nhi vẫn an toàn trong bụng mẹ, nên các mẹ không phải lo lắng quá nhiều. Vậy dịch nhầy thoát ra bao lâu thì thai phụ bắt đầu chuyển dạ?
Ra dịch nhầy bao lâu thì thai phụ sẽ sinh?
Dịch nhầy thoát ra không phải là dấu hiệu của việc chuyển dạ, mẹ bầu không nên quá căng thẳng rằng liệu mình có sắp sinh ngay trong ngày. Thực tế, rất nhiều trường hợp nút nhầy thoát ra nhưng phải đến vài ngày, thậm chí vài tuần sau, mẹ bầu mới chuyển dạ sinh con. Khoảng thời gian này không thể tính chính xác mà phụ thuộc vào cơ thể thai phụ và thường được các bác sĩ ước lượng là khoảng 2 tuần.
Dịch nhầy âm đạo tăng tiết vào những tuần cuối thai kì báo hiệu mẹ sắp được gặp con yêu
Cũng cần phải lưu ý rằng, ngoài việc báo hiệu sinh, thoát dịch nhầy cũng cảnh báo một số trường hợp gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Ví dụ, nếu vừa thoát dịch nhầy, bà bầu vừa cảm thấy hoa mắt chóng mặt, phù nề cơ thể có thể là dấu hiệu tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kì. Ngoài ra, nếu dịch nhầy thoát ra có màu xanh hay nâu nhạt, rất có thể đây là “phân su” của em bé, để thai nhi nuốt phải sẽ rất nguy hiểm, nên vào bệnh viện để các bác sĩ can thiệp.
Khi bắt đầu thấy dịch nhầy ra nhiều hơn bình thường, tới mức phải đóng băng vệ sinh, hoặc không còn trong mà có màu trắng đục, thậm chí có màu hồng hay đỏ của máu, đây mới là lúc bạn nên để ý cơ thể kỹ hơn và đi khám chuyên khoa. Nếu dịch nhầy thoát ra kết hợp nhiều dấu hiệu khác cùng lúc như co thắt tử cung, tụt bụng, vỡ ối chính là dấu hiệu các mẹ bầu nên “khăn gói quả mướp” lên đường vào viện chờ sinh.
Kể cả khi cổ tử cung mở hay khi mẹ bầu rặn đẻ, chất nhầy cổ tử cung vẫn tiếp tục được tiết ra ngoài. Đây là dấu hiệu tốt báo hiệu cổ tử cung đang mở rộng hơn và mỏng dần đi để chào đón em bé sắp chào đời.