Những tưởng, đêm tân hôn sẽ là đêm thơ mộng nhưng đó lại là đêm… đếm phong bì.
Vợ chồng cãi nhau vì phong bì cưới
Chắc hẳn, các bạn cũng giống như tôi, sốt sắng về số tiền mình được mình là bao nhiêu và xem nó có đủ hoàn lại vốn liếng bỏ ra khi làm cỗ bàn, mời quan khách họ hàng hay không. Thế là, nhà trên nhà dưới, từ bố mẹ đến con cái, ai cũng lôi phong bì ra đếm trước giờ đi ngủ.
Ban đầu là số phong bì của bạn vợ. Vợ gào lên khi thấy một anh bạn chơi cùng mừng quá nhiều, đến 2 triệu lận. Trước giờ, ai đi nhiều cũng chỉ tầm 1 triệu là cùng lắm, lại có người mừng tới 2 triệu mà người này đâu phải người thân nhất. Vợ tôi sáng mắt lên sung sướng. Còn tôi thì chỉ hỏi được câu: “Anh ấy có vợ chưa?”. Khi biết anh ta chưa có vợ, mặt tôi méo xệch: “Sướng cãi nỗi gì, tới lúc trả nợ người ta thì mới trợn mắt lên, sướng được như bây giờ không?”.
Tôi luôn quan niệm, chuyện cưới xin giống như chuyện nợ nần. Nếu mà người ta đã đi mình 2 triệu thí sau này, cả hai vợ chồng mà đi ăn cưới nhà họ thì chí ít cũng phải mừng tầm đó. Vì nhà mình 2 người đi, lịch sự ra thì phải mừng hơn, tầm 3 triệu được thì tốt, không thì 2 triệu rưỡi. Nhưng mà, nghĩ tới khoản tiền ấy mà lúc con cái ốm đau, bệnh tật, vợ dại con thơ mà kiếm ra 3 triệu đi cưới thì quá khó. Báo sớm không sao, báo muộn thì có mà méo mặt. Tính ra, khéo phải để riêng ra 2 triệu để đề phòng người ta lấy vợ. Nghĩ mà khổ.
Nhiều khi đi ăn cưới giống như cái nợ (ảnh minh họa)
Rồi động tới cái phong bì của mấy người bạn học cùng cấp 3, vợt mặt méo xệch: “Xùy, thời đại này rồi ai còn mừng 1 trăm. Không có tiền thì cũng cố mà đi 2 trăm chứ”. Đúng là như vậy thật, giờ mừng 100 mà mang tiếng thanh niên, người ta cũng cười cho đấy. Nhưng tôi không dám ‘lửa đổ thêm dầu’, tôi bảo với vợ: “Thôi em ạ, người ta đi là quý rồi, chắc họ khó khăn, hay là ngày xưa em đi thế, bây giờ họ đi vậy?”. Vợ tôi tiếp lời: “Ai lại mang cái ngày xưa ra so sánh với cái bây giờ, ngày xưa tiền có giá trị, bây giờ thì tiền mất giá. Ngày xưa á, 2 trăm bằng cả triệu bây giờ. Tính thế thì tính làm gì”.
Có cái lệ trả nợ là phải trả hơn?
Nghĩ lại vợ nói cũng đúng. Tính ra, cái đám cưới này tôi lỗ vốn to. Nhưng chẳng dám nói với vợ. Nếu nói ra y rằng vợ sẽ bảo là: “Đấy, biết ngay mà, anh ngày trẻ cứ sĩ cho lắm vào, đi cho lắm vào, giờ thì người ta mừng có từng ấy, tha hồ mà tiêu nhé”. Vì vợ tôi vốn tính hơi chua ngoa, tôi đoán chắc là thế nào chuyện ấy cũng xảy ra.
Cái chuyện cậu bạn mới cưới cách đây được 1 tháng, tôi mừng 500 nghìn, giờ đi lại tôi có 300, tôi không dám nói với vợ. Đúng là tôi hơi ngạc nhiên, còn tưởng ai rút lõi phong bì, nhưng phong bao đã dán, ai dám bóc ra mà lấy vài trăm.
Đêm tân hôn đếm tiền mừng cưới (ảnh minh họa)
Với lại, tôi nghĩ, nhiều người như thế. Vì họ nghĩ có gia đình rồi, cũng chẳng chơi bời với nhau mấy. Coi như là trả cái món nợ. Nhưng mà, trả thì cũng phải trả bằng là ít nhất, hoặc không là trả hơn, ai lại đi trả kém hơn hẳn 200. Bảo lâu thì không nói làm gì, bây giờ mới có hơn 1 tháng, vừa cưới mình xong, đi lại mà lại đút phong bì ít hơn, thật khó hiểu.
Tôi cũng không phải người tính toán chi ly, nhưng đúng là làm ăn như thế mất uy tín. Dù sao thì cũng hơi buồn vì thái độ cư xử của bạn bè. Không riêng gì anh bạn đó, tôi thấy có nhiều người như vậy, toàn mừng ít hơn khi tôi đi họ. Nghĩ lại, mình hào phóng quá thật sự không tốt.
Liệu có một quy luật nào cho việc trả nợ là phải trả hơn không. Nói ra thì chẳng ai thừa nhận, vì theo lý thuyết mà nói, họ sẽ cho rằng, tình cảm là một chuyện, tiền bạc là một chuyện. Cái phong bì dày hay ít không quy định chuyện tình cảm bạn bè. Nhưng đó chỉ là lý thuyết, còn trên thực tế, đi lại thì phải đi hơn, hoặc chí ít ra cũng phải đi bằng. Chẳng ai lại đi kém hơn cả, những người đó là những người kém cư xử. Các bạn có nghĩ thế không?
Nam Châm
Mời đọc bài viết hay, hấp dẫn của Eva tám tại đây: