Định mừng 500, thấy cỗ bé, mừng 300

Ngày 04/10/2013 11:00 AM (GMT+7)

Nói ra thì đúng là ‘vạch áo cho người xem lưng’, chuyện cười cho thiên hạ nhưng thật là phải nói.

Mà đã nói thì nhất định phải nói thật chua cay, thật ác liệt để những người đọc được phải thay đổi ngay cách suy nghĩ của mình về đám cưới. Có quá nhiều người mang đám cưới, hạnh phúc cả đời của người thân ra làm việc kinh doanh, kiếm lời. Và khách khứa đến dự thì quá ư là bức xúc vì cỗ cưới mà nhìn như cơm nhà, thậm chí chất lượng không ngon bằng cơm nhà, bữa cơm bình thường, vào một ngày bình thường, của một người rất bình thường nấu, với số tiền quá ư là ít.

Tôi nói như vậy vì tôi đã dính phải quá nhiều đám cưới như thế. Tôi đích thị là ‘siêu cao thủ đám cưới’ vì gần như tới tuổi này, khi đã 30, tôi đã đi tới cả trăm đám cưới. Bạn bè cấp 2, bạn bè cấp 3, bạn bè đại học bốn phương, bạn bè công việc và còn nhiều mối quan hệ này nọ, đích thị là tôi đã đi quá nhiều. Nhưng trong những đám cưới ấy, phải liệt kê được cả chục tá các đám cưới có ý đồ kinh doanh.

Định mừng 500, thấy cỗ bé, mừng 300 - 1

Hôm rồi về quê, có cậu bạn đi ăn cưới cùng tôi. Vì là cùng đoàn chơi với nhau, dù không quá thân nhưng đám cưới vẫn được mời. (ảnh minh họa)

Các bạn nhầm, không phải cứ mở ra ở một nơi sang trọng mà đòi thu được tiền nhiều đâu nhé. Bây giờ người ta cũng tính toán lắm, đi đám cưới cũng phải tính tới chất lượng cỗ bàn. Nên những đám cưới có ý kinh doanh thì lỗ là đương nhiên rồi, không phải bàn luận.

Hôm rồi về quê, có cậu bạn đi ăn cưới cùng tôi. Vì là cùng đoàn chơi với nhau, dù không quá thân nhưng đám cưới vẫn được mời. Chúng tôi dự tính là đi 300 nghìn cả vì mức độ chơi cũng bình thường. Thế là cả đội góp tiền vào cho một người bỏ vào phong bì. Thế nhưng, khi đến nhà gái, cỗ được bày ra, anh bạn này ngán ngẩm bảo, rút lại mỗi người một trăm. Chuyện nghe hài hước nhưng đúng là thế, anh bạn tôi khó chịu về việc tổ chức tiệc cưới, giống như một hình thức kinh doanh, nhìn mà bực không muốn gắp. Nghĩ lại đám cưới trước, cũng của cậu bạn cùng nhóm, ăn đến phát ngán mà vẫn thừa đầy. Cỗ ở đây mỗi người một gắp là hết, nghĩ mà nản. Nhìn cỗ cưới quá nhạt, chẳng thấy tí hương vị cưới xin nào, mà giống như một đám cỗ mở ra để kinh doanh.

Thế là hôm sau, cậu bạn tôi bảo mang số tiền thừa đi uống cà phê. Nghe thì có vẻ buồn cười nhưng đúng là thế. Đi ăn cỗ, bỏ ra đồng tiền mừng, nếu như không phải quan hệ thân tình, nhất là các ông bà lớn tuổi, họ sẽ tính toán rất chi ly. Đừng tưởng rằng, làm cỗ bịp thiên hạ mà xong đâu.

Định mừng 500, thấy cỗ bé, mừng 300 - 2

Với những đám cưới có mục đích kinh doanh, nhiều người thu lời lớn đấy, nhưng kết quả sau đó là gì? (ảnh minh họa)

Món xào mực thì toàn độn rau, mỗi người gắp một gắp là hết. Thịt bò xào thì đúng là khỏi nói, chỉ có cần tây xào bò chứ không phải bò xào cần tây. Thịt bò ba miếng bên trên, bên dưới toàn rau củ độn vào. Ở quê người ta không chuộng hình thức hoa hoét để trang trí, chỉ cần tháy cỗ ngon là người ta thích, nhất là mấy cụ mấy ông. Thế nên, tính chuyện kinh doanh cỗ ở quê thì hơi bị nhầm, vì chẳng ai có tiền mà bỏ ra từng ấy đồng đi ăn một bữa cỗ không ra gì.

Nếu tính ra một đám cưới như thế, chỉ cần mỗi người mừng 200 nghìn cũng lãi to, chứ đừng nói gì tới chuyện lỗ. Ở quê, các cụ thường đi ít hơn so với thành phố, thế nên cái đám mà chúng tôi đi thực sự họ đã tính toán rất kĩ càng rồi. Xem ra đó đúng là một hình thức kinh doanh nhanh để thu lợi.

Với những đám cưới có mục đích kinh doanh, nhiều người thu lời lớn đấy, nhưng kết quả sau đó là gì? Sẽ là tiếng cười, những lời đàm tiếu của thiên hạ rằng: 'nhà ông ấy cỗ bé thế', 'nhà ấy làm ăn mất khách', hay 'biết thứ mừng 200 thôi, cỗ không ngửi được'. Cái quan trọng là phải biết giữ chữ tín, để người ta nghĩ mình thật sự có lòng vì người thân, vì hạnh phúc của con cái. Và có lòng với bà con lối xóm, mong họ đến chung vui chứ không phải chuyện mời họ đến chỉ để nhận cái phong bì. Có lòng thì con cái mới hạnh phúc vẹn toàn được.

Mộc Lan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mùa cưới