Bản án thích đáng cho kẻ sát hại nam Việt kiều

Ngày 07/10/2014 21:36 PM (GMT+7)

Chỉ vì không thuê được phòng, bị hại khó chịu bỏ đi mà Chơn dùng dao cướp sinh mạng của người này.

Đêm định mệnh

Danh Chơn (SN 1989) run rẩy, đôi chân cứ khụy xuống, giọng vang lên khô khốc khi đứng trước vành móng ngựa ở Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM ngày 7/10/2014. Chơn khai, có gốc là người dân tộc Khơ Me. Gã sinh ra trong một gia đình khó khăn ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Từ ấu thơ, gã đã quen với những bữa cơm không thức ăn. Đến tuổi đi học, Chơn thấy đám bạn đồng trang lứa được đến trường mà thèm thuồng vô hạn. Gã ước một lần được cầm quyển sách, nắm cây bút, ngồi trong lớp học, tuy nhiên, đó mãi mãi là ước mơ. Bởi, cơm không có ăn, áo không có mặc thì nói gì đến chuyện kiếm tìm con chữ.

Khi đám bạn đang bận cười đùa thì Chơn đã lặn lội đồng sâu bắt con tôm, con tép cải thiện bữa ăn. Lớn lên, gã theo người quen lên thành phố Vũng Tàu để học nghề sửa xe máy, đồng thời phụ việc và ăn nghỉ tại nhà nghỉ T.H. Ngày bước lên thành phố, gã bất ngờ lắm. Gã thấy cái gì cũng lạ, cũng mới. Gã từng nghĩ, đây là bước đổi đời của chính mình.

Bản án thích đáng cho kẻ sát hại nam Việt kiều - 1

Chơn hối hận, mong được giảm án để sớm trở về làm lại cuộc đời

Từ trước đến nay, Chơn chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ được ăn ngon, mỗi tháng lại thừa mấy triệu đồng gửi về quê. Gã siêng lắm, chủ sai gì cũng làm. Bởi, gã tin, nhờ chủ mà mình thoát được cảnh nghèo ở xứ miệt vườn.

Có lẽ, cuộc đời của Chơn sẽ mãi đẹp như thế nếu không có đêm định mệnh xảy ra. Tối 19/7/2013, gã đang ngồi nhậu với quản lý nhà nghỉ là anh Phạm Đăng Quang (35 tuổi) thì anh Liên Quốc Vinh (37 tuổi, Việt kiều Pháp) bước vào thuê phòng. Anh Vinh thấy mọi người đang vui vẻ thì cũng sáp lại uống vài ly.

Một lúc sau, anh Quang yêu cầu anh Vinh đưa giấy tờ tùy thân để đăng ký tạm trú. Anh Vinh nói, không có giấy tờ tùy thân mà chỉ có giấy đăng ký xe mô tô nhưng người khác đứng tên. Anh Quang không cho anh Vinh thuê phòng. Nghe nói vậy, anh Vinh liền bảo: “Không cho thuê thì đi chỗ khác thuê. Có tiền thì thuê chỗ nào chẳng được” rồi bỏ đi.

Chơn nghe nói vậy thì cho rằng anh Vinh có tiền nên hách dịch. Gã chạy vào nhà nghỉ, lấy một con dao rồi rú xe máy đuổi theo. Khi đến số nhà 47 đường Yên Bái, gã đuổi kịp. Không chút nghĩ ngợi, gã rút dao đâm vào người anh Vinh rồi bỏ chạy. Anh Vinh được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương đâm thấu bụng, thủng gan nên tử vong. Đến ngày 20/7/2013, hung thủ đầu thú.

Hối hận muộn màng

Chơn lí nhí: “Lúc đó, trong người bị cáo đã có hơi men. Bị cáo thấy thái độ của anh Vinh rất khó chịu thì giận nên mới hành sự lỗ mãng như thế. Bị cáo không thể ngờ, chỉ vì một nhát dao của mình mà cướp đi sinh mạng của người khác”.

Vị chủ tọa nhẹ nhàng phân tích: “Lời nói của anh Vinh, nếu không cho thuê thì đi chỗ khác thuê là rất bình thường. Thế nhưng, bị cáo lại suy diễn, cho rằng anh Vinh cậy có tiền hách dịch và dùng dao rượt theo đâm gây tử vong. Hành động của bị cáo là quá côn đồ”.

Chơn cúi gầm mặt: “Thưa. Bị cáo không hề có ý định sát hại anh Vinh. Bị cáo chỉ muốn đe dọa thôi”. Chủ tọa vẫn giữ nguyên giọng: “Người ta không đả động gì đến mình mà bị cáo lại dùng dao đâm? Bị cáo đe dọa mà lại cướp đi sinh mạng của người ta? Bị cáo ngẫm lại đi, lời bao biện như thế có ai tin được không?”.

Bản án thích đáng cho kẻ sát hại nam Việt kiều - 2

Mức án chung thân là sự khoan hồng lớn của pháp luật đối với Chơn

Chơn vẫn không dám ngẩng đầu: “Bị cáo biết, hành vi của mình là sai. Chỉ trong một chút tức giận, không kìm chế được mình mà bị cáo đã gây ra án mạng. Khoảng thời gian qua, ngồi trong phòng tạm giam, bị cáo nghĩ rất nhiều. Bị cáo hối hận lắm. Đến phiên tòa này, bị cáo chỉ mong mình nhận được sự khoan hồng của pháp luật, được giảm án, sớm trở về làm lại cuộc đời”.

Giờ nghị án chóng vánh, Tòa nhận định, hành vi phạm tội của Chơn thực hiện và hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo đã xâm hại khách thể quan trọng là quyền sống của con người, tước đi sinh mạng của anh Vinh, gây tang tóc, đau thương cho gia đình bị hại. Đồng thời, hành vi của Chơn cũng gây ảnh hưởng rất xấu đến trật tự trị an địa phương.

Đáng nhẽ, phải dùng hình phạt cao nhất để xử phạt. Tuy nhiên, xét bị cáo là người dân tộc Khơ me, không biết chữ, sau khi phạm tội đến cơ quan đầu thú, thái độ khai báo thành khẩn nên mức án chung thân là phù hợp. Do đó, Tòa bác đơn kháng cáo của Chơn, tuyên y án chung thân về tội Giết người.

Khôi Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot