Thực hư cỏ lúa mì, gạo lứt diệt tế bào ung thư

Ngày 26/06/2017 12:27 PM (GMT+7)

Không phủ nhận công dụng của cỏ lúa mì, gạo lứt, muối mè…, nhưng cách truyền bá, thổi phồng công dụng “chữa ung thư” của các loại sản phẩm này đã và đang gây hiểu nhầm, ngộ nhận cho nhiều người.

Không phủ nhận công dụng của cỏ lúa mì, gạo lứt, muối mè… mang lại cho sức khỏe, nhưng cách truyền bá, thổi phồng công dụng “chữa ung thư” của các loại sản phẩm này đã và đang gây hiểu nhầm, ngộ nhận cho nhiều người.

Cỏ lúa mỳ tốt cho hệ tiêu hóa

Gần đây, trên các diễn đàn ẩm thực, các trang web mua sắm, làm đẹp của chị em đang rộ lên phong trào trồng và chế biến nước uống từ cỏ lúa mì để chăm sóc sức khỏe. Theo các tài liệu truyền trên mạng xã hội, cỏ lúa mì được biết đến chứa nhiều vitamin B, C, E, H và K… là những chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho hệ miễn dịch, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa; phòng ngừa các bệnh mỡ máu, tiểu đường, cảm lạnh, ho, tiêu chảy…

Thực hư cỏ lúa mì, gạo lứt diệt tế bào ung thư - 1

Công dụng mầm cỏ lúa mì đang bị thổi phồng

Thành phẩm nước ép cỏ lúa mì còn được “quảng cáo” giải độc gan, thanh lọc cơ thể rất nhanh và hiệu quả. Ngoài ra, còn giúp bệnh nhân ung thư đỡ mệt mỏi, nhanh chóng hồi phục thể lực sau các đợt hóa trị, xạ trị và sử dụng thuốc điều trị kéo dài. Thậm chí, “các thành phần oxy hóa, selen… có trong cỏ lúa mì, các chất này đều có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư”. Cũng vì những tác dụng “thần kỳ” như vậy, nên phong trào tự trồng và chế biến cỏ lúa mỳ được nhiều gia đình hưởng ứng.

Theo phân tích của PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), mầm cỏ lúa mỳ hay còn gọi là mầm mạch nha có các enzym chuyển hóa tinh bột thành đường giúp thức ăn tiêu hóa dễ dàng. Rễ của mạch nha khi nảy mầm sinh ra chất alcaloid horderin - một amino phenol có tác dụng vào nhóm adrenalin kích thích hệ tuần hoàn ngoại vi do làm co thắt các mạch.

Ngoài ra, nó cũng chứa nhiều các chất dinh dưỡng như: Protid, lipid, vitamin B1 và E… “Cỏ lúa mì có giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên không thể khẳng định, nó có khả năng chống lại và điều trị ung thư. Hiện nay, cơ chế của ung thư là rất phức tạp việc điều trị ung thư hiệu quả vẫn chủ yếu dựa vào y học hiện đại”, ông Thịnh cho biết.

Đồng quan điểm, lương y Vũ Quốc Trung (Hội viên Hội Đông y Việt Nam), trong Đông y mầm cỏ mạch có vị ngọt tính bình, tác dụng tiêu hóa thức ăn chữa các bệnh. Nói nước uống mạch nha tốt cho hệ tiêu hóa thì đúng, nhưng khả năng phòng chống và chữa bệnh ung thư thì chưa có căn cứ”.

Gạo lứt, đỗ đen… tốt nhưng không nên dùng thường xuyên

Với phong trào thực dưỡng, gạo lứt đã trở thành một loại ngũ cốc được nhiều người tin dùng. Nhiều người còn truyền tai nhau những tác dụng “kinh điển” của gạo lứt từ giúp giảm cân, trị mụn, chống tiêu chảy, táo bón, giúp cắt cơn hen suyễn, chống suy nhược, thậm chí đến trị được bệnh nguy hiểm đái tháo đường, ung thư…

"Hiện, trên mạng xã hội lan truyền nhiều biện pháp “điều trị” ung thư, tuy nhiên, chưa có bất kỳ minh chứng khoa học nào về điều đó. Với phương pháp thực dưỡng ăn chay Ohsawa, nếu đảm bảo đầy đủ năng lượng thì đây cũng là chế độ ăn tốt vì ăn nhiều rau, hoa quả… Tuy nhiên, chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Do vậy lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi đó là phương pháp điều trị ung thư, là một sai lầm và dĩ nhiên sẽ không mang lại hiệu quả”.

Ông Trần Văn Thuấn

Giám đốc BV K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư

Theo BS. Nguyễn Thị Sơn, ĐH Y Dược TP.HCM, trong gạo lứt chứa rất nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, magiê, mangan, sắt và chất xơ. Trong đó, vitamin B1 và chất xơ có hàm lượng cao hơn rất nhiều trong gạo trắng thông thường. So với gạo trắng thông thường, gạo lứt cứng hơn, cần phải nấu lâu mới chín. Khi ăn, người sử dụng phải nhai từ từ, do vậy mang lại cảm giác no lâu hơn. Loại ngũ cốc này cũng có một số thành phần giúp làm giảm cholesterol, giảm cân.

Theo khuyến cáo của BS. Sơn, dù gạo lứt được đánh giá có nhiều chất, vitamin nhưng không thể thay thế toàn bộ các dưỡng chất, axit amin cần thiết hàng ngày cho cơ thể. Chính vì vậy, bên cạnh việc ăn các chế phẩm gạo lứt, vẫn cần ăn bổ sung với các nhóm thực phẩm khác như đạm, chất khoáng, rau xanh, trái cây...

Cũng theo lương y Vũ Quốc Trung, nếu thường xuyên ăn gạo lứt mà không bổ sung thêm các thực phẩm khác, thì thậm chí còn gây phản tác dụng. Khi ăn, nếu nhai không kỹ còn gây ra chứng khó tiêu. “Cũng như gạo lứt, đỗ đen rang cũng là thực phẩm đang được nhiều dùng với mục đích giảm cân, làm mát… Về bản chất, các loại thực phẩm này đều tốt cho cơ thể, tuy nhiên “quá lợi bất cập”, do vậy, mỗi ngày chỉ nên dùng 100g. Đặc biệt, trẻ em, người cao tuổi, thể trạng yếu, gầy gò, đang mang thai, cần bồi bổ sức khỏe không nên ăn gạo lứt thường xuyên, gây suy giảm sức khỏe, thiếu chất, vitamin”, ông Trung khuyến cáo.

Ông Trung cũng khẳng định: “Loại ngũ cốc này không hề có tác dụng chữa bệnh như mọi người vẫn đồn thổi. Việc dùng gạo lứt để chữa bệnh hay điều trị ung thư là một sự mạo hiểm”.

Theo Vũ Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ung thư