Thực phẩm giàu canxi hơn tôm, cá nhưng dễ gây hại, nhất là với gan nếu chế biến theo cách ai cũng thích này

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 21/06/2023 14:00 PM (GMT+7)

Là loại thực phẩm khá bổ dưỡng và được nhiều người yêu thích, nhưng nếu không chú ý trong cách chế biến thì nguy cơ gây bệnh cho cơ thể là rất lớn.

Ốc là thực phẩm có nhiều dinh dưỡng, đặc biệt lượng canxi có trong ốc rất cao, nhiều hơn so với tôm và cá. Ngoài ra ốc còn chữa nhiều loại vitamin và khoáng chất khác. Trong ẩm thực, ốc có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng và cũng là món ăn vặt được nhiều tín đồ ưa thích.

TS.BS Trần Huy Thọ - Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, dù ốc ngon và có nhiều tác dụng với cơ thể nhưng cách chế biến không hợp lý là nguy cơ gây bệnh với cơ thể. Ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, ốc nếu chế biến không kỹ thì nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là các loại ốc nướng, ốc luộc ngoài quán.

Theo bác sĩ Thọ, với các món canh ốc, chả ốc chế biến từ ốc đa phần đều được luộc trước, sau đó sơ chế rồi nấu lại một lần nữa. Với cách làm này thì ăn ốc tương đối an toàn vì nhiệt độ cao, các ký sinh trùng như sán lá gan nhỏ có trong ốc đa phần bị tiêu diệt. Còn với các loại ốc nướng, ốc luộc đa số chỉ mới chín tái, chưa kỹ và ký sinh trùng vẫn sống ở phía trong, nếu ăn phải nguy cơ mắc giun sán rất cao.  

Ốc luộc và ốc nướng thường không chín kỹ, nguy cơ mắc sán lá gan là rất lớn.

Ốc luộc và ốc nướng thường không chín kỹ, nguy cơ mắc sán lá gan là rất lớn.

“Ốc luộc bán ở các hàng quán đa số không được nấu chín kỹ, vì luộc kỹ ăn ốc sẽ dai, mất độ giòn. Còn ốc nướng thì nhiệt phải qua lớp vỏ, có khi vỏ ốc cháy nhưng bên trong chưa chín. Chính cách chế biến này là nguồn lây bệnh ký sinh trùng rất nhanh từ ốc vào cơ thể”, bác sĩ Thọ cho hay.

Thực tế, bác sĩ Thọ đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị sán lá gan nhỏ dù trước đó không bao giờ ăn gỏi cá, hay gỏi tôm sống hoặc rau sống. Khi khai thác thông tin kỹ hơn thì được biết, người bệnh thường xuyên cùng bạn bè đi ăn ốc luộc vào mỗi dịp cuối tuần và đó có thể chính là nguyên nhân gây bệnh.

Bác sĩ Trần Huy Thọ cho biết, sán lá gan nhỏ chủ yếu ký sinh ở người và một số động vật như chó, mèo, chồn, rái cá, chuột… Trứng sán được bài xuất theo phân ra ngoài, gặp môi trường nước ngọt ở sông suối, ao hồ khi đó trứng lơ lửng trong nước, bị loài ốc nước ngọt ăn.

Trong cơ thể ốc, ấu trùng lông tơ chui ra khỏi trứng, lần lượt phát triển qua các giai đoạn từ bào tử nang đến ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc chui qua da một số loại cá nước ngọt... Khi xâm nhập được vào cơ thể các loài cá, chúng rụng đuôi và thành hậu ấu trùng ở da hoặc thịt cá. Do vậy, những người ăn phải ốc chưa nấu chín hoặc hay ăn gỏi cá nguy cơ mắc sán lá gan nhỏ là rất cao.

Ngoài ốc thì gỏi cá cũng là món ăn chứa nhiều ấu trùng sán lá gan nhỏ. (Ảnh minh họa)

Ngoài ốc thì gỏi cá cũng là món ăn chứa nhiều ấu trùng sán lá gan nhỏ. (Ảnh minh họa)

Một số người có thói quen uống nước lã, ăn gan động vật nhiễm bệnh chưa nấu chín, ăn rau mọc dưới nước (rau muống nước, xà lách xoong, ngò om…) còn sống nhưng không rửa kỹ… có chứa trứng hoặc ấu trùng nang sán cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.

Ấu trùng sán lá gan nhỏ khi vào cơ thể người sẽ vào dạ dày, rồi xuống tá tràng sau đó ngược theo đường mật lên gan. Khi xâm nhập vào mô gan, sán non phát triển thành sán trưởng thành, đẻ trứng trong ống dẫn mật. Sau một tháng xâm nhập, sán trưởng thành và đẻ trứng.

“Sán lá gan nhỏ tuy không gây bệnh cấp tính, không nguy hiểm đến tính mạng trực tiếp nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sống. Đặc biệt, nếu không được chẩn đoán chính xác, nguy cơ bị cắt bỏ gan hay chẩn đoán nhầm bệnh khác rất dễ xảy ra”, bác sĩ Thọ cảnh báo.

Do vậy, để phòng bệnh sán lá gan nhỏ, bác sĩ Thọ khuyên mọi người cần, ăn chín uống sôi, đặc biệt không ăn các loại ốc sống, chưa được nấu chín kỹ, không ăn gỏi cá và các loại rau sống thủy sinh. Khi mua hoặc bắt ốc về, cần phải ngâm ốc trong nước có thể cho thêm ớt hoặc lá bưởi vò nhát để ốc nhả bớt cặn bẩn bên trong, sau đó rửa sạch và nấu chín kỹ trước khi ăn.

Ăn dứa tráng miệng có tốt không? Dứa hay kỵ với thực phẩm này nhưng ít người biết
Dứa thường được dùng để ăn tráng miệng hoặc uống nước ép, tuy nhiên rất nhiều người lo ngại đứa có thể kỵ với một số thực phẩm vì thế không nên sử...

An toàn thực phẩm

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm tốt cho sức khỏe