Một trong những bí ẩn y học khó hiểu nhất hiện nay là tại sao nhiều người trẻ khoẻ mạnh lại đột nhiên mắc ung thư?
Trong 20 năm qua, các trường hợp mắc ung thư đã tăng 30% ở những người dưới 50 tuổi. Mới nhất phải kể tới trường hợp nổi tiếng của Công nương Kate Middleton mắc ung thư ở tuổi 42.
Nghiên cứu về tuổi sinh học của con người
Theo số liệu thống kê, Australia là quốc gia có số ca mắc ung thư ở giai đoạn khởi phát cao nhất thế giới, với tỷ lệ 135 ca/100.000 người. New Zealand có tỷ lệ cao thứ 2, với 119 ca/100.000 người.
Một nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia từ Đại học Washington ở St Louis, Mỹ cho thấy, những người sinh sau năm 1965, từ 59 tuổi trở xuống, có các tế bào và mô trong cơ thể già hơn so với tuổi sinh học.
Công nương Kate Middleton mắc ung thư ở tuổi 42.
Tế bào là trung tâm của mọi chức năng cơ thể. Khi chúng già đi, khả năng sửa chữa và nhân lên của chúng sẽ bị suy giảm, dẫn đến vô số tác động dây chuyền.
Những người có tốc độ lão hóa nhanh trên mức trung bình có nguy cơ phát triển bất kỳ bệnh ung thư cao hơn 17%, bao gồm ung thư phổi, đường tiêu hóa và tử cung.
Lão hóa nhanh có thể là do lối sống căng thẳng và sức khỏe tâm thần kém, béo phì, ít vận động, ăn nhiều đồ ăn vặt.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã theo dõi gần 150.000 người trong dữ liệu y sinh UK Biobank. Họ đã xem xét 9 dấu hiệu dựa trên các xét nghiệm máu để tìm ra tuổi sinh học của mỗi người.
Các dấu hiệu bao gồm albumin - một loại protein do gan sản xuất, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chất lỏng không bị rò rỉ ra khỏi mạch máu, giảm theo tuổi tác và kích thước trung bình của hồng cầu tăng theo tuổi.
Khi các tế bào máu lớn hơn, chúng ít có khả năng phân chia và nhân lên. Chúng được đưa vào một thuật toán có tên PhenoAge, thuật toán này cho biết tuổi sinh học cho mỗi người.
Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh điều này với độ tuổi thực tế của người tham gia, kết quả cho thấy số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư sớm được xác định là dưới 55 tuổi.
Phòng ngừa ung thư nhờ phát hiện tình trạng lão hoá sớm
Những người sinh từ năm 1965 trở đi có nguy cơ lão hóa nhanh hơn 17% so với những người sinh từ năm 1950 - 1954.
Ruiyi Tian - một sinh viên tốt nghiệp Đại học Washington, Mỹ và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: “Không giống như tuổi theo thời gian, tuổi sinh học có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, sức khỏe tâm thần và các yếu tố gây căng thẳng từ môi trường”.
Tiến sĩ Anna Blaes, người nghiên cứu ảnh hưởng của lão hóa sinh học ở những người sống sót sau ung thư tại Đại học Minnesota chia sẻ với trang CNN rằng, kết quả có thể giúp các nhà khoa học tìm ra ai có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn khi còn trẻ.
Có thể thấy rằng, ngày càng có nhiều người trẻ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hoá và ung thư vú. Nếu bạn có thể xác định một người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư do tế bào của họ bị lão hoá nhanh, họ có thể thay đổi lối sống như dinh dưỡng, vận động, ngủ để phòng ngừa bị ung thư.
Những người có tốc độ lão hoá nhanh có nguy cơ mắc ung thư phổi khởi phát sớm gấp đôi so với người có tốc độ lão hoá chậm. Họ cũng có nguy cơ mắc khối u dạ dày cao hơn 60% và nguy cơ mắc ung thư tử cung cao hơn 80%.
Ruiyi Tian cho biết, phổi có nhiều nguy cơ bị lão hoá cao hơn so với các mô khác vì khả năng tái tạo của chúng bị hạn chế. Trong khi đó, ung thư dạ dày và ruột có liên quan đến chứng viêm, tình trạng này trở nên trầm trọng hơn khi lão hóa.
Các nhà nghiên cứu từ Hàn Quốc đã nghiên cứu hơn 2,9 triệu người và phát hiện ra rằng, những người bỏ thuốc lá có nguy cơ mắc tất cả các loại ung thư thấp hơn so với người không bỏ thuốc.
Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới nhiều loại ung thư ở phổi, dạ dày, đại trực tràng, gan, tuyến tụy và thận.
Ngủ không đủ giấc cũng có thể làm tăng tuổi sinh học, cũng như tình trạng thừa cân và béo phì.
Tất cả những yếu tố này góp phần làm gia tăng số ca ung thư ở độ tuổi dưới 50.
Các trường hợp ung thư ruột kết đặc biệt gia tăng, với tỷ lệ chẩn đoán tăng 50% ở người trưởng thành dưới 50 tuổi tại Mỹ kể từ năm 1999. Các chuyên gia cảnh báo tỷ lệ tử vong do ung thư ruột kết ở những người trẻ tuổi cũng dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.