Nước tiểu màu trắng hoặc hơi vàng thể hiện sức khỏe quả thận rất tốt, nhưng có thời điểm màu nước tiểu này lại cảnh báo nguy cơ thận đang gặp nguy hiểm.
Nước tiểu được lọc qua thận và bài tiết ra ngoài cơ thể qua hệ thống tiết niệu, vì thế nhìn màu sắc nước tiểu có thể biết được tình trạng sức khỏe của mình, thậm chí là nguy cơ mắc bệnh cần đi khám. Tuy nhiên, tính thời điểm của việc đi tiểu cũng rất quan trọng nhưng nhiều người không chú ý, nhất là vào buổi sáng.
BSCK II Lê Quang Hải, khoa Thận-Tiết niệu-Lọc máu (Bệnh viện Nông Nghiệp) cho biết, về cơ bản màu sắc nước tiểu sẽ phụ thuộc cơ bản vào việc sử dụng thực phẩm gì trước đó hoặc cơ thể có uống đủ nước hay không. Ví dụ người ăn nhiều thịt đỏ, uống nhiều rượu bia thường nước tiểu sẽ sẫm màu và mùi khai khó chịu. Còn người có chế độ ăn uống cân đối, khoa học, uống đủ nước thì thường nước tiểu có màu trắng hoặc hơi vàng, điều này cũng chứng tỏ thận tốt và không phải chịu áp lực làm việc nhiều.
Tuy nhiên, tính thời điểm của việc đi tiểu cũng rất quan trọng và nếu quan sát kỹ sẽ biết được tình trạng của hai quả thận. Bác sĩ Hải dẫn chứng, việc đi tiểu ra nước màu trắng không phải lúc nào cũng là tín hiệu vui, thậm chí có thời điểm đó lại là tín hiệu chứng tỏ thận đang “kêu cứu”.
Màu sắc nước tiểu phản ánh tình trạng sức khỏe khác nhau của cơ thể nói chung, thận nói riêng. Ảnh minh họa.
“Bình thường nước tiểu màu trắng chứng tỏ ăn hợp lý, uống đủ nước. Tuy nhiên, buổi sáng thức dậy nếu nước tiểu có màu trắng thì đừng vội mừng, cần đến viện khám thận gấp. Bởi đó chính là dấu hiệu thận đã bị hỏng, thậm chí mất chức năng hoàn toàn”, bác sĩ Hải chia sẻ.
Theo lý giải của bác sĩ Hải, thận có nhiều chức năng, trong đó có chức năng lọc và thải chất độc ra ngoài. Vào ban đêm dù cơ thể không vận động, không bổ sung nước nhưng thận vẫn làm việc. Sau khi được lọc qua thận, nước tiểu sẽ được tích trữ và lắng đọng lại, đó là lý do vì sao buổi sáng chúng ta đi tiểu rất nhiều. Và khi nước tiểu được lắng đọng qua cả một đêm thì vào buổi sáng, màu nước tiểu không thể có màu trắng, mà phải có màu vàng hoặc vàng đậm mới là bình thường. “Đó chính là lý do vì sao buổi sáng nếu nước tiểu màu trắng thì cần đi khám bởi có thể thận có vấn đề”, bác sĩ Hải cho hay.
Một dấu hiệu nữa cũng được bác sĩ Hải cảnh báo nguy cơ thận mất chức năng là đi tiểu nhiều vào ban đêm, nhất là ở những người trẻ. “Thông thường tiểu đêm thường gặp ở người cao tuổi. Đây là sinh lý bình thường vì tuổi càng cao, chức năng càng kém. Với người trẻ, nếu chế độ sinh hoạt hôm trước bình thường, đêm đi tiểu quá 2 lần thì chứng tỏ thận cũng đang có vấn đề”, bác sĩ Hải cảnh báo.
Bác sĩ Hải cảnh báo, nếu nước tiểu buổi sáng màu trắng hoặc đêm đi tiểu quá 2 lần thì cần đi khám ngay chức năng thận. Ảnh: Lê Phương.
Để thận được hoạt động tốt, ngoài chế độ ăn uống, bác sĩ Hải khuyên mọi người cần chú ý đến màu sắc nước tiểu. Đây là vấn đề nhiều người thường bỏ qua vì ngại quan sát, nhất là phụ nữ. Ngoài ra, khi đi khám sức khỏe cũng cần làm xét nghiệm nước tiểu để biết được chức năng thận đang như thế nào.
Theo bác sĩ Hải, việc siêu âm chỉ phát hiện khối u trú, cặn thận, sỏi thận chứ khó biết được chức năng của thận thế nào. Trong khi đó xét nghiệm máu cũng có thể biết được chức năng thận, nhưng khi thể hiện qua kết quả xét nghiệm máu thì thận có thể đã teo và hỏng. Do vậy, xét nghiệm nước tiểu sẽ biết được thận đang khỏe hay đang yếu, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn hợp lý để không bị suy thêm.
“Với trường hợp bị suy thận, chế độ ăn uống, sinh hoạt rất quan trọng. Ăn uống tốt dù không phục hồi lại được cầu thận đã bị suy nhưng sẽ làm hạn chế việc suy thêm các cầu thận khác. Ngược lại, chủ quan không chú ý sẽ khiến thận suy càng nặng thêm, đến khi không thể cứu vãn được thì chỉ còn hai con đường là lọc thận hoặc thay thận, điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người bệnh”, bác sĩ Hải tư vấn.