Con tôi phải xem điện thoại mới chịu ăn, lâu dần có sợ hại mắt?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 13/05/2021 16:25 PM (GMT+7)

Mỗi lần cho ăn mẹ lại phải dùng điện thoại để dụ con, liệu điều đó có làm ảnh hưởng đến mắt của trẻ? Ths.BS Mai Thị Anh Thư - Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) sẽ giúp các bậc phụ huynh giải đáp vấn đề này.

Thu Huyền (huyenat***@gmail.com)

Chào bác sĩ, con tôi hiện được 20 tháng, cũng giống như nhiều đứa trẻ khác, mỗi khi con quấy khóc, mỗi khi cho con ăn, tôi đều phải "nịnh" bằng cách cho xem điện thoại. Việc cho xem điện thoại từ lúc còn nhỏ như vậy liệu có ảnh hưởng gì đến mắt không ạ?

Con tôi phải xem điện thoại mới chịu ăn, lâu dần có sợ hại mắt? - 1
Ths.BS Mai Thị Anh Thư

Điều này phải tùy thuộc vào thời gian bạn cho con xem trong thời gian bao lâu, tần suất nhiều hay ít. Tất nhiên là bác sĩ thì không bao giờ khuyến cáo cho con xem điện thoại, còn trong trường hợp bắt buộc thì chỉ cho con xem 5-10 phút phải dừng lại chứ không nên kéo dài.

Bởi việc nhìn xa khi xem điện thoại là rất khó, mà nhìn gần, nhìn lâu sẽ ảnh hưởng. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động ngoài trời, kể cả khi cho con ăn uống.

Quốc Quân (langtuvotinh***@yahoo.com)

Thưa bác sĩ, con em năm nay học lớp 6, cháu đã đeo kính 2 năm nay và thường xuyên dùng tay bóp gọng kính, khi hỏi cháu nói rằng do kính bị lỏng đeo hay tụt xuống mũi nên bóp vào cho chặt. Bác sĩ cho em hỏi việc làm đó có ảnh hưởng đến trục của kính và làm tăng độ cận của mắt không ạ? Bác sĩ tư vấn giúp em về cách tháo lắp kính an toàn khi đeo?

Con tôi phải xem điện thoại mới chịu ăn, lâu dần có sợ hại mắt? - 1
Ths.BS Mai Thị Anh Thư

Điều này chắc chắn là có ảnh hưởng, vì thế điều đầu tiên là phải để ý xem chất lượng của gọng kính, nếu gọng không phù hợp với khuôn mặt, hoặc gọng dùng lâu bị hỏng thì cần thay thế.

Để biết được điều đó thì bố mẹ phải hết sức lưu ý khi quan sát. Theo đó, khi quan sát thì chú ý gọng kính chạy song song 2 bên tai, nếu rộng quá hoặc chật quá đều không được. Còn nếu như gọng kính không tốt sẽ làm tâm kính xê dịch so với tâm của mắt, lúc đó khiến chất lượng nhìn sẽ kém.

Còn chuyện tháo kính sao cho đúng thì nên cầm cả 2 tay vào 2 bên càng kính sau đo rút ra là chuẩn nhất. Bởi theo thói quen nhiều bạn dùng một tay kéo gạt sang, như vậy là sai. Ngoài ra không chạm tay vào mắt kính, nếu đã chạm vào thì cần rửa và lau sạch.

Bảo Lam (congchuanho***@yahoo.com)

Con tôi năm nay 13 tuổi, mới đi khám và xác định bị cận bắt buộc phải đeo kính. Dù lúc cắt kinh cháu cũng đã được thử khá kỹ tuy nhiên, thời gian gần đây khi đeo kính được 2 tháng cháu liên tục kêu bị nhức mắt, đau đầu? Bác sĩ cho tôi hỏi, khi đeo kính bị tình trạng như vậy có làm sao không ạ?

Con tôi phải xem điện thoại mới chịu ăn, lâu dần có sợ hại mắt? - 1
Ths.BS Mai Thị Anh Thư

Ngay từ thời điểm con bắt đầu đeo kính, bạn và bé cần xem kính đã phù hợp chưa, tâm kính đã đi song hành với mắt hay chưa, còn nếu đeo sau 2 tháng rồi mới xuất hiện tình trạng đó thì mẹ cần cho con đi khám để kiểm tra xem có vấn đề gì về mắt hay không, có thể là cháu đã bị tăng độ cận.

Bởi ở các bạn trẻ, nhất là giai đoạn dậy thì, đôi khi chỉ 2-3 tháng, độ cận cũng thay đổi, chứ không phải đợi đến 6 tháng. Nguyên nhân là do ở độ tuổi vị thành niên, các bạn thích nhìn gần nhiều, thích xem nhiều trên thiết bị thông minh, hơn nữa nhãn cầu của trẻ cũng tăng kích thước, mà chỉ cần tăng 1mm nhãn cầu thì sẽ bằng 3 độ cận.

Con tôi phải xem điện thoại mới chịu ăn, lâu dần có sợ hại mắt? - 4

 
Với trường hợp trên, trẻ ở độ tuổi bước vào giai đoạn dậy thì, nên việc tăng độ cận là khó tránh,  việc điều tiết mắt ở trẻ cũng bất ổn ở giai đoạn này nên dễ gây ra nhức mỏi.

Tiến Nhi (nhihoaban***@gmail.com)

Chào bác sĩ, con tôi mới 5 tuổi, cháu bị cận 4 độ và phải đeo kính, nhưng cháu vẫn đang tuổi chơi và chống đối không muốn đeo, nói rằng rất vướng không đá bóng được. Bác sĩ cho hỏi, con tôi có thể đeo kính áp tròng được không ạ? Cận 4 độ như con tôi thì có phẫu thuật được không ạ?

Con tôi phải xem điện thoại mới chịu ăn, lâu dần có sợ hại mắt? - 1
Ths.BS Mai Thị Anh Thư

Kính áp tròng ở trường hợp này có thể đeo được, tuy nhiên bố mẹ cần đặc biệt chú ý tới việc vệ sinh mắt cho bé, với độ tuổi này bác sĩ không hề khuyến khích cho bé đeo kính áp tròng vì khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam.

Còn việc trẻ không hợp tác khi đeo kính là điều dễ hiểu, bố mẹ cần tập cho con đeo kính không số trước cho con quen với việc đeo kính trên mắt, sau khi quen rồi thì chuyển cho con kính có số. 

Với trẻ như trường hợp trên thì kính gọng là tối ưu nhất, trường hợp bất khả kháng thì có thể dùng kính áp tròng. Còn phẫu thuật cận với trường hợp này là chống chỉ định.
 

Thanh Tâm (tamttl@gmail.com)

Bác sĩ ơi, con tôi 15 tuổi bị cận thị phải đeo kính, tuy nhiên khi có bạn đến nhà thì nói rằng tuổi này có thể chữa được bằng cách vận động mắt như xoa bóp, bấm huyệt, luyện nhìn xa vào cây xanh vào buổi sáng, kết hợp với nhỏ thuốc. Tôi đang phân vân không biết có nên thực hiện không? Bác sĩ cho tôi xin lời khuyên với ạ?

Con tôi phải xem điện thoại mới chịu ăn, lâu dần có sợ hại mắt? - 1
Ths.BS Mai Thị Anh Thư

Tôi phải khẳng định việc tập luyện mắt, xoa bóp bấm huyệt không thể chữa được hay giảm được độ cận thị. Việc nhìn vào cây xanh chỉ là phương pháp giúp mắt chống mỏi được tốt hơn, còn không có chuyện làm như vậy hết được cận thị.

Có một số trường hợp đeo kính cận quá số hoặc cận giả mà sau khi tập luyện có thể thấy giảm độ cận, khiến mọi người nghĩ là tập luyện là phương pháp giảm cận. Tuy nhiên, thực tế thì đó là do trước đó chẩn đoán chưa đúng.
 

Không phải ánh sáng xanh từ điện thoại, đây mới là nguyên nhân khiến trẻ bị cận thị gia tăng
Để không bị cận thị điều quan trọng nhất là phải thay đổi thói quen trong sinh hoạt, đặc biệt là thói quen nhìn gần các thiết bị điện tử.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan