Anh - AstraZeneca cho biết sẽ thu hồi vaccine Covid-19 của hãng trên toàn thế giới khi nhu cầu người dùng giảm, trong bối cảnh các loại vaccine thế hệ mới dư thừa.
Theo AstraZeneca, vaccine bị loại bỏ khỏi thị trường vì lý do thương mại. Công ty tự nguyện rút giấy phép tiếp thị (marketing authorisation) vaccine này ở thị trường châu Âu. "Vì có nhiều loại vaccine Covid-19 đã được phát triển, nhu cầu đối với Vaxzevria (tên gọi khác của vaccine Covid) giảm", hãng cho biết ngày 8/5. Động thái này cũng sẽ diễn ra ở những nước từng cấp giấy phép lưu hành cho vaccine Vaxzevria.
Trên thực tế, Vaxzevria - vaccine Covid thế hệ đầu tiên của AstraZeneca hiện không được sản xuất và các nước đã ngưng sử dụng từ năm 2023. Hiện, các hãng khác tung ra nhiều loại vaccine được điều chỉnh để phù hợp hơn với biến chủng mới. Tuy nhiên, tình trạng dư thừa ở các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Australia vẫn diễn ra vì nhiều người không chủng ngừa.
Lọ vaccine AstraZeneca và kim tiêm được triển khai tại Mỹ. Ảnh: Reuters
Marco Cavaleri, người đứng đầu bộ phận vaccine tại Cơ quan Dược phẩm châu Âu, cũng cho biết sẽ thu hồi giấy cấp phép Vaxzevria. Lý do tương tự AstraZeneca đưa ra: vaccine đã không còn được sử dụng, nhu cầu sụt giảm.
Trước đó, AstraZeneca thừa nhận vaccine Vaxzevria gây ra tác dụng phụ hiếm gặp là đông máu và giảm tiểu cầu (TTS). Người bệnh sẽ phát triển huyết khối trong mạch máu não hoặc những bộ phận khác trên cơ thể, đồng thời có lượng tiểu cầu thấp. Cụ thể, huyết khối là sự hình thành của cục máu đông, có thể làm giảm lưu lượng máu bình thường trong mạch máu. Còn giảm tiểu cầu là tình trạng thiếu hụt tiểu cầu trong máu. Tác dụng phụ này có thể dẫn đến đột quỵ, tuy nhiên các cơ quan chức năng cho rằng rất hiếm gặp, chỉ 1 trên 250.000 người Anh gặp biến chứng này. Ngoài ra, đông máu còn do nhiều nguyên nhân khác, không chỉ do tiêm vaccine.
Theo Telegraph, ít nhất 81 trường hợp ở Anh đã tử vong, hàng trăm trường hợp gặp vấn đề sức khỏe sau khi tiêm chủng. AstraZeneca đang bị hơn 50 nạn nhân và gia đình kiện lên Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, hãng khẳng định việc thu hồi vaccine không liên quan đến các vụ kiện tại tòa án. Theo AstraZeneca, thời điểm đưa ra quyết định hoàn toàn là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
"Chúng tôi vô cùng tự hào về vai trò của Vaxzevria trong việc chấm dứt đại dịch toàn cầu. Theo ước tính độc lập, vaccine đã cứu sống hơn 6,5 triệu người trong năm đầu tiên", hãng nói.
Đơn vị này đang làm việc với các cơ quan quản lý trên thế giới và đối tác để thống nhất con đường rõ ràng để giải quyết vụ việc. Chính phủ Anh và các nước phần lớn sử dụng vaccine AstraZeneca vào mùa thu năm 2021. Sau đó, tại Anh, vaccine được thay thế bằng Pfizer và Moderna để kịp triển khai trong chương trình tiêm chủng tăng cường vào cuối năm.
Khi đại dịch xảy ra, Việt Nam đã mua 30 triệu liều vaccine của AstraZeneca, kèm các đợt viện trợ. Đến giữa năm 2023, nước ta tiêm hơn 266,5 triệu liều gồm nhiều loại vaccine Covid-19 như Pfizer, Moderna, AstraZeneca... là một trong quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới.
Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết cả nước ghi nhận rất ít trường hợp bị đông máu sau tiêm vaccine. Tác dụng phụ này chỉ xuất hiện trong 42 ngày sau tiêm và có thể điều trị. Cơ quan tiêm chủng cũng khuyến cáo về tác dụng phụ này từ năm 2021.
Tại cuộc họp mới đây, Bộ Y tế cho biết hiện Việt Nam chỉ còn hơn 400.000 liều vaccine Pfizer hạn đến tháng 9, tiêm nhắc lại cho các nhóm nguy cơ.
Thục Linh (Theo Telegraph)