Chúng ta thường nghe các bác sĩ, chuyên gia làm việc trong ngành y chia sẻ về những ca bệnh họ chữa trị nhưng ít ai được nghe câu chuyện về chính họ, về lý do tại sao họ làm nghề này, liệu đó là ước mơ ban đầu hay một biến cố nào đó?
Tomoko Takahara là một nhà nghiên cứu ẩm thực hữu cơ và một chuyên gia dinh dưỡng y học cổ truyền Trung Quốc, tác giả của cuốn sách về chống ung thư nổi tiếng ở Nhật.
Ở tuổi 28, cô được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng giai đoạn ba và phải nằm trên bàn phẫu thuật. Năm 31 tuổi, tế bào ung thư đã đến giai đoan cuối, di căn đến phổi, bác sĩ thông báo cô chỉ còn sống được ba tháng. Nghĩ bản thân sắp bước vào "cửa tử", Tomoko quyết định từ bỏ việc điều trị và dùng thời gian cuối cùng để thực hiện tâm nguyện còn dang dở của cha mình là sang Pháp xem các bức tranh của danh họa Monet và tham quan căn nhà cũ của ông.
Không ngờ rằng, quyết định này sau đó đã cứu mạng cô và giúp Tomoko bắt đầu lại một trang mới cuộc đời. Dưới đây là lời kể của chính Tomoko về việc cô bước qua "cửa tử" và hồi sinh ra sao.
Năm 1994, tôi 25 tuổi, chỉ có một mình, chẳng liên lạc với bất cứ người thân nào. Mẹ qua đời vì bệnh ung thư buồng trứng từ lúc tôi 3 tuổi, cha tôi cũng phát hiện mắc ung thư phổi khi tôi 18 tuổi và qua đời ngay sau đó.
Khi ấy, tôi đang làm việc cho một công ty dược phẩm nước ngoài. Vì trải nghiệm này mà trong đầu tôi luôn có một suy nghĩ: "Gen của mình bị khiếm khuyết, một ngày nào đó mình sẽ bị tế bào ung thư xâm lấn và kết thúc cuộc đời như bố mẹ. Tôi tin chắc rằng di truyền không thể thay đổi được".
Vì sống một mình nên tôi chủ yếu ăn ở ngoài, hơn nữa tôi cũng không thích nấu nướng và không hề để ý đến cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của mình. Nhắc đến điều này, tôi lại nhớ đến mẹ kế, bà là nguyên nhân chính khiến tôi không chú ý đến chế độ ăn uống.
Chuyên gia dinh dưỡng người Nhật Tomoko Takahara mắc ung thư năm 28 tuổi và 3 năm sau bị di căn.
Khi còn nhỏ tôi luôn đói. Lên 5 tuổi, tôi đã có ước muốn mãnh liệt là học cách nấu cơm. Nhiều lần tôi lén nấu cơm ở nhà nhưng bị mẹ kế phát hiện và đánh mắng. Tôi cũng muốn học cách nấu súp miso, nhưng mỗi lần thất bại, mẹ kế lại dùng thìa múc súp nóng lên và làm tôi bỏng. Vì quá sợ bị bỏng đau nên cuối cùng tôi đã từ bỏ việc học nấu nướng.
Sau này, tôi thường đến các siêu thị, cửa hàng bách hóa để mua đồ ăn sẵn và sử dụng các món canh miso tiện lợi. Thỉnh thoảng, tôi rửa rau diếp, ớt chuông và táo với nước rồi nhai sống vì tôi không thích mùi vị của các loại nước sốt trộn salad thương mại.
Ngoài ra, tôi cũng ghét cà chua, cà rốt, cần tây, hành tây và ngò cùng nhiều nguyên liệu khác. Tôi đặc biệt ghét mùi vị của natto, phô mai và sữa chua nhưng tôi thường ăn mận và rong biển. Ngoài ra, tôi thích uống bia.
Với chế độ ăn uống không cân bằng cộng với ngủ nghỉ không đều, công việc bận rộn và ám ảnh nặng nề từ nhỏ cùng với "gen ung thư" có sẵn trong cơ thể, tôi biết rất rõ rằng một ngày nào đó mình sẽ phải trả giá.
Năm tôi 28 tuổi, cuối cùng thì ngày ấy cũng đến. Tôi bị ra máu nhiều, phần trên nóng và phần dưới lạnh, tôi tưởng là bệnh phụ khoa nhưng khi đi khám phát hiện đó là bệnh ung thư buồng trứng, bác sĩ dự đoán tôi chỉ có thể sống thêm nửa năm. Sau đó, tôi phải phẫu thuật cắt bỏ những gì cần cắt.
Sau 3 năm điều trị và tái phát nhiều lần, khi tôi 31 tuổi, tế bào ung thư đã di căn đến phổi, bác sĩ nói rằng tôi chỉ còn sống được ba tháng.
Nhớ về lời hứa của bố khi còn sống sẽ đưa tôi đến nơi ở cũ của họa sĩ Monet ở Pháp để xem tranh, tôi quyết định đến Pháp thực hiện ước muốn đó thay ông, để khi chết, tôi có thể nói với ông rằng: "Con đã đi xem tranh của Monet trước khi lên thiên đường", chắc hẳn bố tôi sẽ rất vui.
Vì vậy, bất chấp sức khỏe suy yếu đến mức chỉ có thể ngồi xe lăn, tôi đã bay đến Pháp.
Tôi khởi hành từ sân bay Narita vào một đêm mùa thu đầy mưa. Để đối phó với cơn đau cột sống do ung thư gây ra, tôi đã chuẩn bị một chiếc máy sưởi di động đặt ở thắt lưng. Ngoài ra, vì phần dưới cơ thể bị sưng tấy sau khi cắt bỏ tuyến bạch huyết nên tôi cũng đã mặc quần chống phù nề. Tôi đắp mặt nạ và bôi thuốc nhỏ mắt có chứa axit hyaluronic lên giác mạc đã bong tróc để dưỡng ẩm cho mắt. Tôi cũng mang theo một ít kẹo thảo dược để giảm ho.
Dù mọi người xung quanh lo lắng và phản đối việc tôi đi máy bay nhưng may mắn là tôi chỉ sốt nhẹ và có thể ăn một ít đồ ăn trên máy bay. Tuy nhiên, tôi hầu như không ngủ và trong lòng hồi hộp mong chờ được hạ cánh.
Cuối cùng, tôi cũng đến sân bay Paris Charles de Gaulle trước bình minh và gọi taxi về khách sạn. Về khách sạn, tôi nghỉ ngơi, uống thuốc, đặt chuông báo thức. Hai giờ trước khi chuông reo, tôi đã tỉnh táo và không mệt mỏi, hay đau đớn nhưng vị giác vẫn chưa quay trở lại. Sau khi ăn một chút và tắm rửa, chúng tôi khởi hành sớm đến Giverny - quê hương của Monet.
Dù say xe và đau đớn nhưng tôi vẫn gắng chịu đựng và thực hiện được ước mơ đến thăm nhà vườn của Monet. Tôi chăm chú ngắm nhìn khung cảnh, thực hiện tâm nguyện cuối cùng của mình trong cuộc đời này và đón nhận mọi thứ trong tầm mắt mà không hề hối tiếc.
Nhà vườn của Monet - nơi mà Tomoko Takahara luôn ước nguyện được đến trước khi qua đời.
Trong 4 ngày tiếp theo của chuyến đi, tôi cố gắng không gây rắc rối cho những người xung quanh, chủ yếu nghỉ ngơi ở khách sạn, khi có sức lực sẽ đi thăm thú. Một ngày, những người bạn đồng hành của tôi đề nghị đi tham quan ngọn đồi Montmartre, ngắm toàn cảnh Paris.
Lúc này tôi đã bắt đầu ho một chút, trong lòng không khỏi lo lắng vì không mang theo đủ nước, nếu cứ ho mãi thì phải làm sao đây? Quả nhiên, linh cảm của tôi đã đúng. Tôi cứ bị ho khan, độ ẩm ở Giverny vừa phải nhưng ở đây lại hoàn toàn khác, rất khô.
Ngay cả khi đã nhỏ thuốc nhỏ mắt, tôi vẫn phải chớp mắt liên tục. Ăn xong kẹo, miệng tôi lại càng khô, muốn uống nước. Lúc này, ngực tôi như căng cứng và cảm thấy ngứa ran ở xương, dường như nước trong người tôi sắp cạn kiệt, tôi muốn khóc nhưng cũng không thể rơi một giọt nước mắt. Tôi phải làm sao đây? Nếu tôi ngừng thở ở đây chắc chắn sẽ gây phiền phức cho mọi người.
Những người bạn đồng hành của tôi bàn nhau đi chợ Montmartre để tìm mua nước nhưng không có chỗ bán. Khi đó, cửa hàng trước mặt tôi đang bán những quả cà chua mà tôi ghét từ khi còn nhỏ, hơn nữa nó còn là cà chua khô nên chẳng có cảm giác sẽ bù nước được. Thế nhưng mọi người cứ giục tôi ăn cà chua khô.
Món cà chua khô ở Pháp đã khiến Tomoko Takahara bừng tỉnh và làm thay đổi số phận của cô. (Ảnh minh họa)
Lúc đầu tôi rất khó chịu, bản thân đang bị ho, cơ thể thì đau đớn vậy mà lúc cuối đời còn phải ăn thứ mình ghét. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ giờ khứu giác và vị giác không còn thì món ăn có đáng ghét tới đâu cũng chẳng có cảm nhận gì. Vì vậy, tôi chậm rãi cắn một miếng nhỏ cà chua khô.
Thật đáng kinh ngạc, ngay khi vừa ăn vào, nước bọt bắt đầu chảy ra và ngày càng nhiều. Tôi vui mừng đến nỗi đôi mắt khô khốc cũng rơi nước mắt. Điều tuyệt vời nhất là tôi dần dần cảm nhận được vị ngọt, chẳng lẽ vị giác đã mất được phục hồi lại? Tôi cũng cảm thấy vị chua sâu trong cổ họng. Tôi đã khóc vì phấn khích và thầm nghĩ sao tôi không hề biết cà chua lại ngon đến thế.
Cơn ho của tôi dần dần thuyên giảm, không phải do uống nước mà do các chức năng còn yếu của cơ thể tôi tiết ra nước bọt để giữ ẩm. Đây có thể là kết quả của sự tương tác giữa năng lượng của cà chua và ý chí không kết thúc cuộc đời ở nơi đất khách quê người của tôi.
Tôi đã không chú ý nhiều đến chế độ ăn uống của mình từ khi còn nhỏ và lượng thức ăn của tôi rất ít. Lúc này, tôi cảm nhận được một trải nghiệm chưa từng có và khám phá ra năng lượng của thức ăn, khiến tôi bắt đầu nghĩ về nó. Khi thức ăn, cơ thể và tâm trí hòa làm một, ngay cả một cơ thể yếu đuối như tôi cũng có thể cảm thấy nhẹ nhõm khỏi nỗi đau của bệnh ung thư.
Kể từ lúc đó, tôi dần nhen nhóm hy vọng và lên kế hoạch thực hiện chế độ ăn kiêng để tự cứu mình, để tồn tại, tôi phải tìm hiểu sâu những bí quyết ăn kiêng.
Tôi đã quyết định không điều trị ung thư nữa, những tháng ngày còn lại tôi muốn được ăn uống vui vẻ mà không phải hối tiếc. Tôi muốn cải thiện các tế bào trong cơ thể bằng cách ăn uống.
Tôi đã học kiến thức ẩm thực tại Trường Nghệ thuật Ẩm thực Ritz Escoffier ở Paris, Pháp. Phải mất bốn năm để hoàn thành khóa học nâng cao về ẩm thực Pháp và cũng đạt được chứng chỉ chuyên gia trị liệu bằng hương thơm.
Trong quá trình học tập, tôi cũng tự "chữa bệnh" cho mình bằng ăn uống. Tôi chọn những thực phẩm có tác dụng giảm đau, hạ sốt, ăn những thực phẩm bảo vệ niêm mạc dạ dày và thúc đẩy tiết nước bọt. Tôi cố gắng giữ ấm cơ thể nên không ăn đồ lạnh. Sáng và tối, tôi ngâm chân trong nước nóng để duỗi thẳng các ngón tay, ngón chân bị cong và cử động các khớp xương. Kết quả là, giống như bóc một củ hành, cứ bốn tuần một lần, cơ thể tôi bắt đầu thay đổi. Tôi chuyển từ ngồi xe lăn sang dùng gậy, sau nửa năm, tôi thực sự có thể đi lại chậm rãi.
Một năm sau, cuối cùng tôi cũng thích nghi được với chương trình học ở trường, thể lực dần hồi phục, quen dần với việc nghe tiếng Pháp, ham mê tiếp thu mọi kiến thức và chăm chỉ học tập hơn.
Năm 2004, lúc 35 tuổi, tôi từ Pháp trở về Nhật Bản với sức khỏe tốt và đến Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Bắc Kinh ở Trung Quốc để nghiên cứu kiến thức về y học cổ truyền Trung Quốc và chế độ ăn uống. Năm 2006, tôi đạt được chứng chỉ chuyên gia dinh dưỡng y học Trung Quốc.
Từ năm 2008, các lớp học nấu ăn của tôi đã được mở ở nhiều nơi ở Hokkaido và Tokyo, đồng thời tôi tích cực quảng bá lối sống ăn uống giúp chữa bệnh, giúp đỡ mọi người.
Tomoko Takahara đã học về nấu ăn và y học cổ truyền, tổ chức những lớp nấu ăn cải thiện sức khỏe.
Trải qua hơn 20 năm, Tomoko từ một người chưa bao giờ cảm thấy ấm áp trên bàn ăn nay đã trở thành một chuyên gia dinh dưỡng, mang đến sự vui vẻ và cả sức khỏe trong từng bữa cơm. Cô không chỉ có một cuộc sống tốt đẹp, sức khỏe tốt hơn mà còn truyền cảm hứng đó tới mọi người và đi tới bất cứ đâu, cô cũng đều tự hào kể lại câu chuyện bản thân đã vượt qua "cửa tử" ra sao.