Đây là câu chuyện hoàn toàn thật nhé, không bịa tí nào đâu chị em ạ. Mà bịa để làm gì nhỉ vì chắc hẳn, chẳng thiếu những trường hợp bị 'cố tình quên' tiền mừng.
Tôi có cô bạn tên Liên. Ngày còn chưa lấy chồng, chúng tôi là một nhóm bạn thân, mọi người chơi với nhau trong cùng một đội, tầm hơn chục người. Đi đâu, có vụ gì tụ tập chúng tôi cũng ới nhau. Thời thanh niên, mọi thứ vui vẻ lạ thường.
Rồi một ngày, cô ấy đi lấy chồng. Đám cưới của cô bạn thật đông đúc. Dù là ai ở xa tới mấy cũng cố gắng về, vì chúng tôi vốn là những người bạn thân trong một nhóm, không về không được. Ngày ấy, tôi còn là sinh viên năm cuối trường đại học, còn chưa đi làm nên tiền cũng không có nhiều. Nhưng thấy bạn bè ở nhà đi làm hết, mừng mỗi người 500 nghìn, tôi cũng cắn răng, vay mượn và tiết kiệm để mừng cho bạn. Thế là tôi đút phong bì 500 nghìn, mừng cho hạnh phúc của bạn mình và còn về dự lễ cưới tận 2 ngày.
Thấm thoát, đã hơn 1 năm trôi qua, từ ngày lấy chồng, tôi thi thoảng có gọi điện hỏi thăm về tình hình con cái của Liên, nhưng mấy lần không thấy Liên liên lạc gì cả. Nhiều khi như thế, tôi cũng chán không muốn gọi nữa, vì bạn bè phải có đi có lại. Mình hay hỏi thăm họ thì cũng có lúc họ phải hỏi thăm mình, đó mới là lẽ thường tình, nhất là khi chúng tôi còn là bạn thân.
Thấm thoát, đã hơn 1 năm trôi qua, từ ngày lấy chồng, tôi thi thoảng có gọi điện hỏi thăm về tình hình con cái của Liên, nhưng mấy lần không thấy Liên liên lạc gì cả. (ảnh minh họa)
Vậy mà, hơn 1 năm qua, tôi chẳng nhận được cuộc điện thoại nào ngoài mấy cuộc điện thoại nhờ mừng cưới. Có vài lần, mấy anh bạn của tôi mời Liên dự đám cưới. Vì lấy chồng ở Hà Nội nên Liên khó về quê ăn cưới. Thì có chồng, có con thông cảm cho hoàn cảnh ấy, nhưng khi đó, Liên còn chưa con cái nên chuyện về cũng không hẳn là khó. Có khi sắp xếp cùng chồng về thăm gia đình rồi tiện đi ăn cưới cũng không sao. Một đám thì không nói làm gì chứ tới mấy đám, mà đám nào Liên cũng từ chối không dự. Chỉ một cuộc điện thoại cho tôi nhờ mừng. Mà số tiền mừng cũng chỉ tầm 300 nghìn một người.
Tôi là bạn nên hỏi sao mừng thế, vì tôi nghĩ, bạn bè đi sau có khi còn mừng 500 là ít, coi như trả lại, còn mừng hơn được thì tốt. Nhưng Liên nói, không ăn cỗ nên chỉ mừng vậy thôi. Có thể tôi hơi tủn mủn nhưng tôi đôi khi nghĩ, hay là Liên ngại về phải tham dự, phải mừng nhiều.
Điều đáng suy nghĩ hơn là đã 3 cái đám cưới Liên nhờ tôi mừng rồi, nhưng không bao giờ thấy hoàn trả tiền. Liên cũng không gọi cho tôi hỏi thăm một lần, chỉ khi nào có người mời cưới mới gọi. Tôi thấy chán và buồn. Hỏi thăm thì chẳng được câu nào. Cô cứ hẹn là hôm nào gặp rồi gửi tiền nhưng cũng mất hút, chẳng thấy đâu.
Hôm rồi, có anh bạn gọi mời cưới, vì cũng là an hem trong đám bạn thân nhưng lạ thay, không thấy Liên gọi gửi tiền mừng. Tưởng là cô nhờ ai rồi nhưng về hỏi thì ai cũng bảo không nhờ. Tôi còn định gọi điện hỏi Liên xem như nào, nhưng rồi nghĩ lại thôi, vì nhỡ đâu người ta không muốn gửi, mình lại làm khó. Xem ra, thật sự Liên đã muốn trốn tránh, muốn cắt đứt các mối quan hệ này rồi. Chuyện không gửi tiền mừng là một ví dụ cho việc này.
Tôi cũng sắp lấy chồng, nhưng thiết nghĩ, có nên mời Liên hay không. (ảnh minh họa)
Dẫu biết, mỗi người mỗi cảnh, lấy chồng có người giàu, có người nghèo nhưng cách sống và trách nhiệm sống thì không nên quên. Đám cưới mình, bạn bè đã tận tình chu đáo như thế thì ít ra cũng nên đáp lại. Tôi sẽ không cho rằng Liên này nọ nếu như cô không có thái độ lạnh lùng, cả năm không gọi điện hỏi thăm chúng tôi. Tôi luôn nghĩ, Liên lấy chồng xong coi như rũ bỏ mọi mối quan hệ nên mới không thiết tha gì bạn bè, và cũng trốn luôn tiền mừng cưới.
Tôi cũng sắp lấy chồng, nhưng thiết nghĩ, có nên mời Liên hay không. Liệu hai năm qua không chơi, không gặp, không thân thiết nữa, mời Liên có dự hay không, hay là chỉ giống như một hình thức đòi nợ? Nhưng nếu không báo, khi bạn bè biết lại có cớ trách móc mình, khi đó mình lại là người mang tội. Thôi thì cứ nên nói một lời, còn họ đi hay không, đó là quyền của họ. Nếu không đi thì coi như mọi thứ đã chấm hết rồi, tình bạn bao nhiêu năm cũng tan biến như bọt bèo, vì âu nó cũng là cái chuyện thường ở đời, ‘xa mặt cách lòng’ mà thôi.