Tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng để phòng dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên trước và sau khi tiêm vắc xin cũng cần lưu ý một số điều, nhất là với những ai đang ở tâm dịch.
Nên xét nghiệm sàng lọc trước khi tiêm, nhất là người có yếu tố nguy cơ
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Không ít người lo ngại các tác dụng phụ với cơ thể sau khi tiêm. Đặc biệt, ở TP. HCM và một số tỉnh phía Nam - nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều người lo ngại nếu mình đã mắc COVID-19 nhưng chưa biết, thì việc chích ngừa có nguy cơ làm tăng nặng các triệu chứng bệnh không?
Trước những thắc mắc trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện nay Bộ Y tế đã có Hướng dẫn tạm thời về khám sàng lọc cho các đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 quy định những trường hợp nào được tiêm, hoãn tiêm và chống chỉ định khi tiêm.
Người có triệu chứng hoặc trong vùng có dịch thì nên xét nghiệm trước khi tiêm chủng.
Theo đó, không bắt buộc ai cũng phải xét nghiệm COVID-19 âm tính mới được tiêm phòng bệnh. Với những người không ở trong vùng dịch, vùng có nguy cơ, đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được thực hiện tiêm theo quy định.
Nhóm cần trì hoãn tiêm chủng vắc xin COVID-19:- Người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; - Người đang mắc bệnh cấp tính; - Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. |
Đối với những trường hợp ở trong vùng dịch tễ nguy cơ, vùng dịch lưu hành thì nên xét nghiệm COVID-19 trước khi tiêm. Đặc biệt là những trường hợp nghi ngờ hoặc có dấu hiệu như sốt, ho, mệt mỏi, phải test nhanh hoặc xét nghiệm PCR có kết quả âm tính mới tiêm vắc xin.
Với những trường hợp nghi ngờ này, việc xét nghiệm có ý nghĩa quan trọng, đó là giúp sàng lọc tránh nguy cơ lây nhiễm ra điểm tiêm chủng. Ngoài ra, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, nếu ai mắc (dương tính) với COVID-19 trong vòng 6 tháng sẽ trì hoãn việc tiêm vắc xin phòng bệnh.
Theo PGS Nguyễn Huy Nga, giữa tình hình bệnh dịch phức tạp hiện nay, khó tránh một số trường hợp mắc COVID-19 nhưng không hề hay biết và vẫn đi tiêm vắc xin. “Với trường hợp này cũng không nên quá lo lắng, thực tế tiêm chủng cho thấy chưa có hệ lụy trầm trọng nào đối với người đang mắc COVID-19 vẫn thực hiện tiêm chủng. Sau khi tiêm cần theo dõi các phản ứng như đã khuyến cáo, nếu xuất hiện phản ứng nặng cần phải đến cơ sở y tế để được theo dõi, xử lý kịp thời”, PGS Huy Nga chia sẻ.
Theo đó, các phản ứng thường gặp khi tiêm sẽ phụ thuộc vào từng loại vắc xin, tuy nhiên phản ứng thông thường hay gặp là: sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, tăng cảm giác đau ngứa, sưng đau tại chỗ tiêm...
Ngoài ra, người tiêm có thể gặp một số phản ứng nặng cần gọi cấp cứu 115 để được đưa đến cơ sở y tế như: tê quanh môi và lưỡi; phát ban, tim tái hoặc đỏ da; căng cứng, tắc nghẽn hoặc khàn đặc ở vùng họng; nôn, tiêu chảy, đau quạn bụng; khó thở, thở dốc, thở khò khè; mạch yếu, choáng, cơ quắp tay chân...
Mắc COVID-19 rồi sẽ sinh kháng thể, nên trì hoãn tiêm vắc xin trong 6 tháng
Liên quan đến vấn đề này TS BS. Nguyễn Huy Luân - Trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, lý do Bộ Y tế trì hoãn tiêm vắc xin phòng bệnh đối với người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng là sau khi nhiễm COVID-19 sẽ tạo ra kháng thể và kháng thể tăng lên khoảng 6 tháng.
Sau 6 tháng đến khoảng 1 năm khi lượng kháng thể giảm dần và có thể tiêm ngừa vắc xin để tạo hiệu quả tốt nhất. Trong khoảng thời gian đó (thời gian chưa tiêm vắc xin) chúng ta cần tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
TS Luân cho rằng, hiện nay khuyến cáo của WHO và các nước khác trong đó có Việt nam đều đồng ý với việc không nhất thiết test COVID-19 trước khi tiêm ngừa vắc xin. Trừ trường hợp tổ chức tiêm ở một số cơ sở y tế cần test để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và người bệnh. Còn tại điểm tiêm cộng đồng (trừ vùng nguy cơ cao) thì không cần phải test COVID-19.
Người mắc COVID-19 sẽ sinh kháng thể nên hoãn tiêm vắc xin, trường hợp có tiêm vắc xin cũng không bị ảnh hưởng gì tới sức khỏe.
"Ngay cả khi mắc COVID-19 mà vẫn tiêm vắc xin phòng bệnh cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Không có chuyện tiêm vắc xin vào người đã mắc COVID-19 sẽ làm cho virus sống lại và gây tình trạng bệnh nặng hơn.
Vì vậy, trong tình huống đã nhiễm COVID-19 mà không biết và vẫn tiêm thì cũng không đáng ngại. Tuy nhiên có thể xảy ra tình huống sau đó vài ngày hoặc lâu hơn các bạn vẫn có thể bị mắc COVID-19, đây là chuyện hết sức bình thường và cũng hay xảy ra với những người đã tiêm chủng vắc xin", TS Luân nói.
Dù đã tiêm vắc xin cũng không nên chủ quan
Theo Bộ Y tế, hiện tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là một trong những giải pháp trọng tâm phòng chống dịch bệnh ở nước ta. Vắc xin sẽ kích thích hệ thống miễn dịch tạo kháng thể để bảo vệ cơ thể không bị lây nhiễm bởi virus SARS-CoV-2.
Trong thời điểm đại dịch, mục tiêu của vắc xin COVID-19 còn giúp giảm số ca bệnh nặng, giảm tỉ lệ nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong. Dù tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng dịch bệnh nhưng những người đã được tiêm, kể cả đủ 2 mũi, không nên chủ quan vì vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2.
Lý do là sau khi tiêm vắc xin, tùy vào từng loại, cơ thể cần ít nhất 2-3 tuần để sinh kháng thể. Khi cơ thể chưa sinh đủ kháng thể hoặc kháng thể đó không đặc hiệu cho chủng virus bị nhiễm (các chủng virus mới phát hiện) thì người đã tiêm hoàn toàn có khả năng mắc COVID-19.
Dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 cũng không nên chủ quan vì vẫn có nguy cơ lây nhiễm.
TS BS. Nguyễn Huy Luân cho biết thêm, hiện không có loại vắc xin nào có hiệu quả 100%. Vắc xin AstraZeneca hiệu lực bảo vệ tới 75-85% trong việc phòng ngừa nhiễm bệnh COVID-19 có triệu chứng và 100% trong việc phòng ngừa nhiễm bệnh COVID-19 nặng hoặc nguy kịch, cần nhập viện. Vắc xin Moderna, theo công bố của nhà sản xuất, có hiệu quả phòng bệnh tới 94.1%. Còn vắc xin Pfizer đã được chứng minh là có hiệu quả phòng bệnh lên tới 95% trong các thử nghiệm cuối cùng.
“Điều này có nghĩa là có rất ít người đã tiêm chủng bị nhiễm COVID-19 và nếu nhiễm thì chỉ ở mức độ nhẹ đến trung bình. Vì vậy nguy cơ nhập viện và tử vong do nhiễm COVID-19 gần như được loại trừ nếu được tiêm chủng đầy đủ.
Đồng thời, người đã tiêm chủng nếu nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ có ít phần tử virus trong mũi và miệng hơn và có ít khả năng lây truyền cho người khác hơn. Việc giảm khả năng lây truyền này rất quan trọng vì tiêm chủng không chỉ bảo vệ cho bản thân mà còn hạn chế lây lan virus cho mọi người xung quanh”, TS Luân cho hay.
Đối với việc có tiêm nhắc lại vắc xin sau khi đã tiêm đủ 2 mũi hay không thì sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thậm chí vẫn đang được nghiên cứu. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các loại vắc xin phòng COVID-19 không thể bảo vệ suốt đời như vắc xin phòng bệnh sởi.
Đặc biệt, sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của các biến thể SARS-CoV-2 như hiện nay, cùng các loại đột biến khác có nguy cơ xuất hiện trong tương lai gần thì sẽ phải tiêm phòng nhắc lại hằng năm như vắc xin cúm mùa, đồng th các loại vắc xin phòng COVID-19 cũng cần được cập nhật để chống lại các biến thể mới của virus.
Khuyến cáo với người đi tiêm vắc xin phòng COVID-19: Người đi tiêm chủng cần đeo khẩu trang, thực hiện Thông điệp 5K phòng lây nhiễm dịch Covid-19. Đó là : Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế”. - KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly. - KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng. - KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác. - KHÔNG TỤ TẬP: Tránh tập trung đông người. - KHAI BÁO Y TẾ: Thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Trong buổi tiêm chủng phải thông báo cho nhân viên y tế tiền sử tiêm chủng, phản ứng với các loại vắc-xin từng tiêm trước đây và tình trạng sức khỏe của bản thân để được chỉ định tiêm chủng phù hợp và an toàn. |
Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM