Dù sứa rất ngon nhưng liệu chúng có chứa độc tố và cần lưu ý gì khi ăn? Những thắc mắc này sẽ được PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm giải đáp.
Hiện sứa đã bắt đầu vào mùa, nhiều người đi ăn rồi đăng ảnh lên mạng xã hội trông rất bắt mắt. Cháu mới ở vùng núi xuống Hà Nội học nên rất muốn thử món ăn này, vì ở quê không có. Thế nhưng, cháu rất lo trong sứa có độc, gây hại cho sức khỏe. Vậy sứa có độc không và ăn thế nào cho an toàn?
Xin cảm ơn!
Sứa là nguồn thực phẩm có nhiều ở Việt Nam và có giá trị dinh dưỡng khá cao. Hiện có rất nhiều cách chế biến sứa, trong đó nộm sứa cũng là món ăn ngon và hấp dẫn, nhất là với giới trẻ.
Sứa chứa lượng protein cao, giàu chất ôxy hóa tốt cho cơ thể. Ngoài ra, sứa còn chứa một số loại khoáng chất như canxi, magie và phốt pho. Đặc biệt, sứa chứa omega-3, omega-6 và polyphenol - những chất rất tốt cho cơ thể, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Trong đó, polyphenol có tác dụng giúp thúc đẩy chức năng não và bảo vệ chống lại một số bệnh mãn tính, bao gồm: tim mạch, tiểu đường type 2 và ung thư.
Có nhiều loại sứa khác nhau, nhưng không phải loại nào cũng ăn được. Với các loại sứa được dùng làm thực phẩm thì không có độc, tuy nhiên quá trình ăn cũng cần lưu ý bởi có thể gây dị ứng, sốc phản vệ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trường hợp như bạn chưa ăn sứa bao giờ thì cần đặc biệt chú ý, chỉ nên ăn thử với số lượng nhỏ, sau đó không thấy có phản ứng gì thì mới ăn nhiều hơn để phòng khả năng bị dị ứng thực phẩm.
Những người lần đầu ăn sứa cần lưu ý vì dễ bị dị ứng. Ảnh minh họa.
Để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe, mọi người khi ăn sứa cần tuân thủ khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) như sau:
- Không sử dụng sứa biển tươi chưa qua chế biến làm thức ăn, làm gỏi ăn sống; Chỉ sử dụng sứa biển đã qua chế biến đúng cách.
- Không sử dụng sứa (kể cả sứa đã qua chế biến) làm thức ăn cho trẻ em.
Quá trình chế biến sứa tươi phải được ngâm qua 3 lần trong nước muối và phèn, khi nào thịt sứa chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới đem sử dụng làm thức ăn.
- Sứa để ngoài môi trường nhanh bị hỏng, vì thế không sử dụng khi có dấu hiệu bị hỏng và cách nhận biết sứa hỏng dễ dàng nhất là qua màu sắc, mùi vị của sứa.
- Kể cả sứa khô cũng cần rửa thật sạch trước khi chế biến. Cách làm này có thể giúp hạn chế những hóa chất được dùng trong quá trình sơ chế sứa, tốt cho sức khỏe hơn.
Cuối cùng, không nên ăn quá nhiều sứa để tránh nguy cơ bị dư thừa lượng nhôm trong cơ thể bởi khi sơ chế sứa, nhiều người có thể sử dụng phèn để ngâm. Đây là một hợp chất hóa học thường được gọi là nhôm kali sunfat, đôi khi được sử dụng làm chất phụ gia để bảo quản thực phẩm. Mặc dù là chất được phép dùng trong thực phẩm, tuy nhiên nếu ăn nhiều sẽ khiến hàm lượng nhôm quá cao có thể dẫn đến bệnh Alzheimer và bệnh viêm ruột.
Một số người dưới đây không nên ăn hoặc hạn chế ăn sứa:
- Trẻ em dưới 8 tuổi không được ăn sứa, kể cả những loại sứa đã được chế biến vì rất dễ bị ngộ độc.
- Người bị dị ứng với hải sản.
- Người mới ốm dậy.
- Người bị suy nhược cơ thể.
- Người từng bị ngộ độc thực phẩm.
Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý bạn đọc đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. |