5 tai biến sản khoa mẹ bầu nào cũng sợ phải đối mặt

Thảo Nguyên - Ngày 07/12/2022 19:00 PM (GMT+7)

Trong suốt thời gian mang thai, bất kỳ mẹ bầu nào cũng phải cẩn trọng vì có thể sẽ phải đối mặt với những tai biến sản khoa nguy hiểm ở bất cứ thời điểm nào.

Mẹ bầu nào cũng biết, tai biến sản khoa là những bất thường trong quá trình mang thai và sinh nở. Trong đó có những tai biến sản khoa có thể kiểm soát nhưng có những tai biến không thể kiểm soát được.

Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến các mẹ bầu phải đối mặt với những tai biến sản khoa. Tuy nhiên nguyên nhân phổ biến nhất là do chậm trễ trong quá trình khám thai cũng như việc phát hiện nguy cơ chậm hoặc có thể do bác sĩ chẩn đoán, xử lý muộn, chuyển tuyến không kịp thời.

Bên cạnh đó, những yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ bị tai biến sản khoa: như mang thai trên 35 tuổi; từng sinh nở nhiều lần; mang song thai hoặc đa thai; đang mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch...

Cụ thể khi mang thai, thai phụ có thể gặp những tai biến như: nhau tiền đạo, nhau bám thấp, nhau bong non… Còn trong lúc chuyển dạ, có thể bị băng huyết, vỡ tử cung, thuyên tắc ối. Sau khi sinh nếu không cẩn trọng có nguy cơ bị băng huyết và nhiễm trùng hậu sản.

5 tai biến sản khoa mẹ bầu nào cũng sợ phải đối mặt - 1

1. Vỡ tử cung

Vỡ tử cung thường xảy ra do quá trình theo dõi chuyển dạ không sát, không có can thiệp đúng lúc và đúng kỹ thuật. Trong lúc chuyển dạ, cơn co bóp tử cung tăng quá mức nhưng vẫn không đẩy thai nhi ra được vì đường ra bị cản trở, đoạn dưới của tử cung sẽ mỏng quá mức rồi vỡ.

Bởi thế khi có các triệu chứng như: Cơn co dồn dập làm cho đau đớn vật vã; Người bệnh có biểu hiện sốc mặt tái nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt và lịm đi, rau máu âm đạo; Tim thai thường mất; Nắn bụng có thể thấy các phần thai nhi lổn nhổn dưới da bụng.... phải đến ngay viện thăm khám để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.

Ngoài ra vỡ tử cung thường xảy ra ở trường hợp mẹ bầu mang thai nhi quá to, ngôi thai bất thường (ngôi ngang), đa thai hoặc có vết mổ ở tử cung. Theo các bác sĩ sản khoa cho biết, tai biến sản khoa này có tỷ lệ tử vong cao với cả mẹ và con.

2. Băng huyết sau sinh

Đây là một trong những tai biến sản khoa thường gặp rất nguy hiểm. Tình trạng này được xác định khi lượng máu mất nhiều hơn 500 ml. Riêng những những sản phụ có sức khỏe yếu không cần đợi đến ngưỡng 500ml đã có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Khi bị băng huyết sau sinh, sản phụ có những triệu chứng: mệt, tím tái, da xanh xao, khát nước, mạch nhanh nhỏ, huyết áp có thể tụt thấp (chảy máu càng nặng thì huyết áp càng giảm nhiều); Chảy máu ồ ạt từ tử cung qua âm đạo ra ngoài; Ra máu với các mức độ và hình thái khác nhau; Một số trường hợp máu chảy không qua âm đạo nhiều nhưng đọng lại trong buồng tử cung hoặc tạo thành các khối huyết tụ.

Băng huyết sau sinh được xếp vào một trong những nguyên nhân gây chết người mẹ nhiều nhất ở các vùng nông thôn và kém phát triển. Tình trạng này diễn ra rất nhanh khiến thai phụ và bác sĩ trở tay không kịp. Hầu hết các ca băng huyết sau sinh diễn ra trong ngày đầu sau sinh, trường hợp nặng có thể diễn ra sau 2 – 3 giờ.

3. Tiền sản giật

Đây là biến chứng của những rối loạn cao huyết áp, kèm phù nhiều và mất đạm qua nước tiểu. Theo các số liệu thống kê, có khoảng 10 – 15% thai phụ bị tai biến này.

Khi bị tiền sản giật, thai phụ có triệu chứng: nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, mờ mắt, có thể nôn, đau thương vị... Ngoài ra xuất hiện cơn sản giật với các đặc điểm đột ngột qua 4 giai đoạn: xâm nhiễm, co cứng, co giật giãn cách và hôn mê. Biến chứng xuất huyết não có thể xảy ra ngay khi sản phụ lên cơn co giật, làm sản phụ hôn mê sâu và tử vong.

Tai biến tiền sản giật có thể xuất hiện ở thai kỳ từ tuần thứ 20 trở lên và cũng có thể xuất hiện trong lúc sinh hoặc sau khi sinh. Tiền sản giật xảy ra ở lần mang thai đầu vẫn có thể xảy ra ở các lần thai tiếp theo.

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân nên không có cách phòng chống. Mẹ bầu chỉ có cách thăm khám thai kỳ đầy đủ để phát hiện bệnh sớm, theo dõi sát sao và can thiệp kịp thời. Nếu không theo dõi tốt có thể dẫn đến sản giật, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

4. Nhiễm trùng hậu sản

Tai biến này là hậu quả của việc sót nhau trong khi sinh hoặc nhiễm trùng các vết thương tại đường sinh dục. Ngoài ra, viêm nội mạc tử cung cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng hậu sản.

Khi bị nhiễm trùng hậu sản, sản phụ có triệu chứng như: Sản dịch có mùi hôi; Có thể bị sốt; Tử cung co chậm và đau…

Nhiễm trùng hậu sản có thể diễn biến nhanh cấp tính đưa đến nhiễm trùng toàn thân nghiêm trọng hoặc viêm vùng chậu mạn tính, gây vô sinh.

5 tai biến sản khoa mẹ bầu nào cũng sợ phải đối mặt - 2

5. Thuyên tắc ối (tắc mạch ối)

Ngoài 4 tai biến sản khoa thường gặp trên thì hiện nay có một tai biến khó có thể tiên lượng trước và chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất đó là bệnh lý thuyên tắc ối. Đây là một tai biến sản khoa rất hiếm gặp và rất nguy hiểm. Tần suất xuất hiện tai biến thuyên tắc ối khoảng 1/8.000 - 1/80.000 ca sinh và tỉ lệ tử vong mẹ khoảng 80%.

Thuyên tắc ối thường xảy ra ở giai đoạn chuyển dạ, sổ thai hoặc sau sổ nhau. Ngoài ra, y khoa ghi nhận các trường hợp tắc mạch ối ở thai phụ có chung đặc điểm như thai nhi lớn, thai quá ngày, thai phụ lo lắng, hốt hoảng, khó thở và nôn mửa. Thêm vào đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm: Những thai phụ trên 35 tuổi; Thai phụ mang đa thai hoặc sinh con nhiều lần; Nhau thai bất thường; Thai phụ mắc chứng tiền sản giật; Từng mổ lấy thai, hoặc đẻ đường dưới có sự can thiệp của thủ thuật Forceps, giác kéo, chọc hút nước ối…

Làm cách nào để các mẹ bầu phòng ngừa tai biến sản khoa?

- Thực hiện đầy đủ lịch khám thai định kỳ, ít nhất là 3 lần trong thai kỳ vào giai đoạn 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Đồng thời cần tiêm phòng đầy đủ, bổ sung sắt, canxi…

- Cần phải có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, lao động nhẹ nhàng trong giai đoạn mang thai.

- Khi có các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, ra nước âm đạo, ra huyết âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, thai máy yếu, đau bên sườn hoặc khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

6 kiểu thai phụ dù muốn đẻ không đau nhưng vẫn bị bác sĩ sản khoa thẳng thừng từ chối
Mặc dù “đẻ không đau” được thực hiện 24/24 giờ tại khoa sản các bệnh viện tuyến trung ương khi thai phụ có nhu cầu nhưng không phải thai phụ nào cũng áp dụng được phương pháp khi sinh nở này.

Sinh thường

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bà bầu cần biết