Đối với các cặp đôi hiếm muộn, khoảnh khắc con chào đời dù là bất cứ khi nào cũng là “ngày Tết”, là món quà độc đắc mà Thượng đế ban tặng và như một nguồn sáng cuối đường hầm tăm tối mà họ phải vất vả, gian nan bao năm tháng mới tìm được.
Có lẽ những ai đã từng trải qua những năm tháng “chiến đấu” với căn bệnh hiếm muộn, vô sinh mới hiểu hành trình này vô cùng khổ tận, gian nan không chỉ về vật chất mà nặng nề nhất là tinh thần.
Có những người may mắn có được thành công sau 1 năm, 2 năm hay 5 năm tìm kiếm, nhưng cũng có những cặp đôi phải trải qua cả một thập kỷ, thậm chí là mười tám, hai mươi năm ròng. Trong khoảng thời gian dài đằng đẵng với bao thử thách đó, có lẽ điều quan trọng nhất giúp các cặp đôi luôn song hành nắm chặt tay nhau đó là niềm tin: Niềm tin giữa vợ - chồng, niềm tin vào cuộc sống và niềm tin rằng luôn “có ánh sáng cuối đường hầm”. Và với NIỀM TIN đó, nhất định không được thôi HY VỌNG…
Những món quà vô giá là những đứa trẻ đáng yêu mà Thượng đế mang tặng cho những cặp đôi này như phần thưởng xứng đáng cho công sức, tiền của, mồ hôi và cả những giọt nước mắt mà họ đã bỏ ra.
Hình ảnh hai vợ chồng cùng ngồi trên chiếc xe lăn chăm sóc một đứa trẻ quả thật là điều không tưởng, nhưng nó lại đang hiện hữu trong căn nhà nhỏ ở xã Tiến Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Trải qua muôn vàn những khó khăn, có những lúc tưởng như không thể vượt qua, nhưng vợ chồng chị Trương Thị Hà (sinh năm 1978) và anh Lê Văn Năm (sinh năm 1984) đã làm được điều mà người khác nghĩ rằng không thể thực hiện được, đó là sinh con và chăm sóc đứa trẻ và cũng là kết quả của mối tình đầy nước mắt nhưng cũng vô cùng hạnh phúc của anh chị.
Gia đình chị Hà, anh Năm và hạnh phúc bên con trai
Sinh con ra cuộc sống có ý nghĩa nhiều hơn, tôi thấy mình mạnh mẽ hơn, trách nhiệm hơn, tự hào vì là một người phụ nữ khuyết tật nhưng đã hoàn thành thiên chức của một người mẹ như bao người phụ nữ khác. Mặc dù khó khăn trùng trùng điệp điệp, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua.
Trương Thị Hà - Eva.vn
”Gặp và quen nhau từ năm 2011, hai mảnh trăng khuyết như tìm được tiếng nói chung, nhưng họ phải mất hơn hai năm trời để thuyết phục gia đình hai bên đồng ý. Rào cản lớn nhất chính là sự lo lắng của gia đình khi cả hai anh chị đều khuyết tật nặng, cuộc sống gắn liền với chiếc xe lăn, đến vận động còn khó khăn thì khi lấy nhau về cuộc sống sẽ thế nào? “Lúc đó gia đình phản đối quyết liệt lắm, nhưng chúng tôi cứ lì cái mặt ra, rồi quyết tâm thuyết phục, mọi người cũng thương tình và đồng ý”, chị Hà bộc bạch.
Cuộc sống hôn nhân không dễ dàng như chị Hà nghĩ, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng chị không nản và chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Có chồng lúc nào cũng ở bên cạnh động viên, chia sẻ, chị càng quyết tâm để chứng minh cho mọi người thấy quyết định của mình là đúng.
Cứ vậy rồi niềm khao khát làm mẹ, mong muốn có một gia đình như bao gia đình khác là có một đứa trẻ cho “vui cửa vui nhà” và là chỗ dựa sau này; vợ chồng chị đã quyết định liều mình… sinh con. Vậy nhưng việc tìm con với cặp đôi vốn đã kém may mắn này chẳng dễ dàng gì.
Bé Lê Trương An Phúc gần 8 tháng tuổi.
Phải mất hơn 4 năm chạy chữa, họ mới thụ tinh ống nghiệm thành công ở Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội. “Quyết định sinh con nhiều gian truân lắm, thụ tinh trường kỳ, tốn kém, rồi tôi bị tổn thương cột sống, vợ chồng tôi hy vọng nhưng cũng lo lắng, may mắn là lại được. Suốt 3 tháng đầu tôi kiêng cữ cẩn thận, hầu như chỉ có nằm, mọi cái sinh hoạt đều trên giường hết. Sau đó thì lại sợ sinh non. Đến 36 tuần thì tôi đi mổ vào ngày 1/5/2017, lúc sinh con thì tôi bị suy hô hấp phải cấp cứu 5 ngày. Nhưng, đứa con sinh ra không có hậu môn…” giọng chị Hà lạc đi, nghẹn lại.
Hai vợ chồng chị Hà lại tiếp tục những ngày tháng lăn lộn ngoài bệnh viện nhi TW để chữa cho con, qua hai lần mổ và nhiều lần tái khám, hiện tại sức khỏe con chị đã ổn định, cháu đã có thể đi vệ sinh bình thường, mặc dù vẫn phải theo dõi và khám lại. Chị Hà chia sẻ: "Chi phí vay mượn, giật gấu vá vai, nhưng vẫn phải cố gắng chứ, mọi người quan tâm chăm sóc, rồi tin tưởng vào các thầy thuốc, không thể buông xuôi được vì còn chồng con, bắt buộc phải kiên cường”.
Anh chị đặt tên con là Lê Trương An Phúc với mong muốn sau này con có được cuộc sống bình an, hạnh phúc đủ đầy. Cuộc sống vẫn chưa vơi hết khó khăn, hàng ngày ngoài thời gian chăm con, hai vợ chồng thêu tranh chữ thập để kiếm thêm thu nhập ngoài số tiền hỗ trợ ít ỏi để lo cho cuộc sống gia đình. Khó khăn vẫn còn ở phía trước, nhưng với anh chị, tiếng cười con trẻ chính là động lực để cố gắng hơn nữa trong năm mới 2018 này.
“Mua một, khuyến mại một” là câu nói cửa miệng mà vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Thảo và anh Hà Minh Quân (đều sinh năm 1980) vẫn thường nói với nhau khi nhắc đến hai đứa con sinh đôi một trai, một gái mà anh chị tìm kiếm gần 8 năm trời.
Chí Thảo hạnh phúc bên cặp song sinh.
Trong suốt những năm tháng chữa trị, mỗi lần gặp khó khăn làm tôi nản chí, chồng lại luôn bảo: “Có anh ở đây rồi, vợ không phải nghĩ gì cả”, chỉ cần thế thôi là đủ động lực để thêm niềm tin, hy vọng và vững vàng bước tiếp rồi.
Minh Thảo - Eva.vn
”Kết hôn năm 2005, đến năm 2006, chị Thảo sinh được một bé gái. Khi con cứng cáp, anh chị nghĩ đến chuyện sinh đứa nữa, nhưng mong mãi mà chưa được, anh chị đi khám thì bác sỹ kết luận chị bị vô sinh thứ phát. Mặc dù buồn, nhưng anh chị vẫn quyết tâm chạy chữa. Chị Thảo chia sẻ: “Suốt quãng thời gian đó, tôi thay đổi 5 bác sỹ, trải qua 2 lần IVF, 5 lần chuyển phôi không thành công.Tôi bị tác dụng phụ của thuốc, hai mắt mờ đi suốt mấy tiếng đồng hồ sau khi sử dụng. Tôi là người duy tâm cũng hay đi lễ chùa, nhưng thú thực là cũng nản, kinh tế thì hết, tôi bảo với chồng “thôi nhé”. Khi đã phải nói với nhau câu này là hai mắt đã ngân ngấn nước, buồn lắm.
Nghỉ hơn một năm không theo chữa trị nữa, được người quen giới thiệu đến Bệnh viện Bưu điện. "Quyết tâm vay tiền để tiếp tục chạy chữa, được hay không được thì cũng xác định tư tưởng thử lần cuối cùng. Chồng tôi cũng động viên vợ nếu đủ sức khỏe, tư tưởng thì theo, còn nếu không thì thôi. Chồng nói vậy nhưng cũng thấy nỗi buồn trong mắt chồng, nên cũng hy vọng.”, chị Thảo chia sẻ.
Sau 2 lần chuyển phôi, may mắn đã mỉm cười với chị Thảo.
Sau 2 lần chuyển phôi, may mắn đã mỉm cười với anh chị. “Lúc chuyển phôi được 9 ngày, thử que được hai vạch, mình vui lắm, nghẹn ngào không nói được câu gì. Tôi đã phải chăm sóc, kiêng cữ, giữ gìn trong suốt quá trình mang thai. Bác sĩ khuyên để 36 tuần thôi nhưng tôi vừa theo dõi vừa lắng nghe cơ thể mình và cố đến 38 tuần. Khi nhìn thấy con về với mẹ rồi, không thể tả được cảm xúc lúc bấy giờ”, chị Thảo nghẹn ngào nói.
Tháng 12/2015, chị Thảo sinh đôi một trai, một gái, bé trai được 2,4kg, bé gái 2,3 kg; cả hai đều có thể trạng tốt và ổn định. “Sinh hai bé xong, vừa chăm sóc, vừa lo toan để trả hết nợ. Đến bây giờ thì khó khăn đã qua rồi. Hai đứa con đều khỏe, cứng cáp, phát triển tốt, không ốm đau, đứa lớn được hơn 9 cân, đứa bé hơn 8 cân. Cuộc sống gia đình, ổn định con cái rồi quay ra làm kinh tế. Hạnh phúc không chỉ là nhân đôi mà nhân lên rất nhiều lần", bà mẹ 3 con không giấu nổi niềm hạnh phúc chia sẻ.
Ngồi nhà nhỏ của chị giờ đây luôn rộn tiếng cười.
Nói thêm về những khó khăn đã trải qua trong hành trình chữa hiếm muộn, chị Thảo cho biết: "Cũng có những lần mình sợ không đủ kiên trì để tiếp tục tìm con nhưng anh xã luôn ở bên cạnh động viên, đó là động lực lớn nhất đối với mình".
10 năm không phải là thời gian quá dài, nhưng cũng không hề ngắn của đôi vợ chồng “già” ở Hà Nội đi tìm kiếm tiếng cười trẻ thơ. Anh Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1962) và chị Trần Thị Phúc (sinh năm 1963) lấy nhau khi đã ở độ tuổi tứ tuần, nên luôn mong mỏi có được mụn con cho căn nhà thêm ấm cúng. Vậy nhưng cả hai lần mang thai chị Phúc đều không giữ được.
Có bệnh thì vái tứ phương, ai mách ở đâu có thuốc nam, thuốc bắc tốt anh chị đều đến chữa, nhưng hiệu quả thì chưa thấy đâu, mà tiền chữa trị thì cứ lần lượt đội nón ra đi. Sau đó anh chị lại tìm đến bệnh viện lớn ở Hà Nội để theo điều trị và làm IVF hai lần, nhưng may mắn cũng chưa mỉm cười với họ.
Bé Nguyễn Tường Vi gần 2 tuổi
"Chồng động viên làm nốt lần này không được thì hai vợ chồng ở với nhau cũng được. Ông ý tốt lắm, chúng tôi cũng đã tính đến chuyện xin con nuôi."
Trần Thị Phúc - Eva.vn
Giữa lúc định buông xuôi thì vợ chồng chị Phúc được một người quen giới thiệu đến Bệnh viện Bưu điện, Chị Phúc chia sẻ: “Đi chữa mãi mà không được, tôi cảm thấy chán nản, hỏi chồng có muốn làm nữa hay không? Chồng động viên làm nốt lần này không được thì hai vợ chồng ở với nhau cũng được.”
Thế rồi, niềm hạnh phúc muộn màng cũng đã xuất hiện, lần làm IVF thứ 3 đã thành công. “Lúc đó vợ chồng tôi vui lắm và cũng lo vì nhiều tuổi rồi không biết con có khỏe mạnh hay không, có phát triển bình thường không nên tuần nào tôi cũng đi khám. Thật may là tình trạng bé tốt, mọi thứ đều bình thường suốt thai kỳ và cho đến bây giờ khi bé được gần 2 tuổi đều phát triển tốt", chị Phúc hạnh phúc nói.
Đứa trẻ ngây thơ chưa hiểu chuyện vẫn ngồi im trong lòng mẹ, đôi mắt tròn xoe tỏ vẻ tò mò với những gì đang diễn ra. Bên cạnh là người cha mà nếu người ngoài nhìn vào có lẽ sẽ tưởng là hai ông cháu; nhưng có hề gì, niềm vui luôn ánh lên trong mắt người cha khi khoe từng bức ảnh đứa con gái ở mỗi giai đoạn phát triển. Vớ họ lúc này, hạnh phúc chỉ đơn giản là chăm sóc cho con luôn khỏe mạnh và nhìn con khôn lớn mỗi ngày.
Người cha tuổi ngũ tuần liên tục khoe những bức ảnh theo từng giai đoạn phát triển của con gái nhỏ.
Thế mới thấy, việc có một đứa con đối với ai đó thật dễ dàng nhưng với không ít người thì vô cùng gian nan, khó nhọc. Như chị Nguyễn Thị Minh Thảo chia sẻ: “Trong suốt quá trình điều trị, tư tưởng và kinh tế là hai vấn đề nặng đầu nhất. Tiền để tìm kiếm con không thể đếm bằng tay mà phải đếm bằng máy. Nhưng khó khăn nhất vẫn là về tinh thần. Mỗi lần quyết định chữa trị lại nghe câu hỏi: Thế lại theo à? Liệu có được không…? Khi nghe thế tôi lại buồn, không muốn trả lời. Những câu hỏi đó làm cho tâm lý mình hoang mang, rồi lại nghĩ liệu có nên tiếp tục không? Nhưng chồng thì luôn bảo: “Có anh ở đây rồi, vợ không phải nghĩ gì cả”, chỉ cần thế thôi là đủ động lực để thêm niềm tin, hy vọng và vững vàng bước tiếp rồi.”
Trong chặng đường tìm con của các cặp đôi hiếm muộn nói riêng và trong hành trình cuộc sống của mỗi người sẽ không bao giờ thiếu những cơn sóng gió, gian nan, thử thách và những khi ấy, thiết nghĩ rằng chúng ra chỉ cần vững niềm tin tưởng, đừng thôi hy vọng chắc chắn sẽ “vững tay chèo” để vượt qua tất cả.