Chúng ta thường vẫn thường chỉ quan tâm đến một số tật khúc xạ như cận thị và loạn thị mà quên mất rằng nhược thị cũng là một trong những tật khúc xạ nguy hiểm và rất dễ nhầm lẫn với cận thị.
Vào ngày 1/2, trang Weibo của ngôi sao Đài Loan Trung Quốc Giả Tịnh Văn bất ngờ chia sẻ về việc con gái cô phát hiện thị lực của mình bất thường trong kỳ kiểm tra định kỳ ở trường. Hóa ra con gái của Tịnh Văn bị tật nhược thị ở hai mắt.
Bác sĩ điều trị giải thích, nhược thị là bẩm sinh, sau khi sinh thì chỉ có một bên mắt không tốt, nhưng cha mẹ sẽ rất khó nhận ra bất kỳ triệu chứng nào.
May mắn thay, bệnh nhược thị được phát hiện khi cô bé mới 5 tuổi, đang trong giai đoạn điều trị tốt, Giả Tịnh Văn cũng nhắc nhở các bậc phụ huynh rằng bệnh nhược thị không có biểu hiện gì về ngoại hình nên chúng ta phải chú ý khám mắt thường xuyên cho trẻ, nhằm mục đích phát hiện sớm và điều trị sớm.
Nhược thị là gì?
Bác sĩ Tiếu Chí Cương, Phó Khoa nhãn khoa, Bệnh viện Nhi đồng Hồ Nam, Trung Quốc cho biết nhược thị là tình trạng giảm thị lực không thể cải thiện được bằng cách đeo kính hoặc dùng kính sát tròng và cũng không do bất kỳ bệnh nào về mắt gây ra.
Nguyên nhân dẫn đến nhược thị
Nhược thị có thể phát triển từ những vấn đề về thị lực và những vấn đề khác của mắt. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra nhược thị ở trẻ.
1. Lác
Đó là khi mắt hướng về hai hướng khác nhau. Một mắt có thể được tập trung thẳng về phía trước trong khi mắt kia di chuyển vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống phía dưới. Để tránh bị song thị, não của đứa trẻ có thể bỏ qua hình ảnh từ mắt không tập trung nhìn thẳng. Nhưng điều này có thể làm cho mắt không phát triển bình thường.
2. Tật khúc xạ
Có tật khúc xạ có nghĩa là bị cận thị,viễn thị hoặc có bệnh loạn thị (nhìn hình méo hoặc mờ). Một đứa trẻ có thể có một tật khúc xạ nặng hơn ở một mắt. Mắt đó có thể nhìn kém hoặc không nhìn thấy và thị lực sẽ không phát triển bình thường. Điều này có thể làm cho chúng ta khó nhận ra con mình có vấn đề vì thị lực của trẻ vẫn bình thường khi nhìn bằng cả hai mắt.
3. Hiện tượng đục các thành phần trong suốt của mắt
Một số trẻ được sinh ra với bệnh lý đục thủy tinh thể, nơi thấu kính bình thường của mắt bị đục. Điều này làm cho thị lực của mắt không phát triển bình thường được.
Nhiều bậc cha mẹ quan tâm hơn đến việc con có bị cận thị không. Trên thực tế, tác hại của nhược thị còn lớn hơn nhiều so với cận thị, nói chung, cận thị có thể được bình thường hóa bằng cách điều chỉnh thị lực sau khi đeo kính, nhưng dù người nhược thị có đeo kính điều chỉnh thì mọi vật vẫn bị mờ.
Người bị nhược thị sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập và cuộc sống như dễ bị ngã, không thể tham gia lái xe, đo đạc, vẽ tranh ... Nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến người bệnh bị mất thị lực nghiêm trọng và bị liệt hai mắt. Vì vậy, điều trị nhược thị càng sớm càng tốt, thời kỳ cửa sổ nhạy cảm để điều trị nhược thị là 3-6 tuổi, hiệu quả điều trị nhược thị của trẻ trên 6 tuổi giảm đi rõ rệt.
Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh nhược thị ở trẻ em?
Quay trở lại với trường hợp con gái của Giả Tịnh Văn, nếu có thể kiểm tra chuyên môn về thị lực của trẻ trước khi đi học mẫu giáo lúc 3 tuổi thì có thể phát hiện nhược thị trước 3 tuổi, như vậy hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn và khả năng hồi phục tốt hơn.
Có một cách kiểm tra rất đơn giản dành cho cha mẹ để tìm hiểu xem liệu con có các vấn đề về thị lực hay không. Phụ huynh đứng cách xa trẻ 2 mét, tay cầm hình ảnh một con vật mà trẻ biết, dùng tay trẻ bịt một mắt, yêu cầu trẻ nhận diện hình ảnh trước mắt, sau đó làm lại với mắt còn lại.
Nếu trẻ nhận diện với tốc độ nhanh, chính xác ở 2 mắt giống nhau thì chứng tỏ cả hai mắt đều có thị lực tốt. Nếu một mắt nhận biết nhanh và chính xác, còn mắt kia nhận diện chậm và mắc nhiều lỗi thì phải nghi ngờ một mắt có vấn đề và đến gặp bác sĩ nhãn khoa chuyên nghiệp để kiểm tra càng sớm càng tốt.