Nguyễn Thị Ánh Viên đã khép lại kỳ SEA Games 28 với thành tích 8 HCV, đồng thời phá 8 kỷ lục của đại hội. Thế nhưng dưới con mắt các chuyên gia, để có thành công ở Asiad hay cao hơn là Olympic, Ánh Viên cần phải nỗ lực thêm 2-3 năm nữa.
Ánh Viên vượt mặt huyền thoại Yoscelin Yeo
Với việc đoạt 8 HCV, Ánh Viên chính thức vượt mặt huyền thoại Yoscelin Yeo (Singapore) để trở thành VĐV đoạt nhiều HCV cá nhân nhất tại một kỳ SEA Games.
22 năm trước, cũng ở kỳ SEA Games trên sân nhà (1993), Yoscelin Yeo đã thiết lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi giành tới 9 HCV. Tuy nhiên, nữ VĐV này chỉ giành 7 HCV cá nhân, 2 chiếc còn lại là HCV đồng đội. Trong khi đó, cả 8 HCV của Ánh Viên đều ở hạng mục cá nhân.
Những thành tích vang dội của Ánh Viên khiến người hâm mộ nước nhà nức lòng. Chưa bao giờ trong lịch sử tham dự các kỳ đại hội thể dục thể thao Đông Nam Á, đoàn Việt Nam lại có một VĐV xuất sắc như vậy.
Ánh Viên đã có một kỳ SEA Games đáng nhớ
Thành công của Ánh Viên đến từ đâu?
Có nhiều nguyên nhân tạo lên sự thành công của “tiểu tiên cá” người Cần Thơ. Theo những chuyên gia hàng đầu, từng nhiều năm gắn bó với thể thao thành tích cao ở Việt Nam như ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao hay Giáo sư Dương Nghiệp Chí – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục Thể thao, thì nó bao gồm, tài năng bẩm sinh, nỗ lực cá nhân và sự đầu tư đúng hướng của nhà nước.
“Ánh Viên là một tài năng hiếm có của thể thao Việt Nam. Những gì Ánh Viên thể hiện tại SEA Games lần này là rất đáng khen ngợi. Tôi cho rằng sự tiến bộ của Ánh Viên trong khoảng 2 năm trở lại đây là do đã có cơ hội sang Mỹ tập huấn.
Ở Mỹ, cơ sở vật chất tốt hơn, chế độ dinh dưỡng tốt hơn, được cọ xát với những VĐV hàng đầu thế giới nên thành tích của Ánh Viên tăng lên. Nếu chỉ tập luyện trong nước thì rất khó để có thể đua tranh với những VĐV của Singapore hay thậm chí cả Thái Lan”, Giáo sư Dương Nghiệp Chí nêu quan điểm.
Niềm vui của Ánh Viên. Ảnh: Hiền Anh
Về việc liệu Ánh Viên đã đủ sức để giành HCV tại Asiad hay Olympic hay chưa, Giáo sư Dương Nghiệp Chí tin rằng, đó là điều hoàn toàn có thể, nhưng không phải chuyện một sớm một chiều, mà cần thêm từ 2-3 năm nỗ lực tập luyện nữa: “Thời điểm này, Ánh Viên vẫn còn khoảng cách với các VĐV hàng đầu, nhưng nó có thể được san lấp trong khoảng 2-3 năm nữa. Khi ấy, Ánh Viên có thể giành HCV ở những giải đấu danh giá nhất. Ánh Viên mới 19 tuổi và còn có thể phát triển trong một vài năm nữa”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, nhấn mạnh thành công của Ánh Viên đã cho thấy sự đầu tư đúng đắn của nhà nước đối với một số môn thể thao trọng điểm.
“Gần 20 năm liền, HCV bơi lội là điều xa xỉ với thể thao Việt Nam. Phải tới SEA Games năm 2005, Nguyễn Hữu Việt mới giải cơn khát ở nội dung 100m ếch nam. Tới SEA Games 27 năm 2013 chúng ta đã có 5 HCV.
Còn ở kỳ SEA Games này, chúng ta nâng số HCV lên gấp đôi (10). Đó là một sự thăng tiến rất lớn và cho thấy sự đầu tư của chúng ta đang đi đúng hướng”, ông Nguyễn Hồng Minh phân tích.
Theo các chuyên gia, Ánh Viên sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong vài năm tới mới mong có được thành công tại các đấu trường lớn hơn. Ảnh: Hiền Anh
“Ánh Viên là một VĐV xuất sắc của thể thao Việt Nam và là một bằng chứng cho thấy, khi một tài năng được phát hiện và đầu tư đúng cách thì sẽ phát triển rất tốt. Ở Việt Nam không thiếu những trẻ em có tố chất và quan trọng là cần phải sớm phát hiện để bồi dưỡng.
Tôi cho rằng, chuyện Ánh Viên giành HCV tại Asiad hay Olympic không phải là điều xa vời. Thực tế thì năm ngoái, Ánh Viên cũng đã có 2 HCĐ ở Hàn Quốc. Chỉ cần nỗ lực tập luyện hơn nữa thì có thể thu hẹp khoảng cách với các VĐV hàng đầu”, nguyên vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao nói thêm.
HLV Đặng Anh Tuấn, người trực tiếp chỉ dạy Ánh Viên trong vài năm trở lại đây và cũng đồng hành cùng cô gái người Cần Thơ tại SEA Games 28, thì lại nhấn mạnh tới những yếu tố như ý chí, nghị lực và cả kỷ luật thép trong hành trình bứt phá bản thân của cô học trò.
“Tất nhiên, để đào tạo VĐV đạt trình độ châu Á và thế giới cần tuân thủ quy trình nghiêm ngặt về khoa học huấn luyện, các tố chất thể lực cũng như dinh dưỡng, hồi phục. Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu được là ý chí và nghị lực của VĐV để đảm bảo được yêu cầu về cường độ huấn luyện và khối lượng tập luyện”, HLV Đặng Anh Tuấn chia sẻ với độc giả Zing.
Mục tiêu lớn của Ánh Viên
HLV Đặng Anh Tuấn khẳng định, mục tiêu của Ánh Viên trong thời gian tới là giành HCV tại Asiad và Olympic. “Mục tiêu của 1 VĐV đỉnh cao là đứng trên bục cao nhất ở một kỳ Thế vận hội. Tuy nhiên, con đường dẫn đến một nhà vô địch rất khó khăn.
Tỷ phú đô la rất nhiều nhưng nhà vô địch thế giới chỉ có một. Do đó, Ánh Viên cần nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể trở thành nhà vô địch. Ánh Viên sẽ tiếp tục quy trình huấn luyện không chỉ ở Mỹ mà còn với nhiều đồng đội như nhà vô địch thế giới 400 m tự do Federica của Italy”, ông Tuấn nói.
Về phía mình, Ánh Viên cũng thừa nhận, thời điểm này cô vẫn còn khoảng cách với các VĐV hàng đầu thế giới, nhưng khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để hướng tới mục tiêu giành HCV Olympic. "Mục tiêu của em là giành huy chương ở Olympic, cụ thể là ở các nội dung sở trường như 400m hỗn hợp, 400 m - 800m bơi sải”, kình ngư 19 tuổi cho biết.