Không phải ánh sáng xanh từ điện thoại, đây mới là nguyên nhân khiến trẻ bị cận thị gia tăng

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 01/05/2021 14:30 PM (GMT+7)

Để không bị cận thị điều quan trọng nhất là phải thay đổi thói quen trong sinh hoạt, đặc biệt là thói quen nhìn gần các thiết bị điện tử.

Không phải ánh sáng xanh từ điện thoại, đây mới là nguyên nhân khiến trẻ bị cận thị gia tăng - 1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ - Bác sĩ Mai Thị Anh Thư - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2

Không phải ánh sáng xanh từ điện thoại, đây mới là nguyên nhân khiến trẻ bị cận thị gia tăng - 2

Thạc sĩ, bác sĩ Mai Thị Anh Thư

Báo động tình trạng trẻ cận thị ở lứa tuổi học sinh

Tình trạng cận thị không chỉ riêng ở Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng đang có tỷ lệ cận thị gia tăng cực kỳ cao. Một nghiên cứu gần đây nhất công bố năm 2016, dựa trên dần 2000 nghiên cứu nhỏ cho thấy năm 2010 tỷ lệ cận thị đạt đến 30% dân số thế giới, đến năm 2020 con số này lên đến 40% và đến 2050 con số sẽ đạt 50% số dân cư bị cận thị, có nghĩa là một nửa dân số thế giới sẽ bị cận thị.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Mắt Trung ương cũng đã có nghiên cứu tổng hợp dành riêng ở lứa tuổi học sinh bị cận thị. Theo đó, năm 2019 tỷ lệ cận thị học đường đã đạt đến 30%, dự báo tỷ lệ cận thị ở học sinh đến năm 2050 có thể đạt con số 50%, đặc biệt là học sinh THPT. Như vậy có thể thấy rằng tỷ lệ cận thị trong học sinh là rất cao.

Cận thị ở thành thị cao hơn ở nông thôn

Đến nay, cơ chế gây ra cận thị chưa rõ ràng, có một số nghiên cứu đưa ra rằng cận thị liên quan đến yếu tố cơ địa, gia đình, di truyền… nhưng điều đó chưa đủ thuyết phục để giải thích cho việc tại sao cận thị lại xuất hiện ở học sinh nhiều.

Yếu tố thường được nói đến nhiều đó là lối sống, có nghĩa là giảm hoạt động ngoài trời trong khi có quá nhiều hoạt động trong nhà và hoạt động nhìn gần. Ngoài ra, cận thị cũng liên quan đến yếu tố khác như chế độ ăn uống, cường độ ánh sáng…

Như vậy, lối sống được nhắc đến khá nhiều, đặc biệt ở học sinh thành thị khi mọi hoạt động được gói gọn trong phòng, hoạt động ngoài trời ít. Đó cũng là lý do khiến tỷ lệ học sinh ở thành thị cao hơn học sinh ở nông thôn.

Không phải ánh sáng xanh từ điện thoại, đây mới là nguyên nhân khiến trẻ bị cận thị gia tăng - 3

Việc nhìn gần, đặc biệt khi dùng thiết bị điện tử là nguyên nhân gây nên các tật khúc xạ ở trẻ. (Ảnh minh họa)

Thiết bị công nghệ làm gia tăng tỷ lệ cận thị

Từ các nguyên nhân gây ra cận thị như đã nói trên có thể thấy yếu tố về các thiết bị công nghệ rất rõ ràng, điều này phù hợp với cơ chế của cận thị. Thực tế cho thấy, trong thế giới công nghệ thời buổi hiện này, nhất là do ảnh hưởng của COVID-19, trẻ phải học trực tuyến nhiều nên sẽ dễ ảnh hưởng đến mắt. Sau mỗi đợt học trực tuyến ấy số trẻ ở độ tuổi học đường đến khám về mắt có gia tăng.

Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy, sử dụng thiết bị điện tử, học online quá nhiều thì tỷ lệ cận, tăng độ cận có tăng lên. Yếu tố tác động nhiều nhất của thiết bị công nghệ đối với cận thị đó là thời gian nhìn và khoảng cách nhìn gần, còn ánh sáng xanh trong các thiết bị chỉ là yếu tố phụ.

Theo đó, thời gian nhìn thiết bị quá lâu, khoảng cách nhìn thiết bị điện tử quá gần là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến mắt nói chung và gia tăng tình trạng cận thị nói riêng.

Thời gian, khoảng cách khi nhìn thiết bị điện tử bao nhiêu là đủ?

Ở lứa tuổi học sinh, môi trường học tập với nhiều thiết bị điện tử như hiện nay rất khó tránh được. Với chế độ học tập ở trên lớp trẻ cần tuân thủ quy định học 1 tiết, nghỉ 5 phút và khuyến khích học sinh giờ ra chơi nên hoạt động ngoài trời.

Đặc biệt, không chỉ học sinh mà ngay cả dân văn phòng làm việc máy tính nhiều cần tuân thủ quy tắc 20-20-20. Có nghĩa là làm việc 20 phút sẽ nghỉ 20 giây và nhìn xa 20 feet (6 mét). Nguyên tắc này đã được áp dụng từ lâu ở các nước châu Âu, còn tại Việt Nam gần đây mới được nhắc tới và mọi người chưa thực hiện một cách nghiêm túc.

Không phải ánh sáng xanh từ điện thoại, đây mới là nguyên nhân khiến trẻ bị cận thị gia tăng - 4

Việc đọc sách cũng cần đảm bảo khoảng cách để không bị cận thị. (Ảnh minh họa)

Về khoảng cách nhìn với các thiết bị điện tử, có công thức chung là khoảng cách nhìn bằng 4 lần đường chéo của màn hình thiết bị. Ví dụ như với tivi thường khoảng cách trung bình khoảng 3-4 mét là hợp lý. Còn với điện thoại, ipad thì các bác sĩ nhãn khoa không bao giờ khuyến khích sử dụng, kể cả khi học online cũng nên ngồi máy tính bàn để có màn hình to, khoảng cách sẽ xa hơn, đỡ ảnh hưởng đến mắt hơn.

Dấu hiệu trẻ có biểu hiện tật khúc xạ

Về dấu hiệu nhận biết, thường trẻ không kêu với bố mẹ về tình trạng cận thị, tuy nhiên bố mẹ cần phải chú ý các dấu hiệu như trẻ hay nháy mắt, dụi mặt, mỏi mắt, chảy nước mắt sau thời gian ngồi gần hay nhìn gần một lúc. Hoặc có thể trẻ nheo mắt để nhìn rõ hơn.

Ngoài ra, bố mẹ có thể kiểm tra mắt cho con bằng cách cho đọc chữ. Ví dụ, mắt bố mẹ thị lực tốt thì có thể đặt cuốn sách ở một khoảng cách mà bố mẹ nhìn rõ, rồi thử hỏi con xem con có nhìn rõ không. Từ đó có thể biết được thị lực của con và đưa đi khám.

Thực tế có nhiều trẻ khi đến khám, bố mẹ chia sẻ rằng biết con có vấn đề về thị lực là do khi di chuyển ngoài đường bảo con đọc biển số xe nhưng con không nhìn rõ, trong khi bố mẹ thì đọc được. Cuối cùng lý tưởng nhất vẫn là cho con đi kiểm tra mắt định kỳ.

Không phải ánh sáng xanh từ điện thoại, đây mới là nguyên nhân khiến trẻ bị cận thị gia tăng - 5

Cần đưa trẻ đi khám để phát hiện kịp thời tình trạng cận thị. (Ảnh minh họa)

Luyện tập có thể làm giảm được cận thị không?

Các biện pháp luyện tập như mát xa mắt, nhìn xa vào cây xanh luôn được khuyến khích, tuy nhiên phương pháp này không chữa được cận thị, cũng như không làm giảm được độ cận thị. Hiện chưa có phương pháp tập nào điều trị được cận thị.

Còn về phương pháp phẫu thuật điều trị cận thị thì sẽ chống chỉ định với trẻ ở tuổi học đường (dưới 18 tuổi), đây là độ tuổi mắt trẻ đang phát triển chưa hoàn thiện nên không áp dụng biện pháp phẫu thuật. Ở lứa tuổi học đường, khi bị cận thị phải điều trị hỗ trợ bằng thuốc và quan trọng nhất là đeo kính, hoặc phương pháp hỗ trợ khác tùy vào độ tuổi.

Để phòng cận thị, ngoài áp dụng quy tắc 20-20-20, mọi người khi ở trong phòng diện tích nhỏ không có cây xanh thì tốt nhất nhắm mắt cho nghỉ ngơi. Còn nhìn cây xanh thì có thể bỏ kính hoặc để kính tùy vào sự thoải mái của người cận thị.

Trẻ tăng độ cận liên tục có nguy hiểm

Việc tăng số cận ở trẻ hoàn toàn có thể xảy ra vì hoạt động nhìn gần ở trẻ thường xuyên xảy ra, ít hoạt động ngoài trời và yếu tố nữa là nhãn cầu của trẻ vẫn đang phát triển nên sẽ tăng kích cỡ nhãn cầu.

Vì thế, ở một thời điểm nhất định dù có cắt kính đúng nhưng sau 6 tháng đến 1 năm số kính của trẻ ít nhiều cũng sẽ tăng, chỉ là tăng bao nhiêu. Nếu ở giai đoạn trẻ dậy thì, số cận sẽ tăng nhanh hơn.

Hiện nay, cận thị chưa có cách nào giải quyết triệt để ngoài phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật cận thị ở trẻ dưới 18 tuổi là chống chỉ định. Bởi cận thị ở trẻ vẫn gia tăng. Ví dụ thời điểm trẻ cận 3 độ mổ có thể giải quyết được lúc đó, nhưng sau đó trẻ hoàn toàn có thể bị tái cận và số cận tăng lên.

Khuyến cáo bảo vệ đôi mắt

Trong xã hội hiện nay việc cấm các con không tiếp xúc với thiết bị công nghệ rất khó khăn nên bố mẹ cần ghi nhớ quy tắc 20-20-20. Ngoài ra, cần bố trí cho con hoạt động ngoài trời, góc học tập nên dùng ánh sáng tự nhiên.

Đèn học cho con sử dụng đèn có ánh sáng ấm (đèn sợi đốt) thay vì đèn có ánh sáng trắng như hiện nay. Đèn nên để thấp dưới mặt các con, tránh để cao vì bóng trẻ đổ xuống ảnh hưởng việc nhìn của trẻ.

Mọi người thường quá để ý đến thiết bị công nghệ, đổ lỗi mọi thứ cho thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, việc con đọc sách thời gian lâu, nhìn gần hay chơi lego, vẽ tranh đều là hoạt động nhìn gần cho mắt và cũng gây cận thị cho trẻ. Những hoạt động này nếu không đúng cách thì cũng gây tác động gây cận cho trẻ, có chăng thiết bị công nghệ hại hơn ở ánh sáng xanh, nhưng đây ko phải là yếu tố quyết định.

Trẻ mắc bệnh về mắt này còn tai hại hơn cận thị, 1 mẹo nhỏ có thể nhận biết bệnh
Chúng ta thường vẫn thường chỉ quan tâm đến một số tật khúc xạ như cận thị và loạn thị mà quên mất rằng nhược thị cũng là một trong những tật khúc xạ...
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh mắt