Chi tiền triệu xem bói đầu năm

Ngày 19/02/2013 08:35 AM (GMT+7)

Có những người nhẹ dạ cả tin, sẵn sàng chi tiền triệu để đổi lấy một vài lời phán bâng quơ của thầy bói.

Loạn bói đầu năm

Từ nhiều năm nay, những ngày đầu xuân được xem là dịp hốt bạc của không ít người trong đó có các thầy bói. Lợi dụng sự cả tin, sự mong mỏi muốn biết trước tương lai của người dân, các thầy bói đã hoạt động hết công suất trong những ngày đầu năm. Nếu như trước đây, hiện tượng xem bói thực hiện lén lút thì những năm trở lại đây, các thầy bói ngang nhiên hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật. Có người xem bói tại nhà, có người xem bói ở chùa, đền có thầy lại ung dung bói dạo khắp các công viên, vườn hoa... phớt lờ những quy định cấm của luật pháp.

Năm nay cơ quan tôi làm việc sớm hơn mọi năm nên mùng 4 Tết chúng tôi đã có mặt tại Hà Nội. Tôi cùng mấy người bạn cũ lang thang đến một số công viên ngắm cảnh. Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là vườn thú Thủ Lệ, đây vẫn là nơi được nhiều người, nhất là giới trẻ lựa chọn để đi chơi trong những ngày nghỉ lễ, tết. Do đó, công viên Thủ Lệ là nơi tập trung nhiều "thầy" hành nghề bói dạo nhất.

Chi tiền triệu xem bói đầu năm - 1
Xem bói là vi phạm nếp sống văn hóa mới và sẽ bị xử phạt tới 3 triệu đồng.

Lúc đứng mua vé vào cổng, tiện thể chúng tôi hỏi cô nhân viên bán vé, sao ở cổng lại có nhiều người bói dạo như vậy. Vừa xé vé, cô nhân viên tên N. cho biết "Ngày trước các "thầy" bói dạo hoạt động mạnh trong công viên, nhưng sau đó bị bảo vệ công viên đuổi nên dạt dần ra bên ngoài cổng để "rình" bắt khách. Tin vào lời phán của cái bọn đó có mà bán nhà chả kịp".

Cứ tưởng các "thầy" bị đuổi dạt ra bên ngoài nên trong công viên vắng bóng dáng các "thầy. Tuy nhiên, khi vào bên trong công viên, chúng tôi vẫn bắt gặp rất nhiều người bói dạo vẫn ngang nhiên hành nghề. Đi một đoạn lại gặp vài ba cô cậu sinh viên đang vây quanh để nghe "thầy" phán. Ra vẻ tò mò, tôi cũng dừng lại để xem "thầy" diễn, vừa cầm tay cô gái độ khoảng 20 tuổi, "thầy" vừa bảo: "Em là người ít nói, tính tình trầm lắng nhưng lại rất đa cảm, ánh mắt em buồn lắm, đặc biệt nốt ruồi phía trên mí mắt sẽ hãm đường chồng con của em sau này, em nên tẩy nốt ruồi ấy đi." Vừa nói đến đây, mặt cô gái trẻ bỗng biến sắc, buồn rười rượi. Đến một cô gái khác, số phận cô này cũng được "thầy" định đoạt chỉ trong vòng... 5 phút.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, chỉ cần dạo qua một số công viên như công viên 30.4, công viên 23.9, công viên Hoàng Văn Thụ không khó để bắt gặp những "thầy bói" giả dạng người đi tập thể dục hay vãn cảnh. Khác với những thầy bói đã có tiếng tăm và cao tay trong các đền, miếu hay điện thờ, các thầy bói "dạo" trông rất bình dân. Đồ nghề của các thầy chỉ là một cái túi vải đựng cuốn tử vi, bộ bài tây, vài đồng tiền xu cũ... "Có coi bói không em, thầy coi tình duyên và tương lai cho" đó là lời mời hàng của thầy bói "dạo" mà mỗi người có thể bắt gặp ở bất cứ một khuôn viên công cộng nào đó ở Tp Hồ Chí Minh.

Không chỉ bói dạo hoành hành tại các thành phố mà ngay cả vùng nông thôn, những "thầy" có tiếng lúc nào cũng tấp nập khách vào ra. Trong số những khách đến xem bói, có cả những ô tô sang trọng đeo biển thành phố cho đến những người nông dân chân chất. Họ đều đến với một mong muốn được nghe thầy phán về vận hạn của năm mới để phòng tránh. Có những nơi, khách phải xếp hàng chờ hàng tiếng đồng hồ để được "thỉnh thầy" trong vài phút. Kẻ vào người ra nườm nượp như trẩy hội.

Trong vai những người xem bói, phóng viên có mặt tại nhà riêng của một "thầy" bói có tiếng ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). Từ sáng sớm, ngôi nhà 2 tầng khang trang đã chật kín người "đặt gạch" để được xem bói. Cái sân gạch rộng rãi đã được xe máy đỗ gần kín đặc, phía ngoài đường cái hàng chục chiếc ô tô đủ loại đỗ san sát nhau.

Chị Nguyễn Thị Hương (32 tuổi, Quốc Oai - Hà Nội), là một trong những người đến sớm nhất cho biết, nghe danh thầy bói này đã lâu, nên nhân dịp được nghỉ đầu năm chị đã dậy từ 4h sáng. Một mình phi xe máy hơn 20 cây số để đến xếp hàng xem bói. Dù đã đi từ rất sớm, nhưng khi đến nơi đã có hơn 10 người khác đứng xếp hàng trước chị. "Tôi nghe mọi người đồn thầy này linh lắm, nên cố gắng thu xếp để đến xem. Thầy phán về tương lai, chưa biết đúng sai thế nào nhưng cũng thấy lo lo chú ạ. Có khi tôi phải đi giải hạn đầu năm cho yên tâm", chị Hương lo lắng cho biết.

Chi tiền triệu xem bói đầu năm - 2
PGS. TS. Trịnh Hòa Bình.

Dựa vào thần linh, thầy bói nhờn luật

Khi biết chúng tôi đang viết bài về tệ nạn bói toán đầu năm, một người bạn có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa dân gian buồn rầu than thở "ngày trước ra ngõ gặp anh hùng, ngày nay ra ngõ thì gặp thầy bói". Lời than thở của ông bạn có phần bi quan nhưng cũng phản ánh khá đúng với thực trạng thầy bói lộng hành dịp đầu xuân năm mới.

Đem câu chuyện xem bói tràn lan như hiện nay, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, một chuyên gia trong lĩnh vực xã hội học cho rằng, thực ra bói toán xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu rồi. Thời chiến tranh, vì cả nước tập trung cho kháng chiến nên người dân không có thời gian cho bói toán. "Khi đất nước phát triển, người dân có của ăn của để, nói như các cụ là phú quý sinh lễ nghĩa, nên người dân năng đi lễ chùa cầu may, xem bói nhiều hơn. Họ coi những câu sấm truyền, những lời đồn thổi như là một sự an ủi để chống lại những thử thách, khó khăn trong cuộc sống", PGS. TS. Trịnh Hòa Bình lý giải về tình trạng loạn xem bói hiện nay.

Cũng theo TS. Trịnh Hòa Bình, trong số những người đi xem bói thì cũng có người đi xem cho vui, coi đó là sự giải trí. Tuy nhiên, đã có không ít người tự nhận mình là thầy bói, có khả năng siêu nhiên để trục lợi, lạm dụng lòng tin để lấy tiền, từ đó hình thành một nhóm nghề: Nghề thầy bói. Với những người này, ông Bình cho rằng xã hội cần lên án, tẩy chay, thậm chí là tố cáo với cơ quan chức năng chứ không nên mắc bẫy họ. "Tôi nghĩ rằng xem bói để mua vui, lành mạnh thì không có gì xấu, thậm chí nó còn có điểm tốt, vì ít nhiều giúp con người chùn bước trước khi chạm tay vào điều xấu. Tuy nhiên, với những người lợi dụng điều đó để truyền bá mê tín dị đoan thì cần lên án mạnh mẽ", ông Bình chia sẻ.

Dưới góc độ phát luật, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, tình trạng xem bói, mê tín dị đoan đã được quy định tại điều 247 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người tuyên truyền mê tín dị đoan, bói toán có thể bị phạt hành chính, cải tạo không giam giữ thậm chí phạt tù tùy theo từng mức độ vi phạm. Từ trước đến nay, các cơ quan chức năng đã nhiều lần xử lý việc bói toán, đồng cốt nhưng tình trạng trên vẫn đang tiếp diễn ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, cái khó của việc xử phạt những thầy bói, thầy đồng là do những chế tài xử phạt. Bởi, trong trường hợp những người bói toán phải gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng mới mạnh tay xử lý được. Trong khi đó, những nạn nhân dù vì nghe "thầy" mà hành động sai trái hay gặp rủi ro cũng không dám đi báo công an. Bởi họ sợ người dân chê cười là tin theo mê tín.

Bên cạnh đó, người Việt Nam có tâm lý có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Chính các cơ quan chức năng nhiều khi cũng không dám động vào những nơi linh thiêng, những miếu mạo của các thầy. Bởi, dù là công an, họ cũng là con người. Cũng có tâm lý lo lắng khi động đến vấn đề tâm linh, vấn đề tế nhị. Chính vì thế, chế tài có nhưng nhiều khi đám thầy bói, thầy đồng vẫn ung dung, không lo sợ vì mình đã có "thần linh" bảo kê.

Theo Hà Khê (Người đưa tin)
Nguồn:

Tin liên quan